Dân Việt

Khai mạc website Triển lãm "Vì Hạnh phúc của mỗi người"

Hoàng Thành 24/12/2020 11:27 GMT+7
200 ảnh, tài liệu trên nền tảng 3D và 9 phim ngắn giới thiệu các chủ đề về quyền con người được đăng tải trên website triển lãm có tên miền: www.vihanhphucmoinguoi.vn và www.vihanhphucmoinguoi.com.

Ngày 24/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng tổ chức Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam với tên gọi "Vì Hạnh phúc của mỗi người".

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, vì điều kiện dịch bệnh Covid-19 nên năm nay Bộ TTTT chuyển sang hình thức Triển lãm trực tuyến qua website.

Khai mạc website Triển lãm "Vì Hạnh phúc của mỗi người" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại triển lãm.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, quyền con người là các quyền tự nhiên được tạo hóa ban cho và cũng là thành quả đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc.

Nhà nước Việt Nam không chỉ tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn làm hết sức mình để thực hiện quyền con người. Việc này được thực hiện thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.

Những năm vừa qua, Việt Nam chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hiến pháp 2013 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người.

Khai mạc website Triển lãm "Vì Hạnh phúc của mỗi người" - Ảnh 2.

Các đại biểu ấn nút khai trương triển lãm.

"Nhờ tăng trưởng kinh tế ở tỉ lệ cao và bền vững, mức sống của người dân ngày càng tăng nhanh, tỷ lệ nghèo giảm mạnh đã góp phần bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác", ông Bảo nói.

Từ hôm nay (24/12), Ban Tổ chức triển lãm đăng tải 200 ảnh, tài liệu trên nền tảng 3D; 9 phim ngắn giới thiệu các chủ đề của triển lãm trên 2 website có tên miền: www.vihanhphucmoinguoi.vn và www.vihanhphucmoinguoi.com

Cùng triển lãm online, Bộ TTTT trao tặng UBND tỉnh Quảng Nam 1 bộ ảnh và tư liệu triển lãm để tiếp tục trưng bày phục vụ khách tham quan tại tỉnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ TTTT cho rằng, Việt Nam không những bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

"Triển lãm của chúng ta nhắm tới mục tiêu nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, trong các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, và đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật; quảng bá hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống nhân văn, một Việt Nam có trách nhiệm với người dân của mình và cộng đồng quốc tế. Điều đó thể hiện sinh động qua công tác chống dịch COVID-19 hiệu quả trong năm qua", ông Bảo nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT, điểm nhấn của Triển lãm là tìm tòi để giới thiệu tới công chúng các tư liệu phản ảnh giá trị tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam được lựa chọn từ kho di sản mộc bản, châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009.

"Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TTTT, để thích ứng với điều kiện bình thường mới khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Triển lãm năm 2020 chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trên website với mong muốn Triển lãm đến được một cách sinh động nhất tới với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, phát huy hơn nữa hiệu quả truyền thông đối ngoại của Triển lãm", ông Bảo bày tỏ.

Từ nguồn dữ liệu, ảnh của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và từ các nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên toàn quốc, Ban Tổ chức đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định, Ban Chỉ đạo lựa chọn ra 200 ảnh, tài liệu đáp ứng được tương đối cả 3 yếu tố: Tính khoa học, đại diện cho các quyền; Tính nghệ thuật thể hiện cảm xúc Hạnh Phúc của Mỗi người và yếu tố kỹ thuật để đảm bảo độ phân giải, hiệu ứng.

Trong đó, 200 ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh theo bố cục gồm các phần chính sau: Chủ đề 1, nhóm tài liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam; Chủ đề 2, tài liệu về thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam từ 1945 đến nay. Chủ đề 3, Việt Nam bảo đảm các quyền con người trong đại dịch Covid-19; Chủ đề 4,Quảng Nam - Đổi mới và phát triển.