Dân Việt

Chuyển đổi số y tế quốc gia: Mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng

Diệu Linh 30/12/2020 06:00 GMT+7
Chi trả viện phí bằng “ví điện tử”, hồ sơ bệnh án điện tử, chụp XQ, cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ không in phim, ngồi nhà chữa bệnh từ xa… trong thời gian tới, người dân đi khám bệnh sẽ không cần cầm tiền, cũng không phải “khư khư” giấy tờ khám bệnh…

"Người không" đi khám chữa bệnh

Bắt đầu từ ngày 15/12, Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội đã áp dụng phương pháp lưu trữ và trả kết quả chấn đoán hình ảnh qua hệ thống phần mềm PACS cho toàn bộ người bệnh ngoại trú. Hệ thống PACS không chỉ cung cấp và lưu trữ hình ảnh chiếu chụp cho người bệnh và bác sĩ lâu dài mà còn cung cấp các công cụ xử lý và phân tích hình ảnh có độ chính xác cao, giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác.

"Sau khi chụp XQ, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, chụp mạch số hóa xóa nền xong, toàn bộ hình ảnh ngay lập tức được truyền tải tới màn hình của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ đọc, trả kết quả nhanh chóng, chính xác hơn. Sau đó toàn bộ kết quả và hình ảnh được tự động gửi cho bác sĩ lâm sàng; hỗ trợ các bác sĩ đưa ra kết luận nhanh hơn, chính xác hơn trong quá trình khám, điều trị. Trên hệ thống PACS, mọi hình ảnh được số hóa và lưu trữ theo chuẩn y tế với chất lượng như trên máy chụp gốc. Chỉ cần cung cấp mã số người bệnh hoặc một số thông tin như họ tên, ngày chụp… là bác sĩ có thể xem kết quả bất kỳ lúc nào trên điện thoại smartphone, máy tính bảng, máy tính có truy cập internet.

Chuyển đổi số y tế quốc gia: Mỗi người dân sẽ có 1 bác sĩ riêng - Ảnh 1.

Một buổi khám chữa bệnh từ xa với bệnh viện tuyến dưới của BV Đại học Y Hà Nội.

Mục tiêu là phục vụ người dân tốt hơn

Chuyển đổi số y tế quốc gia với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn và tạo ra được nhiều tiện ích trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngành y tế đã thực hiện triển khai một loạt chương trình, kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành y tế.

img

Từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Trong năm 2021 tới, Bộ sẽ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ khám sức khỏe giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã quan tâm, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh khác.

Năm 2022 và 2023, Bộ sẽ đi vào triển khai bệnh viện không giấy tờ và mở rộng mô hình. Khi có sự thay đổi về cơ chế, cách thức điều hành, chương trình chuyển đổi số y tế sẽ được đẩy mạnh hơn, cao hơn và nhanh hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Điều này tiết kiệm nhiều thời gian cho bệnh nhân và bác sĩ, giúp cho việc chẩn trị bệnh được chính xác hơn" - PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y nhận định.

BV Đại học Y Hà Nội là 1 trong 23 BV trên toàn quốc dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Ngoài ra, BV Đại học Y Hà Nội cũng là bệnh viện tiên phong ứng dụng khám chữa bệnh từ xa Telehealth. PGS-TS Phạm Thị Bích Đào - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, từ 2 BV ban đầu là BV Đa khoa Mường Khương (Lào Cai), BV Đa khoa Quảng Xương (Thanh Hóa), sau 8 tháng triển khai đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia đề án khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội. Đến nay đã có 416 ca bệnh khó được các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội hội chẩn qua Telehealth.

"Nhờ các buổi khám chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, khi các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời. Bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lên tuyến trên. Ngoài ra, hơn 100 báo cáo khoa học được cập nhật chia sẻ từ bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới. Nhờ đó, kiến thức của các bác sĩ tuyến dưới cũng được nâng cao"- TS Đào nhận định.

Còn tại BV Việt Đức, bệnh nhân đi viện mà không cần mang tiền mặt. PGS-TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, chi trả viện phí bằng tiền mặt ở BV khiến bệnh nhân mất đến 3-4 lượt xếp hàng, thời gian chờ đợi lâu, gây tâm lý ức chế, khó chịu, cáu gắt. BV phải bố trí số đông nhân viên thu tiền và thanh toán viện phí. Nhiều gia đình phải chuẩn bị số tiền lớn, không tránh khỏi rơi, thất lạc, thậm chí là trộm cắp. Do đó, thời gian qua, BV đã đa dạng hóa hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt như dùng thẻ ngân hàng, thẻ bảo lãnh viện phí, quẹt thẻ qua mát, quét mã QR, ví điện tử…".

Với ví điện tử, người bệnh chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại và thanh toán viện phí bằng cách nhập mã hồ sơ. Với ứng dụng này, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân chỉ nhấn nút là thanh toán viện phí xong, không phải xếp hàng, chờ đợi, không lo mất cắp, rơi vãi. Còn BV cũng tiết kiệm được nhiều chi phí nhân lực, thời gian…

Chuyển đổi số - tiết kiệm thời gian, tiền bạc

BV Đại học Y Hà Nội là 1 trong 23 BV trên toàn quốc dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Theo ông Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), nếu tất cả các BV đều chuyển dùng PACS, mỗi năm có thể tiết kiệm 4.000 tỷ đồng, là chi phí dành để mua phim in hàng năm.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động và hơn 30 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt. Gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng.

Ông Tường nhận định, chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D.

Qua các báo cáo, hiện có 100% BV trên toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý BV; 10 BV và 1 phòng khám thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, trong đó Quảng Ninh có tới 3 BV (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản nhi), BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, BV Đa khoa khu vực Long Khánh và Đa khoa khu vực An Giang…

Một số BV tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hiện sử dụng mạng xã hội để tương tác với bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum…

Ngoài ra, Bộ Y tế phối hợp BHXH Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH. Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam.

Đến nay cũng đã có gần 1.400 cơ sở y tế kết nối khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Người bệnh có thể ngồi nhà, đến các cơ sở y tế tuyến dưới mà vẫn được các bác sĩ tuyến trên khám, điều trị các bệnh nặng. Đến nay, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với BV T.Ư như BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức, BV Nội tiết, BV Đại học Y Hà Nội…