Dân Việt

Ngỡ chảy máu cam, không ngờ bé trai mang khối u 12cm trong mũi

Bạch Dương 22/12/2020 17:03 GMT+7
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vừa phẫu thuật bóc tách thành công một khối u lớn trong mũi bệnh nhi 13 tuổi. Khối u này khiến bệnh nhi liên tục chảy máu cam, ù tai, nghe kém.
Ngỡ chảy máu cam, không ngờ bé trai mang khối u 12cm trong mũi - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhi sau ca mổ.

Chiều 22/12, BSCK2 Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bé trai (13 tuổi, ngụ Tây Ninh) vào khám bệnh do chảy máu cam nhiều lần, mỗi lần chảy máu trên 30 phút, khó cầm. Theo người nhà, bé trai có dấu hiệu chảy máu hơn một năm nay. Lúc đầu, gia đình để bé ở nhà, tự xử lý như nhét bông vào mũi, chườm đá cầm máu, nhưng tình trạng chảy máu cam ngày một nhiều. Đi khám tại bệnh viện địa phương, bác sĩ cũng chỉ xác định bé bị viêm mũi, chảy máu mũi.

Khi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé vẫn trong tình trạng chảy máu. Sau khi hút sạch máu mũi, các bác sĩ phát hiện bé có một khối u trắng đục bên mũi trái. Kết quả chụp CT Scan cho thấy trong lỗ mũi trái của bệnh nhi có một khối u lớn, bịt gần kín lỗ mũi, chẩn đoán u xơ vòm mũi họng và chỉ định mổ.

Ngỡ chảy máu cam, không ngờ bé trai mang khối u 12cm trong mũi - Ảnh 2.

BS Như chỉ khối u trên phim chụp CT Scan.

BS Như cho biết trước đây, với các ca u vòm mũi họng như vậy, bệnh viện thường áp dụng mổ mở, cắt xương để tiếp cận khối u. Phương pháp này có nhiều biến chứng hậu phẫu, để lại sẹo xấu trên mặt và tỷ lệ u tái phát khá cao (24%). Những từ năm 2019, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã áp dụng phương pháp thuyên tắc mạch máu, chặn dòng máu nuôi khối u để mổ nội soi. Sau 5 giờ phẫu thuật, khối u đặc dài 12cm đã được lấy ra trọn vẹn.

"Khối u vòm hầu mặc dù là khối u lành tính, nhưng lại có chân bám dạng càng cua rất chắc. Khối u càng lớn, chân bám càng sâu, dính vào nhiều mạch máu, chỉ cần chạm vào là phun máu khủng khiếp và không biết cầm ở đâu, nên khi mổ hở, bệnh nhi thường phải mất từ 1 - 1,5 lít máu dễ dẫn đến biến chứng tụt huyết áp rất nguy hiểm. Bệnh nhi phải nằm viện theo dõi từ 15 - 30 ngày, thậm chí lâu hơn nếu có biến chứng nặng. Với cách chặn mạch máu nuôi khối u, mổ nội soi, bệnh nhân mất rất ít máu và gần như không bị u tái phát", BS Như giải thích.

BS Như cho biết, hiện nay chưa xác định được nguyên nhân hình thành các khối u này, nhưng nhiều khả năng liên quan đến nội tiết tố. 90% khối u vòm mũi họng xảy ra ở bé trai và thường khởi phát ở tuổi dậy thì (13 -15 tuổi). Khối u lớn có thể gây biến chứng như chảy máu ồ ạt, ù tai, viêm tai, mờ mắt… Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận và điều trị cho từ 10 - 15 ca.

Triệu chứng chính của bệnh là trẻ thường nghẹt mũi, chảy máu mũi (chảy máu cam). Một số trẻ bị nặng sẽ có các dấu hiệu như viêm ổ mũi, ù tai, điếc, nhức đầu, mờ mắt, nhìn đôi… BS Như khuyến cáo chảy máu mũi thường gặp ở trẻ em, nhưng nếu trẻ bị chảy máu trên 15 phút, khó cầm thì cần đưa đi khám ngay. Khi bị chảy máu mũi, không cho trẻ nằm, mà để trẻ ngồi, cúi đầu về phía trước, lấy ngón tay đè cánh mũi, có thể dùng bông gòn để cầm máu.