Dân Việt

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai trên diện rộng, sao không bị xử lý?

Lãng Quân - Văn Hoàng 25/12/2020 06:43 GMT+7
Trở lại câu chuyện Công an thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) kết hợp với kiểm lâm và thú y thu giữ các cá thể chim hoang dã, có con to lớn, cao khoảng 80cm. Quả thật là một công việc "mới mẻ" và đầy bỡ ngỡ, lo toan của các đồng chí công an tâm huyết.

Video: Bài học làm gương cho các "tổng kho" tàn sát chim trời

Công an thành phố thức trắng đêm canh giữ hiện trường hàng trăm con chim "tang vật", khi mà chủ nhà là ông Bản không chịu kí biên bản vi phạm, ông cũng nại lý do ốm đau kì nèo khiến không ít người tỏ ra mủi lòng.

Nếu tính từ sáng ngày 9/12/2020, khi nhóm phóng viên hóa trang vào ghi hình chi tiết từng loài chim, số lượng, với các máy quay lén tinh vi, thì phải đến hơn 1 ngày sau sự việc vẫn trôi đi trong lo toan đắng lòng.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 1.

Chim hoang dã được nhốt trong các nhà hàng, các tổng kho trước giờ hành quyết phục vụ thực khách

"Chủ" hàng không chịu kí đơn, dẫu giám định bước đầu đã khẳng định các loài chim hoang dã kia là vi phạm khi nuôi nhốt, giết mổ, bán buôn, dẫu ông ta thừa nhận mang chim hoang dã từ miền Nam ra, từ Lào về ra sao. Tất nhiên, ông không kí thì cũng chẳng thay đổi được cục diện gì, có cán bộ, công an cơ sở, có người làm chứng, có người tố cáo, vẫn xử lý tốt.

Một tụ điểm bị xử lý, còn vài chục nhà hàng tương tự thì không sao?

Một chiến sỹ công an dày dạn kinh nghiệm, nói rất thật: hàng trăm con chim, nhiều con to lớn và bản tính hoang dã quá mạnh, mỏ dài cả gang tay, lực mổ mạnh vỡ nan lồng, họ phải khâu mắt chúng lại khi nhốt vì sợ nó mổ mắt bất cứ ai.

"Tổng kho" động vật hoang dã đó, đem về trụ sở công an không có chỗ nhốt, mà nhỡ nó chết hoặc nó bay mất thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Mà chúng tôi có được đào tạo kĩ năng để chăm sóc chim hoang dã đâu? Đành canh gác ở tại các lồng bẩn thỉu ở nhà hàng chờ xử lý.

Như đã mô tả, luật pháp quy định không được săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ, sử dụng sản phẩm từ các loài hoang dã trên, song cơ quan chức năng hầu như rất rất ít thu giữ, tiêu hủy, thả các loài chim hoang dã (với động vật rừng thông thường) về tự nhiên. Một cán bộ nói thẳng "chưa làm vụ nào thế này".

Bài toán đơn giản ai cũng biết, Phủ Lý là "thành phố đặc sản chim trời" suốt mấy thập niên qua, thử hỏi có bao nhiêu vụ "xử lý", trưng thu, thả chim về rừng như vụ "Nhà hàng Bản Cò" mà Dân Việt tố cáo rồi mời công an đến thực thi các quy định của Chính phủ, Luật pháp, công ước Quốc tế?

Vừa làm vừa nghe ngóng, tham vấn ý kiến cơ quan chức năng. Thậm chí, không dễ gì bằng mắt thường phân biệt được chúng là chim gì, mức độ được bảo vệ ra sao. Bèn mời kiểm lâm đến giám định theo nghiệp vụ của họ, song kiểm lâm không đến sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, thì sao? Thì công an phải "canh chim" trắng đêm như đã diễn ra theo đúng nghĩa đen.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 2.

Chim hoang dã sau khi bị bắt được các chủ nhà hàng nhốt để mời khách

Bắt được rồi, thả chim ở khu nào? Họ có cho thả không, chim bị ốm, bị bệnh, thả vào tự nhiên có lây bệnh ra cộng đồng chim cò muông thú thì sao? Lại tham vấn ý kiến của tổ chức bảo tồn danh tiếng ở Hà Nội. Lại giám định loài bị nhầm mất một số cá thể trong lồng nhốt.

Quả thật, khi hàng trăm con chim đẹp, to lớn đáng được bảo tồn theo đúng luật pháp Việt Nam kia được thả về tự nhiên, chúng tôi đã vui đến mức, có lẽ không cần gì nhiều hơn thế trong vụ này.

Tuy nhiên, bài toán ai cũng thấy, rất vô lý. Rằng, riêng trong tài liệu ghi hình mới nhất của nhóm phóng viên, vẫn có hàng loạt các "thủ phủ" chim trời khác, với các tuyên bố coi trời bằng vung, chim hoang dã to lớn và đông đúc nhốt trên tầng hai, tầng ba các ngôi nhà kiên cố, thậm chí nhốt ngay mặt phố kêu ríu rít rồi giết mổ tùm lum để "câu nhử" thực khách.

Thử hỏi, vì sao chỉ "làm điểm" nơi mà nhà báo tố cáo thôi, còn các "thủ phủ" khác tràn lan, có khi vài chục mét phố mấy nhà hàng chim trời liền cùng một "thương hiệu". Có khi một góc tấm ảnh chụp, thấy cả chục nhà hàng.

Vi phạm ngang nhiên cứ tồn tại hàng chục năm, bất chấp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7 năm 2020 đã có Chỉ thị đặc biệt "cấm tiệt" các vi phạm kể trên. Cơ quan chức năng đứng ở đâu?

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 3.

Loài di cư thường bị săn bắt nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch hàng nằm

Có người "thúc" mới đi bắt, chỗ bắt chỗ không

Tương tự các bất cập đó, là chuyện xảy ra ở 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

Nếu Hà Nam nổi tiếng với các hệ thống nhà hàng khét tiếng cả nước mang tên chim cò, thì Bắc Ninh chắc là đơn vị duy nhất ở Việt Nam mà gần như sắp ngang ngửa. Qua thị sát, đặc biệt là "ẩn mình" vào các hội nhóm săn bắn chim di cư, bẫy bắt chim trời cả nước, chúng tôi rất để ý đến "Tú chim trời Bắc Ninh".

Anh ta liên tục đưa video về các chuồng nhốt vạc, nhốt giang, toàn con chim to cao lừng lững, mà chúng chen vai rất đông trong chuồng đất được quây kín mát rượi. Ngày nào Tú cũng lên mạng tuyên bố đang có 2 vạn con chim sẻ, hai nghìn con chim giẽ, đàn chim to lớn đang sống lộc ngộc lênh khênh trong chuồng ngoài gốc cây nhãn nhà Tú.

Hình ảnh vô cùng sinh động, được xây dựng kèm nhạc nhẽo tưng bừng. Gọi điện, Tú chấp nhận làm đối tác với chúng tôi. Song, ngỏ ý uống chén rượu làm quen thì Tú từ chối vì bận toàn lấy hàng đông lạnh ở bến xe rồi đi giao cho nhà hàng. "Nhà em ở ngay sau Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc". Số lượng chim đông lạnh và các loài hoang dã sống nguyên qua cơ sở của Tú là rất lớn.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 4.

Vợ chồng Tú và những đơn hàng 50 đến 100 con chim hoang dã chuẩn bị đi giao

Chúng tôi tận mắt chứng kiến và nghe tận miệng vợ chồng Tú tiết lộ là không thể chối cãi. Tú cung cấp cho nhà hàng T. ở thành phố Bắc Ninh, tại đây, chúng tôi xem cảnh khiêng chim trời to lớn còn sống ra cho khách xem trước khi giết mổ. Tại nhà hàng Vương L. gần đó, ông chủ khoe trên bờ tường các loại ảnh kỉ niệm bắn ngỗng trời, giang, vạc khắp cả nước. Các bó chim to đùng, chết thảm, súng ống lủng liểng như chiến binh. Chim hoang dã thì ông cho nhốt ở trên sân thượng nhà mình để tránh bị "dòm ngó" bởi cơ quan kiểm lâm, công an.

Tuy nhiên, khi chúng tôi báo cáo sự việc với Giám đốc Công an tỉnh, rồi Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Môi trường (Công an tỉnh Bắc Ninh), rồi trực tiếp đưa cán bộ mặc thường phục vào trinh sát ở nhà "Tú chim trời", thì các đồng chí tỏ ra ngần ngại. Vi phạm dĩ nhiên là có thật, song động vật rừng thông thường được bán tràn ngập công khai ở các nhà hàng trên địa bàn, nay xử thế nào? Với nhiều ái ngại khác, tóm lại là nhiều lực lượng làm việc với chúng tôi xong là không hành động tiếp. Nếu nói chúng ta chưa có đủ quy định luật và có ít "tiền lệ" để xử lý các vi phạm này là hàn toàn sai.

Tại trụ sở Công an thành phố Bắc Ninh, phóng viên đã gọi cho chuyên gia luật pháp hàng đầu về lĩnh vực này là bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và bật loa cho các đồng chí công an nghe đầy đủ quy định cả mới lẫn cũ, từ cấp cao nhất đổ xuống, để xử lý được vụ việc này.

Công an các tỉnh như Hà Tĩnh chẳng hạn, họ bắt rất quyết liệt, để bảo vệ môi trường sống và tránh lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho bà con mình. Tùy theo số lượng, vi phạm trên có thể phạt tới vài trăm triệu đồng và án tù lên tới 12 năm, với hành vi buôn bán chim hoang dã thông thường.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 5.

Cơ quan chức năng kiểm tra "tổng kho" Tú Chim Trời ở Bắc Ninh

Một đồng chí công an vẫn băn khoăn, "bắt lũ chim này về để đâu, nó chết thì sao, họ kiện thì làm thế nào". Ôm những áy náy băn khoăn này, đã khiến các anh "phải trinh sát thêm".

Theo Luật hiện hành của nước ta, theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ, sau đợt "cao trào" Covid-19 với kiến nghị thống thiết của các tổ chức bảo tồn danh tiếng: động vật rừng thông thường, trong đó có chim, bò sát, lưỡng cư…, cứ là loài hoang dã thì đều không được săn bắt, buôn bán, sử dụng.

Quả thế, khi liên lạc với ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đã cảm nhận được sự vào cuộc nghiêm túc của các đồng chí trong vụ việc "Tú chim trời" kể trên. Từ chiều đến khi trời tối, các đồng chí từ lãnh đạo, phòng pháp chế, đến lực lượng kiểm lâm cơ động và các trạm trưởng đã đi ô tô, mặc trang phục kiểm lâm, có giấy tờ kiểm tra sau khi nhận thông tin tố cáo.

Họ đã kiểm kê số lượng chim trời. Niêm phong, mang động vật đi xử lý hết sức bài bản. Các lồng, chuồng, tải nhốt chim, hai cái tủ lạnh lớn lổng chổng chất ngất các loài chim đã mổ sẵn, từ le le, cuốc, cu đất, vạc, chim sẻ… - tất cả đều được niêm phong, kiểm kê, đem đi xử lý.

Chủ nhà khóc ròng vì tiếc của, vợ Tú, đêm ấy vẫn gọi cho khách, mô tả chị bị bắt hết hàng rồi, tuy nhiên, mai cần hàng chị vẫn có mà… bán cho em. Thông tin trong tủ đông đang có 2 vạn con chim sẻ, hàng nghìn con chim giẽ, chưa kể ngót trăm con vạc… mà Tú khoe với chúng tôi cũng như trên facebook, chua xót thay, lại là sự thật.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 6.

Tủ đông nhà Tú, khi chúng tôi báo Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh ập vào

Tại Vĩnh Phúc, ngay trong Thành phố Vĩnh Yên, nhóm Phóng viên phát hiện một nhà hàng tên là Thịnh Yến (đường Hoàng Hoa Thám, phường Đồng Tâm) "khét tiếng" đang vứt đầy các bao tải lưới nhốt cò vạc lổm ngổm kêu cứu rất thê lương ở ven đường nhựa. Vứt cả xuống mặt đường, trên vỉa hè là lông chim, nồi niêu xoong chảo giết hại các loài chim hoang dã.

Vào nhà, năm bảy bao tải, hàng trăm con chim, gồm tu hú, cò, vạc, vài con nằm chết còng queo, còn lại tất cả lổm ngổm trong các bao tải lưới ở khu sàn đất toàn phân, lông, lòng mề chim vừa bị giết thịt. Tủ đông đầy tú hụ, với "thi thể" vạc, giang lớn, cùng vô số các túi, mỗi túi cả trăm con chim sẻ.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 7.

Sau quá trình điều tra, chúng tôi đã tiến hành tố cáo và đề nghị cơ quan công an, kiểm lâm đến xử lý vi phạm ở nhà hàng Thịnh Yến, TP Vĩnh Yên.

Chúng tôi liên lạc ghi hình, tố cáo với Công an tỉnh, Công an Thành phố Vĩnh Yên và Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc. Đội Kinh tế, Công an Vĩnh Yên có mặt sớm hơn, mãi gần nửa đêm mới xử lý xong, sau nhiều giờ chờ đợi thúc giục, lực lượng kiểm lâm mới cực chẳng đã có mặt.

Tiếc thay, video ngồn ngộn chim trời hoang dã bị bắt, nhốt, giết thịt, thực khách ăn ầm ĩ, nhưng qua kiểm kê (không hiểu sao!) con số chỉ còn lại 18 con vạc sống đưa vào hồ sơ xử lý.

Có chuyện, chúng tôi để người "ngụy trang" ở lại xem việc xử lý và kiểm đếm, thì cả tiếng đồng hồ sau, công an vẫn làm việc, gia nhân của nhà hàng Thịnh Yến vẫn tiếp tục giết cò vạc và chim hoang dã và thực khách vẫn đánh chén. Công an đến, ông chủ vẫn mặc áo trắng, sơ vin đang nhậu chim trời với nườm nượp khách.

Nếu không có các video lúc nhúc vô số bao tải chim vứt ra đường phố, xếp chồng chất lổm ngổm trong nhà, tiếng kêu khèn khẹt của cò vạc, nếu không có cảnh tủ đông chất ngất chim trời và lời người của nhà hàng tiết lộ mỗi lần nhập vài trăm con chim bỏ tủ… thì có lẽ cơ quan chức năng nghĩ là chúng tôi vu oan cho quán "Thịnh Yến".

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai và trên diện rộng, sao không bị xử lý? - Ảnh 8.

Cơ quan chức năng làm việc với chủ quán chim Thịnh Yến

Quả thật, sau hàng chục năm công khai tàn sát chim trời trên diện rộng, ở khắp nhiều tỉnh thành, giờ mong muốn bảo tồn thiên nhiên với các sứ giả bầu trời tuyệt đẹp và có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kia, không dễ tí nào. Sáng 10/12/2020, các sỹ quan công an Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vui mừng mang các lồng chim nước to, cả những con diệc xám mỏ dài cao lênh khênh ra một vùng sông nước hữu tình của vùng Tam Chúc và phóng thích.

Trung tá Lê Thị Phóng, Công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xúc động nhắn tin cho chúng tôi: "Nhìn lũ chim dập dờn bay đi, đạp chân vỗ cánh trên mặt nước là là mà em thấy cuộc đời thật đẹp, thật lãng mãn". Còn chúng tôi, thấy nỗ lực "phá án" của họ thật tử tế.