Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, giới võ lâm Sài Gòn từng chứng kiến những màn đả lôi đài khốc liệt đến nảy lửa. Ngót một nửa thế kỷ trước, vào năm 1972, một kỳ lôi đài gây chấn động đã diễn ra với nhân vật chính là hai võ sư - khí công sư nổi tiếng người Hoa.
Xin khắc họa lại kỳ đài vang danh này dựa theo lời kể của một nhân chứng sống: võ sư - tiến sĩ - nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.
Theo khẳng định của võ sư Chưởng môn Hồ Tường, kỳ đài gây chấn động này được tổ chức vào năm 1972 ở sân Tinh Võ (nay là Trung tâm Thể dục thể thao Tinh Võ, số 756 đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) do võ đường Kinh Kha của võ sư Kinh Kha tổ chức.
Trước kỳ đài này, võ sư Kinh Kha là một khí công sư người Hoa nổi tiếng trong giới võ lâm Sài Gòn, từng xuất hiện với nhiều màn biểu diễn nội công như dùng giáo đâm yết hầu, nằm bàn chông đập đá lên người, lấy nhíp xe hơi đánh vào trán để làm cong nhíp xe…
Với mục đích khuếch trương thanh thế ở giới võ lâm Sài Gòn, kỳ võ đài của Kinh Kha được quảng cáo rầm rộ. Kinh Kha cho người rải tờ rơi, poster khắp nơi với nội dung "Võ đường Kinh Kha thủ đài để giao đấu với võ lâm thiên hạ".
Vị cao thủ nội công người Hoa kỳ vọng mau chóng biến võ đường của mình có thể nổi tiếng, cạnh tranh sòng phẳng với một số võ đường lừng danh thời bấy giờ của Lý Huỳnh, La Khôn, Trần Minh, Nguyễn Hớn Minh…
Ở kỳ đài đó, chính võ sư Kinh Kha và cả sư huynh của ông là võ sư Trần Luân (cũng là một người Hoa) đã đích thân ra thi đấu võ đài hai trận then chốt, được chờ đợi nhất trong đêm võ đài. Ngoài Kinh Kha và Trần Luân, tất cả các trận còn lại đều là những màn tỉ thí của học trò ông thi đấu với những võ đường khác.
"Trong thực tế, giới võ thuật đang sinh hoạt ở Tổng cục Quyền thuật Việt Nam lúc đó, ai cũng biết rằng Kinh Kha là người gốc Hoa, có gốc là võ Tàu. Nhưng cái chính là ông từng học quyền Thái (xưa gọi là võ Xiêm hay ngày nay gọi là Muay Thái).
Sư Huynh Trần Luân của Kinh Kha cũng giống như Kinh Kha. Trong khi đó, các "học trò" mà Kinh Kha giới thiệu ở kỳ đài thực chất đều là học trò của võ sư Huỳnh Tiền được Kinh Kha thuê về vì thấy võ sư Huỳnh Tiền đào tạo được rất nhiều đệ tử giỏi.
Huỳnh Tiền là một võ sư rất giỏi, nhưng ông cũng khá hóm hỉnh. Khi đặt tên những học trò cho võ sư Kinh Kha mượn, ông đã dùng các biệt danh khi lên đấu đài, như: võ sĩ Kinh Khủng, Kinh Hoàng, Kinh Khiếp..." - Chưởng môn Hồ Tường kể lại.
Quảng cáo rầm rộ, tuyên bố muốn giao đấu với võ lâm thiên hạ, thế nhưng toan tính của Kinh Kha và Trần Luân đã dần dần bị phá sản. Ngay trong đêm võ đài đầu tiên, những võ sĩ như: Kinh Khủng, Kinh Hoàng, Kinh Khiếp... đều đã lần lượt thua trận vì gặp phải đối thủ trên cơ.
Thế rồi, trận đấu then chốt đầu tiên của kỳ đài cũng diễn ra. Đó là màn tỉ thí của Trần Luân với đối thủ là Từ Thanh Phương của Võ đường Từ Thiện (do cố Chưởng môn Hồ Văn Lành phái Tân Khánh Bà Trà trực tiếp hướng dẫn).
Mang danh là một hảo hán võ thuật Trung Hoa, song màn tỉ thí giữa Trần Luân với Từ Thanh Phương chỉ diễn ra trong hơn một phút! Vừa vào trận, sau khi đôi bên bái tổ, Từ Thanh Phương đã tấn công ngay bằng một đòn đá ống quyển bằng chân phải. Trần Luân hơi nhích người ra sau tránh đòn đá, hai tay hơi hạ xuống đề phòng đòn đá bồi tiếp theo.
Nào ngờ, Từ Thanh Phương đã không bỏ lỡ cơ hội, bỏ chân đá dài để nhập nội áp sát. Ông xoay người 180 độ, đánh một đòn rờ ve bằng tay chính xác vào quai hàm của Trần Luân. Trần Luân trúng đòn ngã lăn ra sàn đài, co giật liên tục. Trọng tài đếm 10 tiếng, Trần Luân vẫn còn co giật. Mọi quảng cáo cho trận đấu, rằng Trần Luân là một hảo hán võ thuật Trung Hoa, rốt cục đã bị bôi nhọ.
"Lúc Trần Luân ngã xuống sàn đài, chính bản thân tôi đang đứng cạnh sàn đài, thấy anh ta co giật mà thấy thương. Một người phụ nữ đã toan chạy lên đài, tôi đoán là vợ của Trần Luân, nhưng đã bị chặn lại, chờ trọng tài đếm đủ số 10, tuyên bố Trần Luân knock out thì người đàn bà và các săn sóc viên bên Kinh Kha mới được leo lên đài với chiếc băng ca để khiêng Trần Luân xuống" - Chưởng môn Hồ Tường kể lại.
Nhiều người nói rằng năm, tháng mà Kinh Kha tổ chức võ đài chắc là năm xui, tháng hạn của Kinh Kha. Thật vậy, sang đêm thứ hai, lần lượt những võ sĩ họ Kinh đều lần lượt thua trận. Mọi người chỉ còn hy vọng ở trận then chốt giữa võ sư Kinh Kha và võ sĩ người Việt là Long Mouse (học trò của võ sư Long Hổ Hội) vì người ta đã từng thấy Kinh Kha biểu diễn những màn nội công đáng nể lắm.
Kinh Kha cao to, khoảng 1m75, nặng khoảng 70kg, là người có bản lĩnh thực sự. Khi vào trận, Kinh Kha đã tung những ngọn đá mạnh và lẹ như sấm sét liên tục trúng vào đối phương, làm cho Long Mouse luôn ở thế bị động, chạy đòn.
Thế nhưng, trong một giây phút say đòn, Kinh Kha đã tung liên tục hai cú đá ống quyển bằng cả chân trái và chân phải để dồn Long Mouse vào góc đài nhằm hạ thủ. Đúng vào lúc đó, Long Mouse đang trong tư thề chạy đòn đã bất ngờ quay lưng lại, giật một đòn cùi chỏ ngược trúng ngay vào chân mày của Kinh Kha.
Đòn cùi chỏ thật ra không mạnh lắm, nhưng nhờ sức lao tới của Kinh Kha mà đòn cùi chỏ trở nên mạnh hơn, khi trúng vào chân mày Kinh Kha làm bể chân mày, lòi cả phần xương trên chân mày ra trắng hếu, máu tuôn xối xả ướt cả mặt Kinh Kha.
Trong tài tuyên bố ngừng đấu, nhưng Kinh Kha vẫn nằng nặc muốn đấu tiếp. Bác sĩ bên bảo hiểm được mời lên và kết quả là bác sĩ lắc đầu, không cho đấu tiếp, có thể gây nguy hiểm cho Kinh Kha vì máu sẽ chảy nhiều và vết rách ở chân mày có thể bị Long Mouse khai thác đánh vào làm vết thương rách to thêm.
Thế là sau hai đêm võ đài, toàn bộ phe của võ sư Kinh Kha đều bị thất thủ dù tuyên bố rằng sẽ "thủ đài" giống như các bậc hảo hán xưa ở Trung Hoa. Cũng chính sau kỳ đài gây chấn động này, người ta không thấy Kinh Kha xuất hiện trong giới võ ở Sài Gòn nữa.
"Ngày nay, những võ sư khoảng 60 tuổi trở xuống ở miền Nam chắc không ai biết Kinh Kha và Trần Luân nhưng chắc chắn một số võ sư lớn tuổi sẽ biết hai nhân vật này. Tôi kể lại hai trận tỉ thí của Kinh Kha và Trần Luân qua đó để thấy rằng một võ sĩ đầu đài có kỹ thuật giỏi không hẳn đã là thắng trận dễ dàng.
Trong đấu võ đài đòi hỏi nhiều yếu tố lắm. Ở Kinh Kha và Trần Luân có thể là quá chủ quan trước hai đối thủ là Từ Thanh Phương và Long Mouse vốn là những võ sĩ mới thượng đài mà thôi. Ý của Kinh Kha muốn đấu như vậy là chắc ăn, đúng như những gì quảng cáo. Nhưng rõ ràng sự mất cảnh giác, sự khinh thường đối phương cuối cùng đều mang đến kết quả đau thương như vậy" - Chưởng môn Hồ Tường kết lại.
(Bài viết được ghi chép lại qua lời kể của võ sư – tiến sĩ – nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà).