Bàng Thống (178-214) tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ, là mưu sĩ của Lưu Bị dưới thời Tam Quốc. Ông thường được người đời sau so sánh là tài năng ngang với Khổng Minh.
Mặc dù tài cao nhưng Phượng Sồ tiên sinh Bàng Thống là người đoản mệnh, ông hưởng dương 36 tuổi, chết trên đường đánh tới Tây Xuyên, địa điểm ấy có tên là gò Lạc Phượng. Khi ấy, Bàng Thống cưỡi ngựa của Lưu Bị.
Con ngựa này vô cùng nổi tiếng, Tân Khí Tật từng viết: "Ngựa chạy nhanh như Đích Lư, cung tên như sấm đinh tai, thay quân chủ hoàn thành đại nghiệp, dù sinh tử đều còn tiếng thơm."
"Đích Lư" được nhắc đến ở đây chính là tên con ngựa của Lưu Bị.
Giống như nhiều nguồn tài liệu lịch sử khác, "Tam quốc diễn nghĩa" đánh giá rất cao tài năng của Bàng Thống, ấy vậy mà, khi viết về đoạn Bàng Thống bị giết, La Quán Trung lại miêu tả thêm một đoạn như sau:
Trước khi xuất chinh, ngựa của Bàng Thống sa chân, hất ông ngã xuống lưng ngựa. Lưu Bị thấy mưu thần của mình ngã ngựa, cho rằng ngựa của Bàng Thống không tốt nên đã cho ông mượn ngựa của mình. Nhưng chính bởi con ngựa này mà Bàng Thống bị nhận nhầm thành Lưu Bị, vì thế mà ông đã bị trúng tên mà chết ở gò Lạc Phượng.
Điều này quả thật vô cùng đáng tiếc. Cũng bởi thế nên có ý kiến tranh luận cho rằng cái chết của Bàng Thống là do lỗi của Lưu Bị, thậm chí có người cho rằng Lưu Bị đã cố tình hãm hại Bàng Thống.
Tuy nhiên, quan điểm này không phù hợp với thực tế lịch sử, đồng thời cũng cho thấy sự thiếu tôn trọng tư tưởng của tác giả La Quán Trung.
Tuy nhiên, vẫn phải đặt câu hỏi rằng, rốt cuộc tại sao La Quán Trung lại cố ý muốn viết thêm đoạn này? Như vậy chẳng phải càng khiến người đời thêm tranh cãi hay sao?
Hơn nữa, với một người có thiên hướng yêu quý ủng hộ Lưu Bị, ghét và phản đối Tào Tháo như La Quán Trung mà nói, điều này chẳng phải rất trái ngược sao?
Chi tiết đổi ngựa nhằm nói lên điều gì?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải nhắc lại một vài tình tiết liên quan đến Lưu Bị và con ngựa của ông. Đã từng có chuyện Lưu Bị cưỡi ngựa nhảy qua suối Đàn Khê, nhờ con ngựa đó mà bảo toàn mạng sống.
Khi còn ở Kinh Châu, Lưu Bị từng ủng hộ con trai trưởng của Lưu Biểu là Lưu Kỳ thừa kế sự nghiệp của cha mình, trong khi đó, phu nhân của Lưu Biểu (Sái phu nhân) muốn để con trai mình là Lưu Tông thống lĩnh Kinh châu.
Sự ủng hộ của Lưu Bị đã chọc giận Sái phu nhân, thế nên em trai của Sái phu nhân là Sái Mạo quyết định giết Lưu Bị.
Lưu Bị biết được tin này vội cưỡi Đích Lư chạy thoát khỏi Kinh Châu, Sái Mạo dẫn quân đuổi giết. Chạy đến con suối Đàn Khê rộng ba trượng bên ngoài thành Kinh Châu, không còn đường để chạy tiếp, kết quả là ngựa Đích Lư đã đưa chủ nhân nhảy qua con suối rộng hơn ba trượng ấy.
Ấy vậy mà trước lúc ấy, Sái Mạo từng nói, con ngựa Lưu Bị cưỡi tên là "Đích Lư", hễ cưỡi là hại chủ. Sau này Từ Thứ cũng từng nói như vậy với Lưu Bị nhưng ông chẳng bận tâm.
Nhưng suy cho cùng, con ngựa đó "kiểu gì cũng hại một chủ", nó không hại tới Lưu Bị, thì chắc chắn sẽ làm hại tới người khác.
Lúc này, tác giả La Quán Trung vừa hay đã khéo léo đưa tình tiết Bàng Thống đổi ngựa cho Lưu Bị vào tác phẩm của mình, khiến Bàng Thống trở thành người bị hại, không thể vượt qua được tử thần.
Từ tình tiết này, có thể thấy được sự tinh tế của La Quán Trung. Ông không chỉ khéo léo đưa mạch chuyện ăn khớp với nhau mà còn kết hợp chặt chẽ với lịch sử, đặc biệt là đoạn được đan xen vào. Cũng chính nhờ bút pháp tuyệt diệu ấy, nên tác phẩm của ông không thể không khiến con người ta cảm thấy thán phục!