Dân Việt

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao

Linh Quyên 30/12/2020 16:16 GMT+7
Linh Quyên

Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy phát triển phần lớn ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu thời Covid-19. Câu hỏi đặt ra là liệu có thị trường châu Á nào khác sẽ "đổi ngôi" với Trung Quốc trong ngắn hạn hoặc dài hạn hay không.

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao - Ảnh 1.

Hậu Covid-19 người tiêu dùng giàu có Trung Quốc được dự đoán sẽ quay lại mua hàng ở nước ngoài, dù viễn cảnh du lịch chắc sẽ khác nhiều so với trước đây. (Ảnh: Jing Daily)

Báo Jing Daily dẫn phân tích của ông Erwan Rambourg - Giám đốc điều hành ngân hàng HSBC tại Hong Kong, người từng là nhà phân tích hàng đầu về lĩnh vực hàng xa xỉ và đồ thể thao và cũng là tác giả cuốn sách "Future Luxe" (Hàng xa xỉ tương lai) - nêu rõ:

Năm 2019 người tiêu dùng Trung Quốc đại lục chiếm 38% doanh số bán hàng, tạo ra phần lớn mức tăng trưởng cho lĩnh vực hàng xa xỉ toàn cầu. Dù không phải tất cả họ đều mua hàng xa xỉ, nhưng người Trung Quốc đại lục vẫn được dự đoán sẽ tăng doanh số hàng xa xỉ cá nhân từ 38% năm 2019 lên 50% hoặc hơn vào năm 2025, giúp hầu hết các thương hiệu xa xỉ tăng gấp đôi doanh số bán hàng trong khung thời gian này.

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao - Ảnh 2.

Trong thập niên trước Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về mua sắm hàng xa xỉ. (Ảnh: marketingtochina)

Vậy liệu các quốc gia châu Á khác có thể xoay chuyển được dòng chảy hàng xa xỉ trong thời gian tới không?

20 năm trước Nhật Bản là quốc gia sở hữu những người tiêu dùng xa xỉ chủ chốt và chiếm hơn một nửa doanh số của Louis Vuitton vào cuối năm 2003. Nhưng nay khi Nhật Bản đã trở thành thị trường vàng thì triển vọng dài hạn lại có vẻ không tích cực, do cơ cấu dân số già mà mức tiêu dùng hàng xa xỉ lại phụ thuộc chủ yếu vào tầng lớp nữ khách hàng trẻ không được thay thế. Bởi vậy mức đóng góp của người tiêu dùng Nhật Bản vào lĩnh vực tiêu thụ hàng xa xỉ được dự đoán có thể sẽ giảm từ 9% xuống 5%.

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao - Ảnh 3.

Người tiêu dùng hàng xa xỉ Nhật Bản được cho là theo phong cách rất khác với người Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Trong khi đó các quốc gia châu Á khác có thể đóng góp khoảng 15% doanh thu hàng xa xỉ. Nổi trội nhất là thị trường Hàn Quốc nhờ thị trường mỹ phẩm được hỗ trợ rất tốt nên vẫn có tiềm năng phát triển hàng xa xỉ. Cùng với Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc vẫn đạt thành tích khả quan về doanh số bán hàng xa xỉ năm 2020 nhờ sự gia tăng xu hướng mua hàng bán trong nước.

Đặc biệt sự xuất hiện và ngày càng gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng nam giới đã thu hút sự quan tâm của các thương hiệu hàng xa xỉ, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất được dự đoán phân khúc người tiêu dùng nam giới sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ vượt mức tiêu thụ của khách hàng nữ giới trong thập niên tới.

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao - Ảnh 4.

Người tiêu dùng nam giới Hàn Quốc được dự đoán sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ vượt mức tiêu thụ của khách hàng nữ giới trong thập niên tới. (Ảnh: koreaherald)

Trong khi người mua sắm Đông Nam Á và người tiêu dùng Ấn Độ vốn được cho là có khả năng đảo chiều kim chỉ nam hàng xa xỉ sang châu Á, nhưng đó là theo tầm nhìn dài hạn của các chuyên gia chứ chưa phải ngay trong năm tới.

Cũng theo ông Erwan Rambourg, hy vọng về tăng trưởng hàng xa xỉ được đặt vào người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu là với các mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu như Cognac và Scotch. Tiềm năng chủ yếu của Indonesia là dân số trẻ và năng động, nhưng tầng lớp trung lưu trở lên chưa nhiều. Còn hàng xa xỉ muốn phát triển trong giới tiêu dùng cao cấp Ấn Độ vẫn gặp nhiều trở ngại nhất là về thuế nhập khẩu, xu hướng tập trung vào giá trị nội tại của sản phẩm hơn là thương hiệu…

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao - Ảnh 5.

Các tạp chí sang trọng có tiếng đều đang hướng tới giới người tiêu dùng giàu có ở châu Á. (Ảnh: luxurysociatyasia)

Theo Viện Brookings, thời thập niên 1950 có tới hơn 90% tầng lớp trung lưu toàn cầu sống ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì nay hơn 20% cư trú tại Trung Quốc. Phân khúc khách hàng này còn được dự đoán sẽ tăng lên tới 25% vào năm 2027, chiếm tới 1,2 tỷ người tiêu dùng tiềm năng.

Bởi thế, trả lời cho câu hỏi liệu có quốc gia châu Á nào khác "đổi ngôi" với Trung Quốc về thúc đẩy tăng trưởng hàng xa xỉ, giới chuyên môn dự đoán vẫn sẻ là sự gia tăng hơn nữa phân khúc khách hàng cao cấp Trung Quốc khi  họ có thể lại đi ra nước ngoài mua hàng như trước đây.

Xu hướng “đảo chiều” hàng xa xỉ sang các thị trường châu Á ra sao - Ảnh 6.

Tngười Trung Quốc đại lục vẫn được dự đoán sẽ tăng doanh số hàng xa xỉ cá nhân từ 38% năm 2019 lên 50% hoặc hơn vào năm 2025. (Ảnh: alizia)