Vận dụng chuyển đổi số xây dựng kỹ năng nghề
Vừa qua, trong Tọa đàm "Tăng cường xây dựng Kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN) thừa nhận chuyển đổi số là câu chuyện thời sự trong thời kỳ 4.0. Nếu chúng ta không chủ động chuyển đổi thì tự mình sẽ bị cuốn đi một cách bị động trong quá trình đó. Chính lao động nông nghiệp đang chuyển đổi liên tục, người dân ai cũng có một chiếc smartphone, nhiều nông dân ứng dụng máy móc trong sản xuất, buôn bán...
Ông Trường cũng chia sẻ, mới đây Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã đưa nội dung chuyển đổi số vào việc xây dựng các bộ kỹ năng nghề. Trong bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, tất cả lao động đều được quy định năng lực chuyển đổi số. Tùy từng công việc, từng lĩnh vực mà trang bị kỹ năng chuyển đổi số cho lao động nói chung và lao động nông nghiệp nói riêng. Đây sẽ là nhóm năng lực cơ bản trong kỹ năng của lao động.
"Khó khăn nhất trong nông nghiệp là ngại chuyển đổi và thiếu vốn. Phải làm sao để lao động nông nghiệp có tư duy mới, tư duy số thì mới phát triển được".
Ông Nguyễn Chí Trường -
Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề
Về vấn đề này ông Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát triển (Bộ NNPTNT) cho rằng, chuyển đổi số trong khu vực nhà nước khác với khu vực sản xuất kinh doanh, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp.
"Chuyển đổi số có 2 vấn đề. Một là công nghệ, hai là mô hình quản trị. Từng hộ, từng nghề, từng HTX phải định hình được mô hình sản xuất kinh doanh. Từ đó, công nghệ mới vào cuộc để chuyển đổi số"- ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cảnh báo, không thể thực hiện chuyển đổi số trước khi hoàn thiện quy trình sản xuất, hay nói cách khác là xây dựng mô hình quản trị.
Các trường đang đầu tư cho chuyển đổi số
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu được đặt ra trong các chương trình, đề án của Chính phủ.
"Trong chỉ thị của Thủ tướng có nêu 2 đề án cần triển khai trong thời gian tới, đó là đề án chuyển đổi số trong GDNN và đề án tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin trong lực lượng lao động. Phấn đấu hết năm 2020 phải có 70%, đến năm 2025 là 80%, đến 2030 là 90% lực lượng lao động được trang bị kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản. Đây cũng là nhằm đáp ứng mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững" - ông Dũng nhắc lại.
Hiện nay, để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, nhiều cơ sở đào tạo đã ứng dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là một ví dụ. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, trường đang triển khai các chương trình đạo tạo từ xa - tự học có hướng dẫn (đào tạo trực tuyến) trên cả nền tảng website và điện thoại di động; chương trình học, đăng ký nhập học hoàn toàn trực tuyến; song song với áp dụng hệ thống thông minh tích hợp công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).
"Hiện nay nhà trường đang tiến hành dự án phát triển hệ sinh thái thông minh với nguồn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để kết nối, chia sẻ, phản biện giữa nhà trường - sinh viên - nhà tuyển dụng… Đây là bước quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của trường, từ khâu tuyển sinh tới cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp"- ông Ngọc cho biết thêm.