Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua xuất hiện một số ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ những người vượt biên trái phép.
Ngay sau đó, cả lực lượng chức năng vào cuộc ráo riết. Tuy nhiên, nguy cơ ca nhiễm xâm nhập và gây lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do nguyện vọng của nhiều người lao động từ nước ngoài trở về qua đường bộ đón Tết Tân Sửu 2021 rất lớn.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng phát hiện một trường hợp công dân địa phương là Chu Thị Y. (SN 1987) vừa nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về nước hiện đang trú trên địa bàn.
Chưa hết, sáng 7/1, Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm của 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (đangđợi kết quả) và đưa các đối tượng đi cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, trên một số hội nhóm facebook công khai thông tin nhận đưa người vượt biên trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.
Trên nhóm facebook có tên "Hội những người Việt Nam tại Trung Quốc" xuất hiện nhiều bài viết mong muốn về Việt Nam ăn Tết. Hàng loạt nick chat dẫn theo nhiều bài đăng đảm bảo đưa người vượt biên trái phép "uy tín, an toàn".
Tài khoản facebook có tên H.L cho biết: "Tháng cuối năm cận kề, bên mình vẫn nhận khách sang - về hai chiều Việt Trung, phục vụ bà con về quê ăn tết. Nhận bà bầu, trẻ em, chuyển xưởng đi lại cực khổ... Nhà xe T.L luôn đồng hành cùng bà con trên mọi nẻo đường...".
Việc đăng tải bài viết thu hút hàng chục lượt bình luận. Theo ghi nhận, những người bình luận hiện đang sống tại Trung Quốc và mong muốn về quê ăn Tết.
Bên cạnh đó, một số tài khoản facebook này còn ghi lại hành trình, clip vượt biên đăng tải làm bằng chứng.
Một tài khoản Người đưa biên đăng tải trên mạng xã hội.
Tài khoản facebook Người đưa biên cũng với những dòng trạng thái mời chào tương tự, lời khẳng định chắc nịch đưa đến nơi, về đến chốn. Đồng thời người này còn đăng tải clip hàng chục người đang đi bộ vượt biên.
Tại nhóm chat này cũng xuất hiện những bình luận kể về cuộc hành trình vượt biên qua đường bộ của một số người, sau đó họ về an toàn và được cách ly.
Mức giá đưa người vượt biên trái phép
Trung tuần tháng 12/2020 phóng viên Dân Việt bắt mối với nhà xe T.H để tìm hiểu giá cả vượt biên về nước.
Nhà xe này cho biết, đi lại trong thời điểm này xe lo được, nhưng khách phải báo ngày giờ đi để chủ xe báo giá, vì tiền đi lại thay đổi từng giờ.
"Nếu em đi từ Hà Nội sang Bằng Tường có giá 2700 tệ (tương đương gần 10 triệu đồng Việt Nam). Chiều ngược lại giá cũng như thế", nhà xe tiết lộ.
Theo hướng dẫn của người này, khách phải chủ động bắt xe lên Lạng Sơn rồi có người đưa đón tận nơi.
Một tài khoản có tên T.V mời chào phóng viên phải lên Cao Bằng mới có có thể vượt biên.
"Đường Lạng Sơn giờ không đi được đâu. Em đi thì lên bến xe mới Cao Bằng, vượt biên bằng đường Trà Lĩnh, chị khắc có người lo cho em. Giá cho lần vượt biên này là 5 triệu đồng, còn nếu em về chị sẽ xem giảm cho em" - người này mời chào phóng viên.
Lần theo số điện thoại 0984222xxx, phóng viên chủ động liên hệ với một người đàn ông tên D, người này vẽ ra cho phóng viên lộ trình vượt biên với mức giả cả đi lẫn về lên đến gần 30 triệu đồng và chỉ phải cọc 500 nhân dân tệ (gần 2 triệu đồng Việt Nam).
Theo đó, người này dặn phóng viên bắt xe lên Chi Lăng (Lạng Sơn) thuê nhà nghỉ, nộp tiền đặt cọc, sau đó có người dẫn đi. Nếu biên Lạng Sơn "tắc" sẽ được đưa qua phía Cao Bằng.
Ngoài ra D còn khẳng định, đi trót lọt có thể không cách ly.
"Nếu anh sang và về ngay có thể không cần cách ly, nhưng phải mất thêm chút chi phí". Để chứng minh sự uy tín và kiểm tra chúng tôi, Duy liên tục yêu cầu gọi video qua zalo để xác nhận.
Trước đó, để tiết lộ những thông tin này cho phóng viên, Duy cũng dò xét rất kĩ khi liên tục hỏi đã từng sang chỗ nào Trung Quốc, địa chỉ cụ thể hoặc nơi cần đến.
Theo tìm hiểu, trên nhóm facebook này cũng xuất hiện hàng loạt bài cảnh báo về việc một số người lợi dụng dịp cuối năm và nhu cầu lớn của người Việt làm việc tại Trung Quốc mong muốn về quê để lừa gạt, thu tiền bất chính.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thiếu tá Lê Văn Chất - Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, lực lượng biên phòng vẫn triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự theo nhiệm vụ theo chỉ huy.
"Lực lượng chức năng tại Lạng Sơn vẫn duy trì nghiêm việc tuần tra giám sát tại các đường mòn lối mở, không để trường hợp nào sót lọt qua biên giới gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Càng về cuối năm, chúng tôi càng phải thắt chặt an ninh, rà soát, phát hiện và cách ly ngay trường hợp nào nhập cảnh trái phép", vị Thiếu tá cho biết.
Thiếu tá Lê Văn Chất cũng khuyến cáo người dân không nên tin theo những đối tượng cò mồi, đưa thông tin không chính xác về việc đưa người vượt biên trái phép.
Người dân lao động ở nước ngoài muốn về quê ăn Tết, cần chủ động khai báo với cơ quan chức năng để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục cách ly theo quy định.
Nhập cảnh trái phép bị xử lý thế nào?
Theo điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình:
Điều 17. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định
Như vậy, đối với hành vi nhập cảnh trái phép có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Hành vi nhập cảnh trái phép có thể cấu thành Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép được quy định tại Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017:
Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Hành vi nhập cảnh trái phép là hành vi cố ý qua biên giới quốc gia mà không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh.
Trường hợp khác, theo Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.