Chiến binh dơi
Việc sử dụng động vật trong chiến tranh không mới, phổ biến nhất là ngựa, chó, chim bồ câu…. Ý tưởng sử dụng những con dơi với vẻ ngoài khá kỳ dị cho mục đích quân sự thuộc về bác sĩ phẫu thuật nha khoa ở Pennsylvania (Mỹ) Little S. Adams - người quen thân với Tổng thống Mỹ Roosevelt và phu nhân. Rất có thể, chính sự quen biết cá nhân với gia đình Tổng thống đã góp phần rất lớn vào việc dự án của ông được chấp thuận phát triển và nhận được nguồn tài trợ cần thiết.
Ý tưởng tạo ra một loại vũ khí khác thường đến với vị nha sĩ khi trên đường về nhà chứng kiến đàn dơi rời khỏi hang động Carlsbad ở New Mexico. Hình ảnh đã gây ấn tượng mạnh tới nha sĩ này cùng với tin Nhật Bản tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng. Chưa đầy một tháng sau khi Mỹ chính thức tham gia Thế chiến II, Adams đã đề xuất tạo ra một loại vũ khí mới trong một lá thư gửi trực tiếp tới Nhà Trắng vào tháng 1/1942.
Tổng cộng có 17 loài dơi sống trong Công viên Quốc gia Carlsbad nhưng chỉ đến gần đây, người ta mới có đủ công cụ để thống kê số lượng chúng. Năm 2005, các nghiên cứu được thực hiện bằng máy ảnh nhiệt hiện đại cho thấy có tới 793.000 con dơi sống trong hệ thống hang động vào thời kỳ cao điểm; trong các hang động ở Texas, quần thể dơi lên tới hàng chục triệu cá thể. Adams đã chọn những con dơi môi gấp Brazil và những con dơi gần gũi với dòng này để tạo ra “bom”.
Trong thư gửi Tổng thống Mỹ, Adams cho rằng với sự trợ giúp của những con dơi, có thể thiêu rụi Tokyo. Adams quyết định chia sẻ kiến thức của mình không chỉ về loài dơi mà còn cả thông tin phần lớn các tòa nhà ở Nhật Bản đều làm bằng gỗ. Thực tế thứ hai này không thoát khỏi sự cân nhắc của quân đội Mỹ, những người sau đó đã sử dụng ồ ạt bom cháy khi oanh tạc các thành phố Nhật Bản vào cuối chiến tranh.
Tuyển chọn
Ý tưởng của Adams là gắn những quả bom cháy nhỏ có cơ cấu giữ chậm vào cơ thể của những con dơi cảm tử (kamikaze), được nhốt trong các thùng chứa đặc biệt tự mở khi đang bay sau khi được thả từ máy bay. Sau đó, những con dơi sẽ phân tán xung quanh khu vực, chui vào gác xép và dưới mái của các tòa nhà của cư dân, nơi chúng sẽ dùng làm nơi ẩn náu. Các vụ nổ và hỏa hoạn tiếp theo được cho là sẽ hoàn thành điệp vụ phá hoại, gây thiệt hại nghiêm trọng người và cơ sở hạ tầng đối phương.
Franklin Roosevelt thực sự quan tâm đến bức thư gửi đến Nhà Trắng và quyết định của ông không chỉ bị ảnh hưởng bởi tác giả của bức thư là người quen cá nhân, mà còn bởi sự ủng hộ của một nhà khoa học trẻ - giáo sư động vật học tương lai, Donald Griffin - người trước khi chiến tranh bùng nổ, đã bắt đầu nghiên cứu khả năng định vị bằng sóng âm của loài dơi. Trong Thế chiến II, Griffin là thành viên của Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng - cơ quan ủng hộ ý tưởng chế tạo bom dơi - loại vũ khí khác thường - với kinh phí 2 triệu USD (tương đương 19 triệu USD theo tỷ giá hối đoái ngày nay).
Ở Mỹ, không thiếu dơi, đủ để có thể chế tạo được số lượng lớn bom. Dơi môi gấp Brazil cũng không được chọn một cách tình cờ - bay nhanh nhất trong số những động vật bay này. Khi bay ngang, chúng có thể đạt tốc độ lên tới 160km/h, di chuyển nhanh chóng trên một khu vực rộng lớn. Đặc điểm thứ hai của chúng là những cá thể nhỏ bé này (nặng khoảng 15gr) có thể mang tải trọng gấp ba lần khối lượng cơ thể. Và thứ ba, như bản năng của loài dơi, ở nhiệt độ môi trường nhất định, dơi sẽ chìm vào giấc “ngủ đông”.
Một phương án cũng được cân nhắc với những con dơi lớn, ví dụ như dơi mặt xệ, có trọng lượng lên tới 190gr, có thể mang một quả bom nặng nửa kg, nhưng trong tự nhiên, số lượng những con dơi như vậy quá nhỏ. Đó là lý do tại sao người ta quyết định dùng các đại diện có kích thước nhỏ, nhưng có sẵn với số lượng lớn - điều đơn giản hóa quá trình săn bắt, đồng thời cũng đảm bảo việc sử dụng rộng rãi và gia tăng trong khu vực bị ảnh hưởng.
Nhiều ngôi nhà và công trình phụ ở Nhật Bản được làm bằng gỗ, các vách ngăn và cửa ra vào đều được làm bằng giấy trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản, được gọi là “shoji”. Đối với các thành phố Nhật Bản, nơi các tòa nhà được dựng lên từ vật liệu dễ cháy, những con dơi được “giao” nhiệm vụ mang các thiết bị cháy nổ thu nhỏ với cơ chế giữ chậm, sẽ là một mối đe dọa lớn.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động “bom dơi”
Nhà khoa học Louis Fieser (người phát minh ra napalm), cũng như Ngành Hóa học của Quân đội Mỹ, đã được giao nhiệm vụ tạo ra chất cháy và phát triển quả bom. Nhà hóa học hữu cơ nổi tiếng Fieser, trong những năm chiến tranh làm việc cho ngành công nghiệp quốc phòng, lúc đầu đưa ra các phương án dùng phốt pho trắng, nhưng cuối cùng chọn napalm, được phát triển vào năm 1942 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Fieser đề xuất chế tạo quả bom cháy thu nhỏ là một hộp bằng giấy bóng kính đơn giản chứa chất cháy napalm bên trong.
Hai phiên bản bom thu nhỏ được tạo ra - nặng 17gr (cháy trong 4 phút) và 22gr (cháy trong 6 phút, bán kính bắt lửa 30cm). Mỗi quả bom nhận được một ngòi nổ đơn giản là một thanh đòn có lò xo được giữ cố định bằng một sợi dây thép. Khi các quả bom thu nhỏ chuẩn bị được sử dụng, người ta bơm vào bom dung dịch clorua đồng; sau một thời gian nhất định dây dẫn sẽ bị ăn mòn, cơ cấu lò xo kích hoạt ngòi nổ, đốt cháy napal. “Bom” được thử gắn lên ngực con dơi theo nhiều cách khác nhau, cuối cùng người ta quyết định dùng keo.
Tất cả những con dơi có gắn “bom” được đặt trong một thùng kim loại hình trụ - trên thực tế, đó là một biến thể của bom chùm, với rất nhiều “bom con” sống. Bom mẹ có một bộ ổn định và một chiếc dù, các tường ngăn của nó được đục lỗ để ngăn dơi bị chết ngạt. Chiều dài bom mẹ lên tới 1,5m, bên trong thân có 26 khay vách ngăn hình tròn, đường kính 76cm. Mỗi bom mẹ này chứa tới 1.040 “bom con”. Bằng cách này, những con dơi được đưa vào các bom mẹ có thể được mang bởi máy bay ném bom thông thường của Mỹ.
Nguyên lý hoạt động của bom dơi như sau. Ban đầu, những con dơi được làm mát đến nhiệt độ để chúng “ngủ đông”. Điều đó, một mặt, giúp đơn giản hóa quá trình “quản lý” chúng, và thứ hai, theo cách này, dơi không cần thức ăn. Tiếp theo, bom mẹ được thả xuống mục tiêu từ máy bay, rơi xuống mặt đất bằng dù - cần thiết để những con dơi có thời gian “tan băng” và thức dậy sau giấc “ngủ đông”. Ở độ cao khoảng 1.200m, bom mẹ sẽ bung ra và đàn dơi được thả để bay tự do.
Người Mỹ lên kế hoạch sử dụng bom đặc biệt này vào ban đêm trước bình minh. Sau khi được tự do, những quả “bom sống” con bắt đầu tìm nơi trú ẩn để tránh ánh sáng ban ngày. Chúng sẽ ẩn nấp dưới mái nhà của các tòa nhà dân cư và nhà phụ, sau đó, các ngòi nổ giữ chậm sẽ hoạt động. Kết quả là hỏa hoạn, hỗn loạn và tàn phá. Với số lượng dơi lớn từ một bom mẹ, một số trong số chúng chắc chắn gây ra hỏa hoạn. Mỹ có kế hoạch thả những quả bom như vậy xuống các thành phố lớn của Nhật Bản (chẳng hạn như Tokyo) hoặc các trung tâm công nghiệp lớn khác ở vịnh Osaka.
Thử nghiệm và thực tế
Các cuộc thử nghiệm đầu tiên loại vũ khí mới này năm 1943 đã kết thúc thất bại, do Không quân Mỹ đã không thể “quản lý” bầy dơi. Ngày 15/5/1943, một số trong sáu con dơi được thả ngẫu nhiên rải rác khắp căn cứ Không quân Carlsbad ở New trốn thoát đã tìm được chỗ trú ngụ dưới các thùng nhiên liệu và gây hỏa hoạn tại đây, làm hư hỏng các thùng nhiên liệu và nhà chứa máy bay; chiếc xe riêng của một trong những viên tướng cũng bị thiêu rụi. Vũ khí đặc biệt đã chứng tỏ tác dụng, mặc dù người Mỹ không muốn sử dụng dơi kamikaze để chống lại chính họ.
Một thất bại khác là trong cuộc ném bom thử nghiệm, một số con dơi đã không thoát khỏi trạng thái ngủ đông và chỉ đơn giản là tung ra khi bị rơi xuống đất; một số bay đi theo một hướng không xác định. Sau những thất bại đầu tiên, dự án được chuyển cho Hải quân Mỹ. Tháng 12/1943, bom dơi được bàn giao cho Thủy quân Lục chiến với cái tên bí ẩn X-Ray. Đáng ngạc nhiên là các thủy thủ đã “quản lý” tốt những con vật bay cố chấp. Bom dơi đã được thử nghiệm thành công - nhiều lần đốt cháy các mô hình làng và các khu định cư Nhật Bản được xây dựng để phục vụ thử nghiệm trên đất liền.
Các thử nghiệm cho thấy, với cùng một tải trọng bom, bom gây cháy thông thường có thể tạo ra từ 167-400 đám cháy, trong khi bom dơi đã gây ra 3.000-4.000 đám cháy - gấp 10 lần; chương trình được đánh giá là thành công. Vào giữa năm 1944, các cuộc thử nghiệm mới, lớn hơn đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, khi Đô đốc Ernest King - người quản lý dự án - biết rằng vũ khí sẽ chỉ hoạt động đầy đủ vào giữa năm 1945 (dự kiến có được ít nhất một triệu con dơi), đã quyết định dừng dự án.
Vào thời điểm đó, ở Mỹ, việc chế tạo bom nguyên tử - vũ khí có thể thay đổi lịch sử nhân loại đang diễn ra âm thầm nhưng với nhịp độ cao. Các vụ ném bom các thành phố của Nhật Bản vào tháng 3/1945 chứng tỏ bom cháy thông thường đã thể hiện hiệu quả xuất sắc. Một cuộc không kích kéo dài hai giờ bằng máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã tạo một cơn bão lửa. Vụ cháy đã thiêu rụi 330.000 ngôi nhà, gần 40% Tokyo đã bị cháy hoàn toàn. Theo các ước tính khác nhau, từ 80.000-100.000 người đã bị thiệt mạng mà không cần sử dụng dơi cũng như vũ khí hạt nhân.