Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận về Hội nghị trực tuyến mới đây đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ cộng tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vấn đề việc làm, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Thông báo Kết luận nêu rõ: Hội đồng Tiền lương Quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1.7 hàng năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sáng ngày 7/1, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn cho biết, từ sau phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hồi tháng 8/2020, các bên đã thống nhất tạm dừng điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Cũng tại phiên họp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia xem xét tăng lương cho lao động từ 1/7/2020.
"Theo tính toán, dù kinh tế còn khó khăn, nhưng nhiều chỉ số của Việt Nam vẫn đảm bảo. Tốc độ tăng tăng trưởng của nền kinh tế đạt 2,91%; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,4%; kim ngạch xuất khẩu cũng tăng cao... trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,23%. Bởi vậy, nếu không tăng lương tối thiểu vùng sẽ không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Đây là cơ sở để Tổng Liên đoàn tiếp tục đề xuất xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ 1/7", ông Quảng nói.
Trước đó, tại phiên họp vào tháng 8, một số ý kiến của các thành viên trong Hội đồng Tiền lương kiến nghị chưa điều chỉnh lương trong cả năm 2021. Tuy nhiên, điều này là không hợp lý. Tổng Liên đoàn lao động, đề xuất nên nhóm họp trong quý II/2021 để có thể phân tích, đưa ra quyết định sớm.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, thay vì điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng vào 1/1 hàng năm thì nên chuyển sang 1/7 hàng năm. Thường cuối năm tài chính doanh nghiệp có quá nhiều khoản phải chi: Chi lương, thưởng Tết, quyết toán tiền bảo hiểm, giờ lại thêm tăng lương... đây là áp lực lớn về tài chính, quỹ lương với doanh nghiệp (DN).
"Điều này khiến cho DN bị áp lực, quan hệ lao động cũng bị ảnh hưởng, nhiều nơi xảy ra đình công. Chính bởi vậy, nếu tăng lương giữa năm DN sẽ bớt áp lực. Đồng thời, đây là thời điểm thích hợp để Hội đồng Tiền lương nắm số liệu tổng kết tình hình KT- XH của năm trước (gần sát nhất) phân tích phục vụ cho việc đề xuất tăng lương", ông Quảng nói thêm.
Ngoài ra, theo chuyên gia lao động - tiền lương, việc lương cơ sở điều chỉnh vào 1/7 hàng năm, lương tối thiểu vùng điều chỉnh tăng vào ngày 1/1 hàng năm cũng khiến cho việc tính toán kiểm soát lạm phát khó hơn. Có năm điều chỉnh lương 2 lần khiến giá cả cũng nhảy múa theo. Có khi xảy ra lạm phát kép, vì năm tăng lương 2 lần.
Theo ông Quảng, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, về cải cách tiền lương (ngày 21/5/2018) cũng có quy định: "Từ năm 2021 Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia". Đây là cơ sở để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất với Hội đồng Tiền lương thực hiện thỏa thuận, đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội tăng lương định kỳ cho người lao động.
"Năm 2020, Quy định về mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2020 tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng. Cụ thể vùng I là 4.420.000 đồng/tháng. Vùng II là 3.920.000 đồng/tháng; vùng III là 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV 3.070.000 đồng/tháng".