Gọi là lo việc họ cho oai chứ thực chất thì việc của Hoàn chỉ là xếp lịch để đi đánh chén. Họ Nguyễn ở làng Lường có không dưới ba chục nóc nhà, nhà nào ít thì một năm cũng có bốn cái giỗ, thỉnh thoảng lại có đám ma chay hiếu hỷ, khơi móng, cất nóc, tân gia, mừng con cháu đỗ đại học... Lễ nào, đám nào cũng phải mời ông trưởng họ tham dự. Nhà Hoàn là trưởng họ nên một năm lại có tới hơn chục cái giỗ các cụ bề trên nữa. Vậy nên việc của Hoàn là phải ghi chép lịch đi ăn cỗ vào quyển lịch treo ở trên tường để tránh bị bỏ sót.
Thỉnh thoảng cũng có những cuộc họp họ được tổ chức ở nhà ông trưởng họ, đó là những cuộc họp để bàn bạc thống nhất phân bổ kinh phí và các công tác chuẩn bị cho những ngày giỗ lớn. Những ông chú họ của Hoàn dẫu không phải là trưởng họ nhưng do cao tuổi nên lại là những người nói nhiều và nói to nhất. Việc của Hoàn chỉ là chờ cho các ông già bàn bạc thống nhất với nhau xong thì truyền đạt lại cho mẹ và vợ cứ theo thế mà thực hiện.
Nhà chồng Thoa là trưởng họ nhưng lại được xếp vào hạng nghèo nhất nhì ở làng. Một năm có hơn chục cái giỗ cả thảy, mỗi đám giỗ sơ sơ cũng phải làm khoảng chục mâm. Tất cả nguồn thu nhập chính là số thóc lai lưng quần quật ra làm hai vụ trên hơn hai mẫu ruộng đập vào cỗ bàn hết thì còn ngóc đầu lên được với ai.
Những ngày đầu mới về làm dâu con bên này, Thoa đã phát hoảng lên khi thấy nhà chồng mình hầu như tháng nào cũng có cỗ bàn. Mà lần nào cũng ngót ngét đôi chục mâm, khách tới tham dự lên tới cả trăm người, đi lại tấp nập, nói cười rôm rả. Mỗi lần như vậy thì người vất vả, khổ cực nhất lại là những người đàn bà trong nhà. Từ mấy ngày hôm trước, Thoa và mẹ chồng đã phải thi nhau xúc thóc trong bồ ra thúng đội ra chợ bán lấy tiền. Sau đó mới đi mua sắm cho đủ các thứ đồ dùng, thực phẩm từ to đến nhỏ để phục vụ cho việc cỗ bàn. Tối hôm trước đó thì cả hai mẹ con phải bắt đầu vào chuẩn bị làm cỗ, đến quá nửa đêm mọi việc mới chỉ tạm gác lại để đi ngủ lấy sức sáng mai dậy sớm mà làm tiếp.
Vào chính ngày cỗ bàn thì thôi rồi, vừa nấu cỗ, đón khách, thắp hương, tiếp chuyện, dọn cỗ, mang nước rửa tay, lấy tăm... Tất cả mọi thứ nếu mà không có kinh nghiệm và biết cách sắp xếp khéo léo thì sẽ bị rối tung lên ngay. Sau cùng là phải đánh vật với việc rửa bát, ngày hè còn đỡ chứ mùa đông rét buốt, rửa xong đống bát đĩa thì tưởng như muốn rụng hết các đầu ngón tay ra ngoài.
Thỉnh thoảng cũng có mấy người đàn bà khác là người trong họ chạy qua đỡ đần cho chút ít. Song sự giúp đỡ đó cũng chẳng thấm vào đâu so với khối lượng công việc khổng lồ nhưng thầm lặng của gia chủ.
Sau khi dọn dẹp mọi thứ xong xuôi, việc đầu tiên mà mẹ chồng Thoa làm là cầm tất cả số phong bao, phòng bì mà người ta mang đến vào gian buồng để ngồi kiểm đếm. Và lần nào khi bà bước từ trong buồng ra Thoa cũng thấy vẻ buồn thiu xen lẫn nét chưng hửng hiện rõ trên khuôn mặt bà.
Ông bà nội của Hoàn có chín người con gồm năm trai, bốn gái. Cả tám cô chú đều bay nhảy ra ngoài, người học cao, người sớm đi làm... tất cả giờ đã thành đạt nhưng lại đều ở xa, họ chỉ thỉnh thoảng mới về thăm quê trong những dịp lễ tết. Chỉ có duy nhất bố đẻ của Hoàn, do là con trai trưởng nên suốt đời ông chỉ quanh quẩn ở làng, an phận với cuộc đời làm ruộng để tiện chăm lo cho việc cúng giỗ, hương khói cho các cụ tổ tiên.
Đến đời của Hoàn thì do là con trai duy nhất nên Hoàn mặc nhiên sẽ phải nối chức bố để làm trưởng họ. Chỉ có điều không ai nghĩ anh lại lên chức sớm như vậy.
***
Nhà đẻ Thoa ở bên làng Sái giáp với làng Lường. Hồi trẻ Thoa vốn là một cô gái xinh đẹp, nết na nên có nhiều thanh niên cả trong và ngoài làng đến tán tỉnh. Nhiều gia đình cũng đánh tiếng dạm hỏi Thoa cho con trai mình. Nhưng Thoa chọn Hoàn vì thấy anh vừa hiền lành vừa cao ráo trắng trẻo và quan trọng nhất anh là người học đều và giỏi nhất trong lớp.
Thoa và Hoàn cùng tuổi và học chung lớp từ khi vào cấp ba. Các cụ thường nói gái ham tài, trai ham sắc và con người ta thiếu cái gì thì thường thích cái đó. Thoa học không giỏi nếu không muốn nói thẳng ra là học rất dốt. Vậy nên việc Thoa thích Hoàn cũng là cái lẽ đương nhiên. Nhưng do mặc cảm về sự học của mình cùng với việc thấy có nhiều người khác cũng tỏ vẻ thích Hoàn ra mặt nên Thoa giấu không thể hiện tình cảm của mình cho ai biết kể cả mấy cô bạn thân.
Tuy học giỏi nhưng vào năm học lớp 12, trong khi phần lớn bạn bè trong lớp nộp đơn thi vào đại học thì Hoàn lại quyết định không thi thố vào một trường nào cả. Thoa thì không dám mộng mơ cao xa nên chỉ có ước mơ rất khiêm tốn, giản dị đó là sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô sẽ nộp đơn xin làm công nhân ở một khu công nghiệp nào đó.
Sau khi thi tốt nghiệp xong thì bạn bè lũ lượt rủ nhau lên thành phố ôn thi đại học. Hoàn buồn nên chạy qua nhà Thoa chơi vì biết cô bạn này cũng không đi ôn thi đại học. Thoa đã cảm thấy bất ngờ đến sững sờ mất một lúc khi thấy Hoàn đột nhiên xuất hiện trước cổng nhà mình sau hôm thi tốt nghiệp chừng một tuần. Đứng hình mất một lúc Thoa mới sực tỉnh và vội nêu thắc mắc:
- Tưởng ông lên Hà Nội để ôn thi đại học rồi chứ?
Hoàn cười buồn nói.
- Thầy tôi không cho đi học mà bắt phải ở nhà lấy vợ...
Thoa nghe vậy cứ tưởng Hoàn chỉ nói đùa cho vui. Mãi tới khi hai người yêu nhau rồi thì Thoa mới biết rằng lúc đó anh nói thật. Có điều anh không nói rõ, đó là không phải chỉ có mỗi thầy anh không muốn cho anh đi học mà còn có rất nhiều người khác nữa ở trong họ Nguyễn của nhà anh cũng không muốn cho anh học cao chỉ bởi vì anh là con trưởng, là cháu đích tôn của nhà ông trưởng họ Nguyễn. Anh không được phép ra ngoài bay nhảy mà phải ở lại làng để đứng ra gánh vác lo việc của dòng họ.
Vốn đã thích Hoàn từ lâu nên Thoa nhận lời yêu và lấy Hoàn mà chẳng hề nghĩ gì đến những nhọc nhằn, vất vả khi phải làm dâu con của một nhà giữ chức trưởng họ. Mặc cho cha mẹ và họ hàng ra sức can ngăn, cấm cản... Thoa vẫn quyết tâm để lấy Hoàn cho bằng được. Thậm chí Thoa còn cảm thấy có đôi chút hãnh diện khi nghĩ mình được trở thành con dâu của nhà trưởng họ.
Và chỉ khi về làm dâu rồi thì Thoa mới biết, mới thấm thía được nỗi khổ cực của phận người đàn bà làm dâu nhà trưởng họ. Mọi việc đồng áng, cỗ bàn liên tiếp đổ trút lên đầu khiến cái ước mơ cỏn con ngày nào của Thoa là được trở thành một cô công nhân quèn thôi cũng trở nên quá đỗi xa vời.
***
Mấy năm đầu về làm vợ, làm dâu bên này, Thoa không có gì đáng phải phàn nàn về chồng mình cả. Chỉ khi anh nhận chức trưởng họ thì mới có chuyện. Thoa vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh đó. Sau khi bố chồng mất được ba hôm, bà nội của chồng chống gậy lò dò từ trong buồng đi ra tay cầm theo một cuốn sổ nhỏ gọi cả hai vợ chồng Thoa cùng ngồi xuống rồi nói.
- Trong đây có ghi chép đầy đủ những ngày giỗ kỵ của các cụ trong họ nhà ta. Giờ anh đã là trưởng họ, tôi giao nó lại cho anh để nhớ mà làm cho chu đáo…
Bà nội Hoàn tuy miệng nói với cháu trai song mắt lại luôn nhìn sang Thoa. Tuy mới chỉ làm dâu được có mấy năm nhưng Thoa đã thừa hiểu ý nghĩa của cái nhìn đó. Dẫu không có tiếng nói trong các việc của dòng họ song việc cúng giỗ có chu toàn được hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức về trách nhiệm dâu con của những người đàn bà trong nhà. Bà nội căn dặn cháu trai song thực chất là đang giao phó mọi việc cho cháu dâu.
Do là trưởng họ song lại ít tuổi nên Hoàn hay bị các cụ, các ông bề trên bắt nạt. Đám thanh niên trạc tuổi thì lại bỗ bã theo kiểu của thanh niên... Tất cả đều hùa nhau ra sức nài ép ông trưởng họ trẻ phải uống, uống thật nhiều mỗi khi gặp mặt bên những mâm cỗ. Ban đầu Hoàn uống không quen nên bị say liên tục, song dần về sau thì tửu lượng cứ tăng dần. Đến một ngày thì Hoàn không còn biết từ chối bất kỳ một lời mời rượu nào nữa.
Mới sau hơn chục năm làm trưởng họ thì Hoàn đã trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Từ một thanh niên khỏe mạnh, hiền lành và chăm chỉ thì giờ đây người anh lúc nào cũng mềm như cọng bún, đi đứng chậm chạp, giọng nói lúc nào cũng lè nhè của người say xỉn...
Nhiều hôm anh say quá bị ngã xe nằm mê man bất tỉnh bên vệ đường. Người làng ai đi qua trông thấy thì lại về báo cho người nhà Thoa biết để đánh xe bò ra đón. Còn những hôm mà anh ngã dúi vào bụi cây nào đó thì không ai biết đâu mà tìm. Lắm đêm mấy mẹ con Thoa phải chia nhau xoi đèn đi các ngả để tìm mà không thấy đành phải đợi đến khi anh tự tỉnh lại rồi tìm đường mà về.
Mãi sau này mới có cái đồng hồ sờ-mát nó khôn nên cũng tiện. Thằng con lớn của Thoa mua và đeo cho bố cái đồng hồ có thể xác định được vị trí. Mỗi khi cần tìm xem chồng mình đang nằm gục ở chỗ nào, Thoa chỉ cần mở điện thoại ra xem là biết ngay để có thể đến đón về.
Chồng Thoa từ ngày lãnh chức trưởng họ thì việc đồng áng cũng coi như vô dụng. Hai mẫu ruộng trông hết vào sức làm của hai người đàn bà thuộc hai thế hệ làm con dâu của nhà trưởng họ. Từ cày bừa, thồ mạ, tát nước, gánh phân... tới cắt hái, phơi phóng, đóng bồ... Tất tật đều đổ dồn lên hai đôi vai của bà mẹ chồng và Thoa.
Do nhà có cỗ bàn liên tục nên để có rượu phục vụ mà không phải bỏ tiền đi mua nên nhà chồng Thoa tự nấu rượu. Bộ đồ nghề nấu rượu cũ kỹ không biết đã được sử dụng qua bao nhiêu năm, bao nhiêu lần rồi hỏi cả nhà đều không ai biết được. Trừ những ngày mùa màng bận rộn ra thì cứ cách một ngày bà mẹ chồng Thoa lại cất nấu một nồi rượu lớn.
Vậy vẫn chưa hết, để có đủ tiền chi tiêu cho việc cúng giỗ, hai mẹ con Thoa còn phải nuôi thêm một con lợn lái, và một năm đôi ba lứa lợn bột. Một quãng bờ ao tù cũng được quây lưới lại để nuôi một đàn vịt lai ngan to nhỏ đủ loại để lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ cỗ bàn.
Lắm lúc cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi một chút cho lại sức, nhưng nhìn thấy cảnh bà mẹ chồng vẫn cặm cụi, mò mẫm khiến Thoa lại phải gồng mình lên để cố mà làm theo.
Chính vì phải đầu tắp mặt tối như vậy nên Thoa đã không có thời gian để ý chăm lo cho chồng mình. Đến khi kịp nhận ra anh bị nghiện rượu thì tật nghiện đã quá nặng. Thoa cuống cuồng tìm mọi cách để kéo chồng mình ra khỏi cảnh nghiện ngập nhưng không được. Hoàn đã không thể trở về con người như xưa được nữa, anh say sưa tối ngày. Hôm nào không có rượu mời thì anh đi uống rượu quán.
Thỉnh thoảng cũng có đôi lúc Hoàn tỉnh táo. Nhưng khi không có hơi men ở trong người thì trông anh lại vật vờ, uể oải, đôi mắt thì hoang dại, vô hồn nhìn vào không thấy có một chút sức sống nào cả. Những lúc như vậy Thoa lại ngán ngẫn nghĩ thà là để anh ta say đi còn đỡ ngứa mắt hơn.
Không biết do làm lụng vất vả hay do mỗi khi nói chuyện với con trai mình đều cứ phải cúi gập cả người xuống để cố nghe cho thủng những lời thều thào của Hoàn mà bà mẹ chồng Thoa mới có ngoài năm mươi tuổi nhưng lưng đã còng chĩu hẳn xuống. Thỉnh thoảng vô tình nhìn thấy cảnh bà mẹ chồng cúi gập người để nói chuyện với con trai, Thoa lại bất giác nghĩ đến hình ảnh tương lai của chính mình và lần nào cũng ứa nước mắt.
Cũng may là trước khi trở thành đệ tử của ma men thì Hoàn vẫn kịp cho Thoa ba đứa con một trai, hai gái. Sau mười năm làm vợ thì Thoa đã không còn cảm giác được là người vợ đúng nghĩa nữa, bởi Hoàn đã mất đi khả năng cơ bản của một người đàn ông thực sự.
Thoa sớm định hướng cho con trai phải ra thành phố học tập và làm việc bởi không muốn nó phải sớm nối nghiệp bố làm một ông trưởng họ tối ngày say xỉn.
Với hai đứa con gái Thoa cũng muốn chúng phải học giỏi để không phải lấy chồng sớm và suốt đời quanh quẩn ở làng giống mình. Vậy nên mọi việc đồng áng Thoa không bắt các con phải làm mà chỉ cho chúng giúp mấy việc vặt như quét nhà, thổi cơm… để chúng chuyên tâm vào việc học.
Lần đầu tiên Thoa dám cả gan can dự vào cuộc họp họ bên nhà chồng chính là ngày Thoa tình cờ nghe thấy mấy ông chú họ nói với chồng mình về tương lai của thằng Hoan. Hoan chính là con trai của Thoa, năm đó nó mới vào lớp mười. Hôm đó ông chú kế bên dưới ông nội của chồng Thoa nói với giọng gay gắt:
- Anh không được để thằng Hoan thi đại học, nó sẽ tiếp ngôi trưởng họ nên phải ở nhà...
- Phải đấy...! - Giọng một ông chú họ khác – Cho nó ra ngoài thì lấy ai lo việc cúng giỗ tổ tiên...?
Thoa chăm chú lắng nghe nhưng không thấy Hoàn nói năng gì cả mà chỉ thấy giọng một ông chú khác nữa hùa theo:
- Học cao mà làm gì? Xong cấp ba anh chị đi hỏi vợ ngay cho nó...
Thoa nghe đến đây thì không chịu được nữa nên chạy vào nói:
- Xin lỗi các ông... Nhưng cháu Hoan nó học giỏi... phải để cháu được học...
Mấy ông chú họ ngước mắt nhìn Thoa nửa ngạc nhiên nửa khó chịu. Một người lớn giọng ngắt lời:
- Chị to gan thực! Chị có biết chúng tôi đang họp không...?
- Cháu biết...
Thoa lúc đó không còn biết sợ là gì nữa, mọi việc muốn có ra sao thì ra nhưng Thoa không thể để thằng Hoan phải lấy vợ sớm, phải ru rú ở nhà... Thoa phải lên tiếng.
- Các ông thử nhìn chồng cháu xem... Giờ anh ấy có còn là người nữa không...? Đấy...! Các ông nhìn đi...! Nếu không lấy vợ sớm và làm trưởng họ thì anh ấy có như vậy không...? Trước đây anh ấy là người thế nào chắc các ông ai cũng biết... Giờ anh ấy là ai...? Cả làng này đều gọi là Hoàn nát rượu chứ có ai gọi là ông trưởng họ Nguyễn đâu...
Bao nhiều buồn bực chất chứa trong lòng được Thoa tuôn ra ào ào khiến mấy ông chú không ai cản được. Chỉ đến khi bóng dáng của người đàn bà còng bước vào và giọng nói của bà mẹ chồng cất lên thì Thoa mới chịu dừng lời.
- Chị thôi ngay đi!
Bà nói gắt với Thoa rồi quay sang nhìn các ông em họ bên chồng nói:
- Con dâu tôi hỗn, tôi xin các ông tha lỗi...
Mấy ông chú họ ậm ờ rồi rủ nhau đứng dậy bỏ về. Chồng Thoa ngước mắt nhìn theo ngơ ngác vì không hiểu sao cuộc họp hôm nay lại kết thúc nhanh chóng như như vậy.
Thoa bỏ vào buồng nằm khóc một mình. Bà mẹ chồng lò dò bước vào dỗ dành.
- Mẹ xin lỗi... Nãy mẹ nói vậy thôi nhưng mẹ cũng đồng ý phải cho thằng Hoan đi học đại học...
Thoa ngồi dậy chất vấn:
- Sao lúc đó mẹ không nói?
Bà mẹ chồng khẽ buông tiếng thở dài rồi mới nói:
- Mẹ cũng chỉ là con dâu... cũng là người đàn bà quê mùa... mẹ không có tiếng nói vì có nói cũng chẳng ai nghe...
***
Lớp cấp ba của Hoàn và Thoa thỉnh thoảng cũng tổ chức họp lớp. Nhưng những lần như vậy Thoa đều cố tình giấu không cho Hoàn biết. Thoa giấu bởi sợ rằng nếu Hoàn đến đó thì sẽ uống thả cửa, uống đến khi không biết trời đất là gì nữa. Nhưng còn một lý do quan trọng hơn mà chỉ chỉ có Thoa mới biết, đó là Thoa không muốn hình ảnh của Hoàn, một chàng trai khỏe mạnh, học giỏi nhất lớp cấp ba năm nào bị nhòe đi trong đầu đám bạn đồng môn. Cũng có thể do Thoa tự mặc cảm, không muốn cho ai phải thương xót, phải cám cảnh cho hoàn cảnh của Hoàn và cho cả chính bản thân mình.
Nhưng làm sao giấu được trước ánh mắt để ý và miệng lưỡi thiên hạ. Hoàn nát rượu thì cả làng Lường đều biết thì bạn bè của Hoàn và Thoa sao có thể không biết. Trong các cuộc họp lớp, mặc dù không nhắc tới chuyện gia đình, chuyện chồng con nhưng Thoa vẫn thấy rõ sự thương hại toát ra từ ánh mắt của những đứa bạn thân và cả những ánh mắt đắc chí của một vài người từng tỏ tình với Thoa nhưng bị chối từ.
Cuộc sống và cả những buổi họp lớp ngắn ngủi đã mách bảo cho Thoa biết sự nể trọng, vị thế, tiếng nói... chỉ có thể có được ở người có tiền. Không có tiền thì nói chẳng ai thèm nghe chứ đừng nói bắt họ phải làm theo. Vậy nên muốn được có tiếng nói, được tôn trọng thì phải kiếm được thật nhiều tiền. Nhưng kiếm tiền bằng cách nào đây khi mà thu nhập từ cây lúa cứ qua mỗi vụ lại một thêm giảm sút.
Trong khi đó nhiều nhà có con cháu đi ra ngoài làm ăn, họ có đầu óc, họ gặp may mắn, họ làm công việc gì... tất cả đều không ai rõ mà chỉ biết đa phần trong số họ đều trở nên thành đạt, khá giả, Họ gửi tiền về phụng dưỡng và bắt cha mẹ phải bỏ việc làm ruộng. Thế nên người người bỏ ruộng, nhà nhà bỏ ruộng mỗi ngày một nhiều thêm.
Nhưng những gia đình như nhà chồng Thoa thì làm sao mà bỏ ruộng cho được. Bỏ ruộng thì làm gì có thu nhập, làm gì có tiền để lo việc giỗ chạp. Trong khi nhà người ta đua nhau bỏ ruộng thì nhà Thoa lại phải cấy hái nhiều thêm do mượn được đất ruộng của những nhà bỏ hoang.
Ngày trước nhà nào cũng làm ruộng. Nhà nào cấy hái nhiều thì có thể nhờ họ hàng, nhờ bạn bè qua làm giúp cho mấy buổi. Giờ người ta đã bỏ ruộng rồi mà mình còn đi nhờ vả thì rõ là vô duyên. Nhờ vả thì không nỡ, mà sức hai người đàn bà thì làm không xuể thế nên phải thuê máy cày lồng và máy gặt hái. Sau mấy vụ phải phụ thuộc thời gian thu hoạch vào chủ máy và phải trả tiền thuê máy móc hết quá nhiều thì Thoa nghĩ và bàn với chồng phải vay tiền ngân hàng mua máy cày, máy gặt về vừa phục vụ việc làm đồng của nhà mình vừa tranh thủ nhận làm thuê cho các nhà khác.
Hoàn thì vốn lâu nay có nghĩ ra được việc gì đâu nên vợ nói sao thì cũng nghe rồi gật đầu đồng ý ngay lập tức. Vậy là Thoa tự làm thủ tục vay vốn ngân hàng và trực tiếp đi tìm mua máy móc nông nghiệp.
Hoàn chẳng giúp được việc gì cho vợ nên Thoa lại chính là người phải trực tiếp vận hành những chiếc máy nông nghiệp đó. Thằng Hoan là đứa biết thương mẹ nên nó cũng để ý và học lái những chiếc máy đó để những ngày mùa ra đồng giúp mẹ. Việc nhà nông chỉ bận rộn vào những ngày mùa vụ, còn lại thì chơi không. Máy móc đầu tư cả đống tiền nhưng một năm chỉ làm được có vài tháng còn lại thì để phơi nắng mưa. "Nhưng không có máy thì cũng không thể làm gì được". Thoa thầm an ủi như vậy khi tính ra việc đầu tư máy móc sau mấy năm mà chẳng lời lãi ra được đồng nào, số tiền vay ngân hàng thì vẫn chưa thể trả hết.
Để có đủ tiền lo việc cỗ bàn và cho ba con ăn học, những ngày nông nhàn Thoa phải tranh thủ xin một chân trong đội quân người làng chuyên đi nhận khoán trộn và đội, đổ bê tông cho các gia đình đang xây sửa nhà cửa. Làng Lường và các làng khác trong xã mấy năm nay đang có phong trào đập bỏ nhà cũ đi xây nhà mới. Đó đều là những nhà có tiền cho con cháu ra ngoài làm ăn gửi về.
Làm công việc trộn và đổ bê tông này đòi hỏi phải chăm chỉ và có sức khỏe, nếu làm yếu hoặc lười thì lần sau người ta sẽ không gọi cho đi cùng. Cũng may là nhờ trời ban cho có sức khỏe nên Thoa hay được gọi đi làm. Thu nhập từ việc phụ dần dần lại cao hơn hẳn việc chính khiến Thoa đã nghĩ đến việc bán máy, trả ruộng nhưng chưa dám quyết.
***
Thằng Hoan cao to, khỏe mạnh và thông minh giống bố. Nó học giỏi nhất lớp đặc biệt là các môn học tự nhiên. Thỉnh thoảng có hôm biết Thoa sẽ đi trộn đổ bê tông vào ngày chủ nhật thì nó nằng nặc đòi đi làm thay cho mẹ. Sau buổi thứ hai đi làm giúp mẹ về thì Hoan vừa đưa tiền công được chia trong ngày cho mẹ vừa nói:
- Trộn bê tông thế này vất vả quá! Còn hơn cả lái máy cày... Hay là mẹ mua cái máy trộn bê tông về rồi thuê người cùng làm...
Thoa ngẩn người ra mất một lúc khi nghe con nói vậy. Giống như việc bán máy nông nghiệp và trả ruộng, việc mua máy trộn bê tông và thuê người để làm Thoa cũng đã nghĩ đến nhưng vẫn chưa dám quyết.
Nay thấy con trai đồng cảm với suy nghĩ của mình, Thoa mạnh dạn quyết định sẽ vay tiếp ngân hàng để mua một chiếc máy trộn bê tông rồi lập ra một nhóm chuyên đi trộn, đổ bê tông thuê cho các gia đình cần xây sửa nhà cửa.
Sau hàng chục năm giữ chức trưởng họ, Hoàn không những mắc tật nghiện rượu mà còn mắc chứng hơi tý là giận, hơi tý là dỗi. Anh chẳng làm được cái việc gì ra hồn nhưng mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều phải thưa bẩm. Nếu không bẩm báo mà tự ý quyết thì anh giận dỗi như một đứa trẻ, anh bỏ ăn, bỏ uống và không thèm nói cười.
Cái tật này sinh ra là cũng có nguyên do của nó. Chẳng là các nhà trong họ hễ nhà nào có công to việc lớn gì thì cũng chạy qua nhà ông trưởng họ để có đôi lời xin phép hoặc là bẩm báo. Ví dụ như ông A sang xin phép tuần sau sang cát cho ông cụ thân sinh. Ông B qua xin phép được xây sửa lại ngôi mộ cho bố mẹ...
Rõ ràng đó là việc của gia đình người ta, người ta đã chủ động xem xét ngày giờ và mọi việc đều đã được quyết định hết cả. Cái việc bẩm báo, xin phép ông trưởng họ kia chỉ là một thứ thủ tục hình thức cho có. Dẫu ông trưởng họ có không đồng ý thì họ vẫn cứ tiến hành. Thế nên việc của Hoàn là gật đầu đồng ý hoặc cùng lắm thì nói kèm thêm ba câu lấy lệ. Ví dụ khi có người đến xin phép được xây mộ thì Hoàn sẽ phải nói "Ừ...! Nhưng phải đi coi ngày coi giờ cho cẩn thận rồi hãy làm". Đại loại là những câu thừa thãi, có cũng bằng không như vậy.
Nhưng việc được mọi người trong họ phải thường xuyên hỏi xin ý kiến đã ngấm sâu vào trong tâm trí của Hoàn đến mức việc lớn nhỏ trong nhà cũng đều phải xin ý kiến của anh rồi thì mới được làm. Thoa cũng chán lắm nhưng nghĩ câu các cụ dạy là "Dĩ bất biến ứng vạn biến" nên để được việc và yên cấm cửa nhà thì thôi cũng đành chịu bẩm báo qua cho nó phải phép.
Tuy đã quyết định cả rồi song trước hôm đi mua chiếc máy trộn bê tông về Thoa cũng có đôi lời bàn bạc gọi là có hỏi ý kiến của chồng.
- Tôi nghĩ kỹ rồi, tôi sẽ đi mua cái máy trộn bê tông về rồi nhận việc để làm...
Hoàn nghe vợ nói vậy chỉ khẽ nói.
- Ừ...! Nhưng phải đi coi ngày, coi giờ cho cẩn thận rồi hãy làm...
Thoa thấy chồng mình bữa nay có phần tỉnh táo lại biết lo cả tới vấn đề tâm linh nên cũng có tí mừng thầm. Đến hôm nhận được hợp đồng trộn đổ mẻ bê tông đầu tiên cho một nhà ở xóm bên Thoa cũng nhìn chồng nói.
- Mai tôi phải đi trộn đổ mẻ bê tông đầu tiên nên chắc trưa không kịp về. Ông tự lo cơm nước và ăn một mình nhé.
Hoàn lại nói.
- Ừ...! Nhưng phải đi coi ngày, coi giờ cho cẩn thận rồi hãy làm...
Thoa nghe vậy thì trong đầu đã cảm thấy có gì đó hơi lạ. Nhưng do đang mải việc khác nên cũng không thắc mắc gì. Thoa biết chắc chồng mình đã mắc phải một căn bệnh gì đó ngay vào buổi chiều. Sau khi đi trộn đổ bê tông buổi đầu tiên về, trong túi có tiền nên Thoa nói với chồng.
- Mai ông ra hiệu cắt may đặt bộ quần áo mới mà mặc...
Không ngờ cái điệp khúc cũ lại vang lên:
- Ừ...! Nhưng phải đi coi ngày, coi giờ cho cẩn thận rồi hãy làm...
Thoa ngẩn người ra một lúc rồi nhìn chồng nói:
- Tôi phải đưa ông đến bệnh viện cái đã...
Sau khi khám và làm một số xét nghiệm, bác sỹ bệnh viện nói Hoàn bị teo hết các tế bào não, tiểu não bị thoái hóa sinh ra bệnh loạn thần kinh... Tất cả đều là hậu quả của những trận rượu liên tu bất tận.
Từ hôm ở bệnh viện về, Thoa nói rõ bệnh tình và nguyên nhân bị bệnh của chồng mình cho mọi người trong làng cùng biết với hy vọng người ta hiểu mà không ai cố mời hoặc ép Hoàn uống rượu nữa.
***
Con cháu người làng Lường và các làng khác trong xã, trong huyện đi ra ngoài làm ăn có vẻ đều khấm khá, họ đua nhau mang tiền về xây sửa nhà cửa liên tục khiến Thoa làm nối ngày không hết việc. Lắm hôm đẹp ngày, dăm sáu nhà cùng rủ nhau đổ bê tông khiến Thoa phải đánh máy đi từ sáng đến tối mịt mới về.
Ngoài trộn đổ bê tông cho các nhà dân, thỉnh thoảng Thoa lại nhận được trộn đổ bê tông cho các dự án công trình đường nông thôn mới... Thoa lại đi đến khắp các thôn trong xã vận động trưởng thôn cùng mọi người bàn nhau làm đường bê tông đi đến từng ngõ nhỏ và hứa nếu thôn nào làm thì mình sẽ tài trợ cho một khoản kinh phí tính ra cũng kha khá. Thế nên các làng trong xã nhanh chóng có được những con đường bê tông mới. Thực ra thì số tiền tài trợ đó Thoa vẫn chỉ trích ra một phần trong số tiền công trộn đổ bê tông của mình. Thoa tính thà giảm lãi đi một chút nhưng lại có việc để làm liên tục.
Việc nhiều tuy phải bận rộn tối ngày nhưng lại mang tới cho Thoa nguồn thu nhập cũng tương đối khá. Sau hai năm thì khoản vay ngân hàng cũng đã trả xong. Việc nhiều nên Thoa phải mua thêm một, rồi hai chiếc máy trộn bê tông nữa. Mỗi máy kèm theo việc làm cho khoảng mười người trong làng. Ba máy như vậy Thoa đã là bà chủ của ba mươi người.
Những người làm việc cho Thoa đa phần đều là con dâu trưởng của các gia đình, các nhà trưởng họ trong làng. Tất cả họ đều có nét đặc trưng chung đó là vẻ cam chịu, khắc khổ thể hiện rõ ra trên khuôn mặt và hiếm khi người ta thấy họ cười.
Thông qua những lần chuyện trò tâm tình với các chị em, Thoa biết tất cả những người đàn bà kia đều đã quá mệt mỏi và ngán ngẩm với thủ tục giỗ chạp cổ hủ của làng Lường. Họ cho rằng những bữa giỗ chạp nhìn bên ngoài tưởng như vui vẻ, đầm ấm, thấm đẫm tình cảm họ hàng kia thực chất chỉ là những khoản nợ miệng mà nhà nọ phải trả cho nhà kia. Họ muốn thay đổi nhưng tất cả đều bế tắc vì không ai dám lên tiếng phản kháng.
Ngoài những vất vả và tốn kém ra thì việc giỗ chạp còn sinh ra một số hậu quả đau lòng khác. Như vợ chồng con trai ông Hậu kia, do bận việc nên phải hết giờ làm chúng mới đèo nhau về để kịp buổi giỗ ông nội vào sáng hôm sau. Trời tối, đường đông, chẳng hiểu đi đứng thế nào hai đứa bị tai nạn giao thông khiến chồng thì gãy chân, vợ thì thiệt mạng. Hoặc như thằng Tình con nhà ông Tài, uống rượu đám giỗ cụ cố nội xong thì vội vàng lên xe quay về thành phố. Đi được nửa đường thì gọi điện về mếu máo báo tin con vừa đâm vào sau xe tải...
Thoa tự cảm thấy lúc này tiếng nói của mình đã có một chút trọng lượng nên muốn dùng nó để góp phần giải phóng bớt trách nhiệm, những nghĩa vụ nặng nề của những người đàn bà trong làng Lường. Nhưng Thoa biết, nếu mình chỉ nói khơi khơi, nói riêng trong một cuộc họp họ thì sẽ không thể thay đổi được điều gì. Muốn làm được nhanh và triệt để thì phải có tiếng nói thông qua tổ chức. Vậy là Thoa quyết định ứng cử chức trưởng thôn ngay trong năm đó và đã trúng cử với số phiếu bầu cao nhất.
Vấn đề đầu tiên Thoa nêu ra trong cuộc họp với các vị cán bộ xã là đề nghị phải có chủ trương thống nhất trong toàn xã yêu cầu các dòng họ, các gia đình phải thực hiện việc giỗ chạp theo hướng tiết kiệm và văn minh. Theo đó các gia đình khi làm giỗ ông bà hay bố mẹ thì chỉ được thông báo cho con cháu trực hệ. Các ngày giỗ của các cụ từ đời cụ, kị trở lên thì nhà trưởng họ chỉ được làm một mâm cơm để tưởng nhớ. Các chức sắc trong làng thì tuyệt đối cấm không được tham dự bất kỳ một đám giỗ chạp nào nếu không phải là con cháu của gia chủ. Còn các việc như khơi móng, cất nóc, tân gia, mừng con cháu đỗ đại học... thì chỉ được làm nội bộ trong gia đình hai bên nội ngoài chứ không được mời khách. Gia đình nào, cá nhân nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở phê bình trên hệ thống loa phóng thanh của xã.
Nghị quyết của chính quyền chính thức được ban ra, cũng có một số ít ý kiến ì xèo phản đối. Họ nói đó là truyền thống văn hóa lâu đời của cha ông để lại nên cần phải gìn giữ và chuyện mời mọc ai đó là quyền của các gia đình và cá nhân, chính quyền không được phép cấm cản. Nhưng đa phần mọi người thì đều lên tiếng đồng tình ủng hộ. Nghị quyết thiết thực nên được mọi người, mọi nhà thực hiện một cách nhanh chóng và tự giác. Những nụ cười đã thường xuyên xuất hiện trên môi của những người đàn bà ít ỏi còn lại ở làng Lường.
***
Bệnh thoái hóa đốt sống lưng của mẹ chồng Thoa ngày một nặng thêm khiến bà từ lâu bà chỉ còn quanh quẩn ở nhà lo việc thờ cúng thay cho con trai. Có tiền Thoa vội vàng đưa mẹ chồng lên các bệnh viện trên Hà Nội để chữa bệnh. Nhưng sau khi chụp chiếu các bác sỹ đều khuyên không nên phẫu thuật vì các khớp đã hư hỏng nặng, không nên động vào vì xác suất thành công là rất ít.
Hoàn mất sau khoảng ba năm kể từ ngày phát bệnh thần kinh. Thằng Hoan con của Thoa cũng vừa mới tốt nghiệp đại học Bách Khoa ngành cơ khí và đang chờ để xin việc. Ngày về chịu tang cha thì nó cũng mặc nhiên trở thành ông trưởng họ Nguyễn ở làng Lường. Việc làm trưởng họ với Hoan giờ đây cũng hết sức nhẹ nhàng và đơn giản vì nó không bị ai ép phải uống rượu, cũng không còn ai thỉnh thoảng chạy sang xin phép lấy lệ trước khi cần làm một việc gì đó.
Hai đứa con gái của Thoa thì cũng đang học đại học Nông nghiệp. Chúng dự định sau này ra trường sẽ xin về công tác ở huyện nhà cho gần mẹ.
Hôm nay là chủ nhật, còn hai ngày nữa mới đến ngày giỗ của chồng nhưng Thoa làm giỗ sớm để mấy đứa con cùng về. Thoa giao cho một chị lớn tuổi thay mình dẫn người và máy đi làm còn mình thì vào chuồng bắt con gà để làm mâm cơm cúng. Làm xong xuôi hết mọi việc thì ba đứa con mới kéo nhau về. Một lúc sau nữa thì bố mẹ đẻ Thoa cùng vợ chồng đứa em bên làng Sái cũng kéo sang.
Trong lúc đợi mẹ chồng thắp hương cho Hoàn, Thoa cùng mọi người ngồi ôn lại những câu chuyện gọi là xưa nhưng chưa cũ. Thằng Hoan trong lúc vui vẻ chợt nhìn mẹ hỏi:
- Giờ con lấy vợ được chưa mẹ?
Thoa cười nhớ lại ngày trước lúc nào Thoa cũng nhắc nó chớ có lấy vợ sớm mà khổ chỉ là mong cho nó phải đi ra ngoài, phải thoát khỏi cái vòng kim cô vô hình gắn chặt trên đầu, đó chính là cái chức danh trưởng họ.
- Anh làm gì thì làm nhưng tuyệt đối chớ có nghiện rượu... Hãy nhìn gương bố và ông nội của anh đó...
Thoa nói đến đây thì vội dừng lời khi nghĩ rằng cả bố chồng và chồng mình chẳng qua cũng chỉ là những nạn nhân của một hủ tục. Đang cố giấu cảm xúc để những giọt nước mắt không trào ra ngoài thì bỗng nghe giọng của bà mẹ chồng cất lên.
- Lấy vợ được rồi! Nhưng phải chọn được người nào như mẹ mày ý...!
Nghe mẹ chồng nói vậy thì Thoa không thể nào cố ngăn được nữa, nước trong hai hốc mắt tuôn trào ra khiến Thoa thấy nhòe cả hai mắt.