Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, việc chính thức luật hóa quy định "nghiêm cấm uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ" đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2021 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành, xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại rượu bia.
Quy định cán bộ công chức, viên chức không được uống rượu bia trong trường hợp nào cũng đã từng được đề cập đến tại Chỉ thị 26/TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Cụ thể, trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu: Đối với cán bộ, công chức, viên chức, nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực.
Theo luật sư Cường, Điều 28 Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Như vậy, sau khi luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực pháp luật thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại rượu bia.
Trong khi chờ Nghị định quy định cụ thể về việc xử phạt hành chính, các quy định trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia vẫn phải được triển khai trên thực tế. Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có liên quan trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Hành vi cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vi phạm điều cấm của pháp luật thì không cần phải có chế tài cụ thể vẫn có thể áp dụng luật xử lý vi phạm hành chính và theo Luật Công chức viên chức để xử lý. Khi có văn bản chế tài cụ thể về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại rượu bia sẽ áp dụng văn bản cụ thể.
Còn trước mắt chưa có chế tài thì sẽ áp dụng theo luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chức, viên chức và các hình thức kỷ luật đối với công chức viên chức theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Điều 30, 33 và 34 Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 cũng quy định rất rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghiêm quy định "không được uống rượu bia trong giờ làm việc".
Cụ thể, Điều 30 của luật này quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương.
"Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia mà chưa có chế tài cụ thể sẽ áp dụng chế tài chung. Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức và áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật"- luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 là một văn bản pháp lý quan trọng để thay đổi hành vi, thói quen của người dân Việt Nam trong việc sử dụng rượu bia, tránh việc lạm dụng rượu bia trong đời sống xã hội.