Dân Việt

Lao động ngành nông nghiệp mơ tết ấm

Nguyệt Tạ 31/12/2020 06:07 GMT+7
Mặc dù vừa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép - dịch Covid -19 và tình hình hạn mặn, bão lũ, nhưng trong năm qua nông nghiệp đã khẳng định được vị thế trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là cơ sở để lao động làm nông nghiệp mơ về một cái tết ấm.

Lao động phấn khởi hơn

Dù đã 7 giờ tối nhưng anh Nguyễn Văn Nam (HTX ở Đông Anh) vẫn tất bật làm việc. Công ty anh chuyên cung ứng mặt hàng nông sản hữu cơ, phục vụ xuất khẩu. So với các năm trước năm nay anh nhiều việc hơn, thu nhập cũng tăng cao hơn, trung bình từ 9-12 triệu đồng/tháng. Anh Nam tâm sự: "Mấy năm trước công ty làm ăn vất vả lắm, thu nhập không ăn thua. Năm nay dù Covid-19 nhưng xuất khẩu lại tăng, công ty ăn nên làm ra, đơn hàng nhiều nên anh em cũng yên tâm sản xuất".

Theo ghi nhận, công ty có 50 lao động làm việc trực tiếp tại văn phòng và nhà máy đóng gói, ngoài ra còn có hàng trăm nông dân tham gia liên minh HTX.

Lao động ngành nông nghiệp mơ tết ấm - Ảnh 1.

Lao động học nghề chế biến tôm tại trường Cao đẳng Kinh tế thủy sản Bắc Ninh. Ảnh: N.T

"Thưởng tết là sự thỏa thuận của người lao động và doanh nghiệp, vì thế bản chất công ty làm ăn được thì mới có thể quay lại chăm lo cho người lao động".

Bà Nguyễn Thị Lan

Một lao động nữ tại HTX cho biết, thông thường các năm trước, lãnh đạo HTX thưởng 1 tháng lương cộng doanh số, tùy doanh số cao hay thấp.

"Chưa biết mức thưởng cụ thể năm nay ra sao, nhưng nhìn chung lao động ai cũng phấn khởi vì HTX có bước phát triển. Kinh tế vẫn khó khăn, vì thế dù ít dù nhiều chỉ cần có là lao động cũng vui vẻ.

Tại một công ty chăn nuôi top đầu của Việt Nam, lao động cũng khá phấn khởi bởi doanh thu sản xuất, đặc biệt sản xuất lợn của công ty cũng tăng gấp 3 lần. Việc công ty làm ăn có lãi cũng là cơ sở để lãnh đạo công ty có điều kiện chăm lo tốt hơn cái tết cho công nhân lao động.

Không chỉ chăn nuôi, trồng trọt, ngành chế biến gỗ cũng ăn nên làm ra có nhiều hợp đồng xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, căn cứ tình hình sản xuất bình thường, nhiều khả năng năm nay công ty vẫn thưởng tháng lương 13 cho tất cả người lao động.

Ông Phạm Văn Tài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp (TP.HCM) thông tin, kết quả khảo sát tình hình thưởng tết của trên 20 DN trên địa bàn quận cho thấy, các DN đều có kế hoạch thưởng tết cho người lao động, trước mắt là thưởng tháng lương 13. Tuy nhiên, một vài DN do gặp khó khăn vì tác động của dịch Covid-19 nên chỉ thưởng cho người lao động ½ tháng lương. Đặc biệt là chưa ghi nhận trường hợp DN nào cho biết sẽ thưởng tết cho lao động bằng hiện vật.

Nhiều cách chăm lo, thưởng tết cho lao động

Do đặc thù hoạt động sản xuất hàng hóa, nên ngoài lương thưởng tết, nhiều DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn thưởng cả hiện vật cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định, năm nay nông nghiệp có nhiều khởi sắc, không chỉ trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực mà còn trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tăng sản xuất theo hướng hiện đại.

Trao đổi về vấn đề lương thưởng tết, ông Huân cho rằng nhóm ngành nông nghiệp vốn dĩ không phải là nhóm ngành soái ngôi đầu về thưởng tết. Theo thông lệ, những ngành dẫn đầu về thưởng Tết cho công nhân, lao động là ngân hàng, bất động sản, dầu khí, công nghệ thông tin... Năm nay chắc cũng không ngoại lệ.

"Tuy vậy, năm nay là một năm khởi sắc với nông nghiệp. Vì thế thay vì việc "trắng" thưởng tết như nhiều năm, năm nay lao động làm nông nghiệp trong các DN, HTX (có hợp đồng lao động) hoàn toàn có thể hy vọng về một cái tết ấm. Mặc dù đó không phải là mức thưởng cao đột xuất"- ông Huân nhận định.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động cho rằng, năm nay nhiều khả năng lao động làm trong ngành nông nghiệp sẽ không còn phải nhận một cái thưởng tết độc chỉ toàn sản phẩm, thịt cá, rau cà. "Bộ luật Lao động mới quy định thưởng tết không chỉ bằng tiền mà có thể bằng hiện vật, tuy nhiên điều này là hợp lý. Thưởng tết là sự thỏa thuận của người lao động và doanh nghiệp, vì thế bản chất công ty làm ăn được thì mới có thể quay lại chăm lo cho người lao động".