Dân Việt

Việt Nam và những kỳ vọng kinh tế trong năm mới 2021

Huyền Anh 01/01/2021 06:00 GMT+7
Năm 2021 chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% và từ 6,5- 7% trong giai đoạn 2021 - 2025. Vậy niềm tin ở đây là gì? Đó là, khả năng tăng trưởng của chúng ta năm 2021 sẽ vượt 6% là có thể, trong điều kiện chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

Đó là nhận định của TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt.

Vượt qua những "phép thử" khắc nghiệt

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Nếu nhìn trong cả giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, đó là động lực hay áp lực với Chính phủ nhiệm kỳ mới?

- Phải thừa nhận, nhiệm kỳ qua là một nhiệm kỳ đặc biệt với những đột biến tình hình chưa từng có trong lịch sử, nhưng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

img

"Trong bối cảnh một thế giới bất định và biến đổi khó lường, dịch bệnh phức tạp, Việt Nam vẫn là một điểm sáng kinh tế và đang trở thành điểm đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế…".

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn

Theo đó, Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn hẳn so với các nhiệm kỳ trước, thể hiện ở việc tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế liên tục gia tăng, kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, cán cân thanh toán vãng lai ổn định, xuất khẩu đạt mức kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng lên, giải ngân đầu tư công tốt, cải cách thể chế kinh tế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh...

Đó là những thành công rất lớn của chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua. Tôi cho rằng, những thành tựu này sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho Chính phủ nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất, tiếp thêm sức mạnh là gì? Đó là, những cải cách liên tục trong thời gian qua và những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ là nền tảng thúc đẩy cho sự phát triển trong nhiệm kỳ mới.

Thứ hai, đó là niềm tin. Chúng ta chỉ cần lấy một báo cáo của Chính phủ 5 năm về trước, có thể thấy Chính phủ nhận định giai đoạn đó khó khăn như thế nào. Thế nhưng, dù khó khăn như vậy nhưng đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như vừa kể trên. Điều này sẽ tiếp thêm niềm tin cho Chính phủ nhiệm kỳ tới rằng, những khó khăn hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua, thậm chí còn làm tốt hơn so với giai đoạn 2016 - 2020.

Kinh tế Việt Nam và Chính phủ nhiệm kỳ mới: Kỳ vọng với “cỗ xe tam mã”  - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Công ty Điện tử Foster tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: V.G.P

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2021

* 6% là tổng sản phẩm trong nước (GDP).

* 4% là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng.

* 66% là Tỷ lệ lao động qua đào tạo.

* 1-1,5% Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn đa chiều.

Tuy nhiên, bên cạnh sức mạnh và niềm tin đó thì chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, những khó khăn hiện nay không hoàn toàn giống như bất kỳ khó khăn nào trong giai đoạn trước đây, đặc biệt là đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ. 

Bên cạnh đó là những khó khăn mới nảy sinh như chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, hay vấn đề về biến đổi khí hậu... 

Tất cả tạo nên những thách thức ngày càng lớn đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nước nhà, từ đó đặt Chính phủ vào tình huống hết sức khó khăn đòi hỏi ý chí quyết tâm, sự gan góc để có thể vượt qua được.

Chúng ta có niềm tin

Từ những phân tích ông vừa đề cập, 12 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới (2021 - 2025) liệu có khả thi hay không?

- Đặt trong bối cảnh dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc đưa ra được những dự báo là hết sức khó khăn. Thế nhưng, thay vào đó là chúng ta có niềm tin. Tôi lấy ví dụ, năm 2021 chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% và từ 6,5- 7% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Vậy niềm tin ở đây là gì? Đó là, khả năng tăng trưởng của chúng ta năm 2021 sẽ vượt 6% là có thể, trong điều kiện chúng ta kiểm soát được dịch bệnh. Thậm chí, khi các quốc gia khác trên thế giới kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng ở mức cao hơn thế. Trên cơ sở đó, tôi kỳ vọng, Chính phủ nhiệm kỳ mới mạnh mẽ nâng mục tiêu tăng GDP thêm 0,5%, thậm chí là 1%.

Với các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và những chỉ số khác trong năm 2021, chúng ta hoàn toàn có niềm tin có thể đạt được. Từ đó, sẽ tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2021-2025.

Có ý kiến cho rằng, để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2021 nói riêng và cả giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta không cần phải tìm những giải pháp, cải cách "đột phá" mà chỉ cần thực hiện tốt hơn nữa những giải pháp, chính sách chúng ta đã và đang làm trong nhiệm kỳ vừa qua. Quan điểm của ông thế nào?

- Vấn đề là chúng ta muốn đạt được ở mức độ nào? Nếu như chúng ta làm tốt như nhiệm kỳ cũ, hoặc tốt hơn thế thì chúng ta có thể tăng tưởng 6,5 - 7%. Nhưng chúng hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 8%, 9% hay 10% nếu Chính phủ nhiệm kỳ với có những quyết tâm đột phá. 

Hiểu nôm na, đó là nếu chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng tới 9% hay 10%, thì buộc chúng ta phải "đột phá" chứ không chỉ là làm tốt hơn những gì chúng ta đã và đang làm trong thời gian qua là xong. Với các vấn đề kinh tế - xã hội khác cũng tương tự.

Ông nhắc nhiều đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu không "về đích" giai đoạn 2016 -2020 do tác động của Covid-19, vậy tại sao ông lại kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới GDP có thể tăng trưởng ở mức cao?

- Kỳ vọng đó hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta nhìn về triển vọng của "cỗ xe tam mã" gồm: tiêu dùng- xuất khẩu và đầu tư.

Như chúng ta thấy, năm 2020 sức cầu tiêu dùng của nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng nhất định. Mặc dù không có sự đột biến nào đó trong bối cảnh dịch bệnh nhưng sức tiêu thụ của người dân chiếm khoảng trên 65% cơ cấu tổng tiêu dùng của xã hội. Đó là động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2020 cũng như cho năm 2021.

Động lực thứ hai là đầu tư của nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu thích ứng tốt hơn với bối cảnh của dịch bệnh. Đến nay các doanh nghiệp đã tìm được nguồn cung thay thế. Các nhà cung ứng trong nước và nước ngoài bắt đầu thích nghi trong bối cảnh mới đó và cố gắng nối lại chuỗi cung ứng. Từ đó, tạo động lực tốt trong năm 2021.

Về đầu tư công, năm 2020 Việt Nam đã đạt được kết quả lớn về giải ngân vốn đầu tư công, tạo "quán tính" rất cần thiết để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các kế hoạch đầu tư công trong năm 2021 và trong trung hạn. Điều này rất quan trọng bởi đầu tư công tổng đầu tư của chúng ta vẫn rất lớn, chiếm trên 30%GDP của cả nước. Trong đó đầu tư công chiếm 30% tổng đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, đầu tư công sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ trong sự tăng trưởng. Ngoài ra, năm 2021 chúng ta có khả năng đón được làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.

Thứ ba, đó là xuất khẩu. Độ mở và sự gắn kết với quốc tế của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn. Thành quả xuất khẩu năm 2020 sẽ tiếp sức cho kinh tế trong nước trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!