Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Sinh đủ 2 con và nuôi con khoẻ mạnh để đảm bảo nguồn lực cho đất nước" do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 25/12, bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - KHHGĐ, Tổng cục Dân số chia sẻ: "Có thể thấy, ở những nơi mức sinh thấp, tình trạng đẻ thưa, đẻ ít, thậm chí không muốn đẻ và xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn khá phổ biến ở giới trẻ hiện nay.
Đây là xu hướng của đô thị hóa và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp.
Ngoài ra, hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; thiếu chính sách đủ mạnh để người dân ở vùng mức sinh thấp sinh đủ hai con".
Theo bà Như, để "chữa bệnh" lười đẻ của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay, cần giải quyết những bất cập trên. Cụ thể cần có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ tạo điều kiện nam, nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi, đồng thời có những biện pháp, chính sách hỗ trợ sau kết hôn, sinh con và chăm sóc, nuôi dạy con cái...
"Nếu chỉ khuyến khích kết hôn mà không có những giải pháp hỗ trợ sau kết hôn thì khó có thể tăng mức sinh ở những nơi mức sinh thấp", bà Như nhận định.
Theo bà Như, hiện nay chương trình Dân số-KHHGĐ vẫn đang triển khai một số mô hình hỗ trợ như: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Sàng lọc trước sinh; Sàng lọc sơ sinh. Tuy nhiên, các chính sách mô hình này tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Một số địa phương đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương. Cụ thể như tại Hậu Giang có chính sách khuyến khích động viên đối với các địa phương (xã, ấp) duy trì mô hình sinh đủ hai con, hỗ trợ gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái. Tại Long An có chính sách miễn phí tại cơ sở y tế công lập cho đối tượng nam nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn, thai phụ được sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh;...
Bà Như chia sẻ, tại những địa phương có mức sinh thấp, trong Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao chính quyền địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Trước mắt, thí điểm một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích như hỗ trợ để tạo môi trường nam, nữ thanh niên giao lưu, kết bạn, hẹn hò và tiến tới hôn nhân; Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình,... Chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị.
Ngoài ra cần hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con: Tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình; ...
Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
"Trên cơ sở đánh giá các biện pháp thí điểm, từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho gia đình, cộng đồng", bà Như nói.