Chiều 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, Triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Năm 2020, GDNN trong cả nước tuyển sinh được 2,28 triệu lao động, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng là 580.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác hơn 1,7 triệu người (đạt 101,2% kế hoạch năm).
Giai đoạn 2016 - 2020, tuyển sinh đạt 11,077 triệu người (đạt 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015), vượt kế hoạch được giao của giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 2,47 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8,6 triệu người. Tốt nghiệp GDNN đạt 10,2 triệu người (đạt 108% kế hoạch). Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1,993 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8,219 triệu người.
Bà Nguyễn Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết trong nhiều năm qua, GDNN đã có bước chuyển quan trọng về cả chất lượng và số lượng. Quy mô tuyển sinh liên tục tăng lên, chất lượng liên tục được cải thiện.
Bà Hương cho biết các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học.
Phương pháp giảng dạy tích hợp lý thuyết và thực hành được các cơ sở GDNN áp dụng phổ biến để tăng khả năng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học.
Nhiều cơ sở GDNN đã nghiên cứu và áp dụng mô hình "đào tạo kép", phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp, học sinh, sinh viên học tại trường 6 - 7 tháng, học tại doanh nghiệp 3 - 4 tháng, thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, cập nhật cho giáo viên và sinh viên các kỹ năng mới, công nghệ mới.
Ngoài ra, phương pháp giảng dạy lý thuyết kết hợp thảo luận, thuyết trình, nêu các vấn đề để người học tư duy, giải quyết,...; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa (đi tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tổ chức các cuộc thi, thành lập các câu lạc bộ,...) để tạo sân chơi, cơ hội cho người học trao đổi, tiếp cận với thực tế sản xuất nhằm nâng cao trình độ, nhận thức của người học về lĩnh vực được đào tạo giúp các em yên tâm học tập, yêu ngành, yêu nghề đã chọn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đã được hầu hết các cơ sở GDNN chú trọng, như ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý đào tạo (từ khâu quản lý công tác tuyển sinh; xây dựng, quản lý kế hoạch đào tạo; quản lý kết quả đào tạo; quản lý văn bằng tốt nghiệp,....). Nhiều trường đã thực hiện tuyển sinh online, quản lý kết quả đào tạo online... Công nghệ thông tin cũng được các giáo viên tại các cơ sở GDNN ứng dụng mạnh mẽ từ việc biên soạn giáo án, bài giảng, đến ứng dụng các phần mềm chuyên ngành để thiết kế các bài giảng.
Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục GDNN đã thúc đẩy, ký kết các chương trình hợp tác với các đơn vị trong đào tạo. Cụ thể, Tổng cục đã phối hợp với Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn (Samsung, Denso, Vingroup, Trung Nguyên, FLC, Vietjet, Sun Group, BIM, BPO Mắt Bão... ) để các cơ sở GDNN thúc đẩy tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.
"Thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục xây dựng quy trình khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp; đồng thời ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; kiểm định chất lượng và phát triển kỹ năng nghề quốc gia...", bà Hương cho biết.
Mục tiêu năm 2021 là tuyển sinh 2,5 triệu người, trong đó: cao đẳng là 260.000 người; trung cấp là 340.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.900 người (trong đó gồm 1.500 lao động nông thôn, hơn 300 người khuyết tật).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết hiện, đơn vị này có 7 trường đào tạo trong ngành du lịch. Do có nhiều nghề đặc thù, nên việc tuyển sinh khá khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ cũng có một số đề xuất nhằm hỗ trợ các đơn vị tuyển sinh, đào tạo. Bộ kiến nghị Tổng cục GDNN sớm ban hành Bộ Kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch.
Ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán Bộ Công Thương cũng kiến nghị Tổng cục GDNN đề xuất với các cơ quan chức năng tăng nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, tăng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiến tới nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm quảng bá sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ.
"Chúng tôi cũng kiến nghị sớm rà soát bổ sung các ngành nghề, mở rộng ngành nghề phù hợp để đào tạo nghề cho lao động nông thôn", ông Hiếu nói.
Ông Phạm Văn Sơn - Văn phòng Chính phủ cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, GDNN cần phải tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo; đồng thời thực hiện bắt tay, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo GDNN.