Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Long Mạnh là một trong những công ty lớn đầu tư sản xuất tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu. Từ nhiều năm nay, công ty đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất vào nuôi trồng tôm siêu thâm canh. Tổng diện tích nuôi trồng của công ty lên tới hơn 15 héc ta. Việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, công ty đòi hỏi người lao động cần phải có những kỹ năng nhất định.
Phóng sự: "Kỹ năng nghề của lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp".
Anh Võ Công Thân, lao động làm việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Long Mạnh chia sẻ, để làm tốt công việc của mình, anh phải tham gia lớp học sơ cấp về nuôi tôm thẻ chân trắng.
"Theo tôi thấy, lao động qua đào tạo nắm được quy trình chăn nuôi nhanh hơn. Tôi cho rằng nông dân nên tham gia lớp học nuôi trồng thủy sản để có thể nắm rõ quy trình nuôi, hiểu được bệnh về con tôm", anh Thân chia sẻ.
Ông Long Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Long Mạnh cho biết, trước đây 1 hộ nuôi 1.000 m2 cần 4 lao động, nay chỉ cần 1-2 lao động. Tuy nhiên, lao động trong nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay đòi hỏi khắt khe hơn, và để đáp ứng, người lao động cần phải qua đào tạo kỹ càng.
Sáng nay 25/12, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: "Tăng cường xây dựng kỹ năng nghề trong ngành nông nghiệp". Buổi tọa đàm sẽ bắt đầu lúc 10 giờ tại trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay (Hà Nội).
Tham dự buổi tọa đàm có: TS Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) - thành viên HĐKNNN, trưởng Ban thư ký Hội đồng; ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); PGS.TS Nguyễn Thị Thuận – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN; Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh
"Thứ nhất lao động phải qua trường lớp, thứ 2 là lao động phải có ý thức; thứ 3 là phải có kỹ năng. Lao động hội tụ đủ 3 yếu tố đó sẽ làm rất tốt công việc và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.
Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, nông nghiệp đang thu hút tới hơn 32% lao động làm việc trực tiếp (nếu tính cả gián tiếp thì lên tới hơn 50% tổng số lao động quốc gia). Nông nghiệp chính là trụ cột của nền kinh tế. Giải quyết được các vấn đề để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng nghĩa với giải quyết được các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đem lại đời sống ấm no cho hơn 50% lực lượng lao động.
Mặc dù vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của cả nước mới chỉ đạt hơn 21%. Trong đó, toàn ngành nông nghiệp là hơn 4%; công nghiệp, chế biến, chế tạo cao nhất cũng chỉ chiếm khoảng 17%.
Trong bối cảnh kinh tế Hội nhập, Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại toàn cầu, các FTA thế hệ mới. Điều này càng đòi hỏi lao động làm việc trong ngành nông nghiệp phải có những kỹ năng cơ bản, toàn diện để tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Trước thực tế đó, năm 2019, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lần đầu tiên Việt Nam triển khai thí điểm mô hình quản trị kỹ năng ở cấp ngành với việc thành lập Hội đồng Kỹ năng nghề Quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Sáng kiến nhằm hỗ trợ phát triển kỹ năng, thúc đẩy tăng năng suất và tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân trong lĩnh vực quan trọng hiện đang sử dụng hơn 32% lực lượng lao động này. Sau hơn 1 năm thành lập, hội đồng đã ban hành báo cáo đánh giá kỹ năng lao động làm trong ngành nông nghiệp ở 4 nghề: Mộc mỹ nghệ, lâm sản, thủy sản, chế biến.
Bà Phạm Thị Lý cho rằng, sự thành lập của hội đồng kỹ năng nghề là vô cùng cần thiết. Là người trong cuộc được mời tham gia vào Hội đồng kỹ năng nghề, bà kỳ vọng với trí tuệ chung của một tập thể, tâm huyết của nhiều nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và một số lĩnh vực khác liên quan có thể mang lại giải pháp để thúc đẩy tăng cường kỹ năng cho người lao động.
Về phía cơ sở đào tạo, bà Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế, kỹ thuật và thủy sản Bắc Ninh cũng đánh giá cao tầm quan trọng của Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. "Chúng tôi mong muốn Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia có những định hướng về những kỹ năng nghề còn thiếu hụt, cần bổ sung của lao động làm nông nghiệp để nhà trường sẽ dựa vào đó làm tốt hơn công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho đất nước. Đặc biệt mong muốn Hội đồng kỹ năng ngành sớm ban hành bộ kỹ năng nghề trong nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản để nhà trường có định hướng đào tạo những năng lực cần thiết cho học sinh, sinh viên, giúp lao động tiệm cận được với trình độ sản xuất trong nước cũng như quốc tế", bà Hạnh kỳ vọng.