PV: Ông nhận định thế nào về tình hình ghép tạng hiện nay tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Huy Quang: Hiện nay, ở Việt Nam, đa số các ca ghép tạng đều từ người cho sống. Người hiến tạng là người thân trong gia đình, cùng họ hàng, cùng huyết thống cho nhau. Còn tỷ lệ từ người cho chết não khá là thấp. Ở Việt Nam tỷ lệ người chết não hiến tạng chỉ là 0,1/1 triệu dân trong khi các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tỷ lệ này lên đến 50 ca/1 triệu dân.
Số ca chết não hiến tạng tại Việt Nam chỉ khoảng 10 ca/ năm, trong khi có đến 1500 ca chết não mỗi năm.
Do đó, chúng ta phải có những biện pháp để khuyến khích người chết não hiến tạng, tận dụng được thời gian vàng để lấy tạng từ người cho chết não...
Như vậy mới đảm bảo được tính chất nhân văn, nhân đạo của hành động hiến tạng. Đồng thời, khi nguồn tạng từ người chết não tăng thì sẽ hạn chế tối đa hoạt động mua bán tạng.
Để thực hiện được điều này, chúng ta phải có sự điều chỉnh về mặt quy định, Luật pháp cho phù hợp, khuyến khích và gia tăng người chết não hiến tạng.
Vậy theo ông cần phải điều chỉnh những điểm cụ thể nào?
-Hiện nay, theo Luật, người chết não phải có thẻ hiến tạng, phải có sự đồng ý của bố mẹ, vợ con. Thực tế, nhiều gia đình đã không đồng ý, các bác sĩ bó tay. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh Luật sang "suy đoán đồng ý", có nghĩa là khi một người có tai nạn chết não là có thể lấy tạng ghép, không cần biết người này có đồng ý hiến tạng hay không, chỉ trừ khi người ta đã từ chối bằng văn bản. Như vậy, chúng ta sẽ tăng được nguồn tạng.
Vấn đề thứ 2, Hội đồng xác định chết não cũng phải thay đổi thành phần để đáp ứng với yêu cầu của hiện tại. Chúng ta chỉ cần chuyên gia hồi sức tích cực, chuyên gia nội (ngoại) thần kinh là xác định được một ca chết não mà không cần thêm bác sĩ pháp y như quy định hiện nay. Như vậy mới tranh thủ, giàng giật được thời gian để có được nguồn tạng khỏe mạnh, ghép cho người bệnh.
Ngoài ra, phải tăng khả năng điều phối giữa Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng, bộ phận cơ thể người với các cơ sở ghép tạng và các cơ sở khám chữa bệnh. Khi có người nghi ngờ chết não ở cơ sở khám chữa bệnh mà nơi đó không có Hội đồng chẩn đoán chết não thì Trung tâm phải điều phối ngay, đồng thời triển khai các biện pháp kịp thời để lấy tạng, tìm người nhận phù hợp...
Liên quan đến tài chính để ghép tạng. Nếu chúng ta có nguồn từ xã hội hóa thì chúng ta sẽ triển khai ghép tạng tốt hơn, thay vì trông chờ vào nguồn của BHYT. Vì BHYT chỉ chi cho việc, sau khi ghép, người ghép hoặc người cho có bệnh thì BHYT mới chi trả như thuốc chống thải ghép thông thường...
Ông nhận định thế nào về tình trạng buôn bán thận ở Việt Nam hoặc người Việt Nam ra nước ngoài bán thận? Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
-Hiện nay có 1 vài trường hợp đứng ra "môi giới" mua bán thận hoặc bộ phận cơ thể người, bị cơ quan công an bắt và khởi tố. Điều này cho thấy, ở Việt Nam cũng đã có hiện tượng mua bán bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, để mua bán được bộ phận cơ thể người này, người ta phải có những ràng buộc, hồ sơ ràng buộc về mặt pháp lý như: người cho cùng huyết thống...
Nếu như chúng ta không có sàng lọc, phối hợp của các cơ quan liên quan như công an, hộ tịch, UBND các cấp, chúng ta khó xác định được người cho cùng huyết thống nếu chỉ nhìn trên giấy tờ.
Như Bệnh viện T.Ư Huế sau khi nhờ công an xác minh đã phát hiện hơn 100 hồ sơ/588 hồ sơ xác minh là giả.
Do đó, giải pháp mang tính chất căn cơ nhất vẫn chính là hạn chế người cho sống, tăng người cho chết não, ổn định về nguồn tạng thì sẽ hạn chế tối đa được tình trạng mua bán tạng.
Hiện chưa có sự thay đổi thì các cơ sở ghép tạng phải có đội ngũ chuyên gia về mặt pháp lý để sàng lọc, xem xét các hồ sơ để phát hiện ra các hồ sơ giả, về tận địa phương nơi người cho sống để xác minh... Không thể dễ dàng chấp nhận người cho từ Cao Bằng lại cho tạng một ông ở Cà Mau là vì có họ hàng được....
Xin cảm ơn ông!
Quan trọng là thay đổi quan niệm sống – chết
Để phát triển được chuyên ngành ghép tạng, điều quan trọng nhất là thay đổi được nhiều quan niệm cố hữu hiện nay. Có nhiều trường hợp họ không thiếu tiền, không thiếu người hiến tạng nhưng họ kiên quyết chịu chết chứ không muốn có bộ phận người chết sống trong cơ thể mình. Quan điểm cái chết toàn thây khiến bố mẹ không muốn lấy tạng của con trai lớn, cứu con trai bé.
Có gia đình dù người thân đã hiến hết tạng nhưng khi mang về nhà vẫn "diễn" như chưa chết, đặt xuống giường mới rút ống thở để người thân được chết trong nhà, không chết đường chết chợ, cũng không bị mọi người dị nghị... Lại có người vợ hiến tạng chồng với nghĩa cử cao đẹp nhưng về quê bị mắng chửi là "bán xác" chồng, con đi học bị bạn chê cười...
Thẻ hiến tạng bây giờ không có tác dụng gì khi gia đình không đồng ý...
Khi chúng ta thay đổi được hết điều này thì chúng ta sẽ có thêm hàng trăm, hàng nghìn người cho chết não.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết-chuyên gia ghép tạng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.
Nâng cao độ tuổi cho phép hiến tạng
Hiện nay Luật quy định, thanh niên từ 18 tuổi trở lên có quyền hiến tạng theo tôi là quá trẻ. Vì ở độ tuổi này, các bạn còn suy nghĩ chưa chín chắn, tuổi trẻ, có những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu hiến tạng. Do đó, theo tôi nên quy định độ tuổi tối thiểu được hiến tạng là từ 30-35 tuổi, đã có gia đình, đã có con. Như vậy sẽ bảo vệ người trẻ hơn.
Còn quyền lợi cũng chỉ nên quy định cho người hiến. Vì ngân sách nhà nước làm sao đủ chi trả cho cả người thân, hơn nữa hiến tạng là hành động nhân văn, vô vụ lợi, sao còn phải quy định nhận "đền bù". Ngoài ra, cần có quy định hỗ trợ gia đình người hiến chết não nếu họ có con nhỏ, gặp khó khăn... Các hỗ trợ cũng không nên bằng tiền mà thông qua thẻ BHYT, hỗ trợ việc làm.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Bệnh viện Chợ Rẫy)