Dân Việt

Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, cây trái, rau màu đã phủ xanh đồng đất Hà Tĩnh, Quảng Bình

Nhóm PV 06/01/2021 16:49 GMT+7
Trong 2 ngày 5 - 6/1, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra, đánh giá tình hình khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Vừa qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, lần đầu tiên trong nhiều năm, lũ chồng lũ, bão chồng bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Trong chuyến kiểm tra thực địa tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đi thăm mô hình trồng rau, ngô, cây ăn quả tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh); mô hình sản xuất lúa tại huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, sản xuất rau tại Bố Trạch, Lệ Thủy (Quảng Bình).

Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại Hà Tĩnh và Quảng Bình - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu kiểm tra tình hình sản xuất ngô ở Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: PV

Cụ thể, đoàn đã đi thăm mô hình trồng rau, ngô, cây ăn quả tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh); thăm mô hình sản xuất lúa tại huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, sản xuất rau trên bị ảnh hưởng do mưa lũ tại Bố Trạch, Lệ Thủy (Quảng Bình).

Tại đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã hỏi thăm, chia sẻ khó khăn hình hình sau lũ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương trong trong thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các địa phương chú ý đến vấn đề thời vụ, tập huấn bà con về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, theo dõi vấn đề sâu bệnh để có vụ đông xuân thành công, giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn do mưa lũ gây nên.

Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại Hà Tĩnh và Quảng Bình - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình trồng cam ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: PV

Theo thống kê, đợt lũ lịch sử vừa qua, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có 260ha hoa màu bị mất trắng. Mưa lớn kéo dài cũng khiến 2.200ha diện tích cây ăn quả bị rụng trái gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con nông dân.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu kiểm tra tình hình sản xuất sau lũ hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Bà Uông Thị Kim Yến - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Sơn, cho biết: "Mưa bão kéo dài gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, nhiều diện tích hoa màu bị mất trắng. Sau mưa lũ, chúng tôi đã nhanh chóng hướng dẫn bà con các kỹ thuật hạn chế cây rụng quả, tiêu hủy các nhành cây bệnh, quả thối, rụng tránh lây bệnh cho các cây khỏe mạnh. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương đã hỗ trợ bà con huyện Hương Sơn hơn 2.000ha giống ngô, 300ha giống rau nên bà con đã sớm ổn định sản xuất".

Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại Hà Tĩnh và Quảng Bình - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thăm mô hình trồng cam ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Đình Thân (nông dân trồng cam ở xã Kim Hoa, Hương Sơn) cho biết: "Gia đình tôi trồng cam từ năm 2003 trên diện tích 5ha. Những năm trước, vườn cam cho thu hoạch 25 tấn quả/năm, thu nhập gần 1 tỷ đồng. Nhưng năm nay mưa lớn kéo dài khiến vườn cam của gia đình rụng gần ½ quả, thất thu nặng".

Tại tỉnh Quảng Bình, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình khôi phục sản xuất sau mưa lũ tại huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại Hà Tĩnh và Quảng Bình - Ảnh 5.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình ủ rơm rạ hoai mục lên luống rau, đậu ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: PV

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020-2021, huyện Quảng Ninh gieo cấy 5.200ha lúa, 300ha ngô, 100ha khoai lang, hơn 450ha rau các loại, 260ha lạc, 500ha sắn. Hiện tại, người dân các xã Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh… đã tiến hành gieo cấy 2.200ha, đạt 42.3%. Các địa phương tập trung sản xuất các loại giống trung và ngắn ngày có năng suất cao như: P6, TBR1, lúa lai…

Ông Lê Quang Diệu (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) cho biết: "Từ nhỏ đến giờ tôi mới chứng kiến đợt lũ lịch sử này. Bao nhiêu tài sản trong gia đình bị nước lũ cuốn sạch, sau lũ người dân trắng tay. Hiện tại, cuộc sống người dân đã ổn định, bắt tay vào làm đất, gieo cây vụ lúa đông xuân. Gia đình tôi làm gần một mẫu ruộng, chủ yếu giống lúa B6. Rất may sau lũ người dân Quảng Bình được Đảng, Nhà nước quan tâm nên người dân dần đi vào ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất".

Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại Hà Tĩnh và Quảng Bình - Ảnh 6.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm hỏi bà con nông dân Quảng Bình sản xuất vụ đông -xuân. Ảnh: PV

Ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, cho biết: 'Hai đợt mưa lũ trong tháng 10 đã khiến tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại hơn 3.500 tỷ đồng do lũ lụt, ngành nông nghiệp mất gần 1.800 tỷ đồng. Sở sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương bám sát lịch thời vụ, đẩy mạnh sản xuất các loại rau màu chỉ đạo các địa phương có diện tích bị bồi lấp tập trung cày ải, tiêu thoát nước; ngành nông nghiệp cần hỗ trợ về kỹ thuật, cử cán bộ giám sát, hướng dẫn người dân chăm sóc số giống gia cầm được hỗ trợ để bảo đảm tỉ lệ sống của đàn gia cầm. Đồng thời tìm nguồn giống chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ cho người dân".

Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại Hà Tĩnh và Quảng Bình - Ảnh 7.

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia động viên thăm hỏi bà con nông dân tỉnh Quảng Bình bước vào vụ sản xuất đông-xuân. Ảnh; PV

Trao đổi với bà con, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: "Ngay sau đợt lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ, trong đó có Trung tâm Khuyến nông quốc gia mở các lớp đào tạo huấn luyện, trồng rau sau mưa lũ thế nào, nơi đất bị bồi lắng chuyển đổi thế nào? Hiện nay, bà con đã áp dụng rất tốt vào sản xuất. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các đơn vị hướng dẫn bà con phát triển những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao".

"Phải nói sau khi chịu thiên tai rất nặng nề, các địa phương bà con nông dân chủ động tích cực trong việc khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Sau khi có sự hỗ trợ hạt giống từ Trung ương bà con đã chủ động gieo, cấy. Kết quả là cây giống phát triển rất tốt, bà con rất phấn khởi. Sau thiên tai, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị các thủ tục để xuất giống ngay lập tức giúp bà con có giống để tiếp tục sản xuất.

Sau một tháng xuất giống giúp bà con, chúng tôi đi kiểm tra thấy cây phát triển tươi tốt, hứa hẹn cho nguồn thu nhập giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Về vụ đông xuân, Bộ và các địa phương đã có các kế hoạch để cung cấp đầy đủ giống cây trồng và đặc biệt giống lúa đảm bảo chất lượng cho bà con các địa phương" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định.