Facebook mới đây đã chính thức chặn tài khoản của Tổng thống Donald Trump. Theo đó, công ty này sẽ tạm thời không cho ông Trump đăng bất kỳ thông tin gì trong vòng 24h, đồng thời xóa các bài đăng mà ông Trump đưa ra để kêu gọi đám đông ủng hộ tấn công Điện Capitol.
Thậm chí, ông chủ của Facebook là Mark Zuckerberg còn tuyên bố sẽ khóa vô thời hạn tài khoản của ông Trump cho đến khi ông rời nhà Trắng để tránh những phát ngôn tiêu cực dễ gây kích động lên công chúng.
"Chúng tôi tin rằng rủi ro khi cho phép Tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong thời gian này đơn giản là quá lớn. Do đó, chúng tôi đang mở rộng quy tắc chặn mà chúng tôi đã đặt trên tài khoản Facebook và Instagram của ông ấy vô thời hạn và trong ít nhất hai tuần tới cho đến khi quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình đã hoàn tất", Mark Zuckerberg đăng trên trang cá nhân của mình.
Cùng với đó, tài khoản của Trump trên Instagram do Facebook sở hữu cũng sẽ bị khóa trong 24 giờ, người đứng đầu Instagram Adam Mosseri xác nhận. Trước đó, vào thứ Tư, Facebook đã xóa một video được đăng vài giờ sau khi cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội bắt đầu, nơi ông Trump kêu gọi những người biểu tình tấn công và tuyên bố rằng: "Chúng ta đã có một cuộc bầu cử gian lận và thiếu trung thực."
Twitter cũng đã hạn chế Trump trên nền tảng của mình, khóa tài khoản của ông trong 12 giờ sau khi xóa ba tweet mà công ty cho là "vi phạm nghiêm trọng" các chính sách của mình. Thậm chí Twitter còn cho biết sẽ xóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump nếu tiếp tục vi phạm các chính sách cộng đồng. 3 Tweet của ông Trump bị xóa vì đã vi phạm chính sách cộng đồng, kích động bạo lực.
Không chỉ Twitter và Facebook, mới đây nền tảng Youtube của Google cho biết video của ông Trump đã vi phạm chính sách của họ trong ngăn chặn nội dung sai lệch, khi đưa ra cáo buộc vô căn cứ là đã có "gian lận trên diện rộng làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ".
Nhà cung cấp thương mại điện tử Shopify, nơi có các cửa hàng bán hàng trực tuyến của Trump, cho biết họ đang tạm ngừng các hoạt động kinh doanh tại hai trang web shop.donaldjtrump.com và trumpstore.com.
"Shopify không dung thứ cho các hành động kích động bạo lực. Dựa trên các sự kiện gần đây, chúng tôi xác định rằng hành động của Tổng thống Donald J Trump vi phạm chính sách sử dụng của chúng tôi, trong đó nghiêm cấm quảng bá hoặc hỗ trợ các tổ chức hoặc những người đe dọa hoặc dung túng bạo lực", Shopify cho biết.
Cũng lên tiếng phản đối các cuộc bạo động của người ủng hộ ông Trump, Tim Cook là một trong những CEO giới công nghệ đầu tiên lên tiếng. Ông cho rằng cuộc bạo loạn diễn ra bởi những người ủng hộ Tổng thống Trump là “đáng buồn và xấu hổ”. Alexis Ohania, nhà sáng lập Reddit, mô tả người tham gia bạo loạn là “những kẻ khủng bố trong nước”.
Sundar Pichai, CEO Google mô tả những gì xảy ra tại Điện Capitol “thật sốc và đáng sợ”. Ngoài việc đảm bảo an toàn của nhân viên tại Washington, Pichai cũng lên án vụ tấn công. Jay Timmons, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia Mỹ, chỉ trích gay gắt Tổng thống Trump và kẻ bạo loạn, kêu gọi Phó tổng thống Mike Pence và Nội các viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Trump.
Truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tranh cử và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị của bất kỳ quốc gia nào kể cả Mỹ. Việc ông Trump liên tiếp bị các MXH lớn, có sức ảnh hưởng rộng khóa tài khoản tạm thời cho thấy sự thất thế của ông.
Vậy tại sao giữa lúc tình hình chính trị Mỹ đang biến động các công ty công nghệ, MXH lớn lại quay lưng với Tổng thống Donald Trump?
Một trong số những nguyên nhân chính khiến các MXH và các công ty công nghệ đồng loạt quay lưng với ông Donald Trump vì khả năng lật ngược kết quả gần như không có. Dù liên tục thực hiện những vụ kiện và khẳng định cuộc bầu cử không minh bạch nhưng các cáo buộc của ông Trump đều bị bác bỏ.
Trước đó, ngày 14/12 cuộc bỏ phiếu chính thức của cử tri đoàn đã xác nhận chiến thắng của ông Biden trước ông Donald Trump. Thậm chí, thượng nghị sĩ John Cornyn, một đảng viên Cộng hòa kỳ cựu, người ủng hộ ông Trump nhiệt thành cũng cho biết "không có cơ hội nào để ông Trump lật ngược tình thế, mọi nỗ lực sẽ không đi đến đâu".
Cùng với đó là việc ông Rudy Giuliani, luật sư, người dẫn đầu đội ngũ pháp lý của chiến dịch tranh cử của ông Trump và là cựu thị trưởng thành phố New York, nhập viện do mắc COVID-19. Đây là đòn đánh mạnh vào nỗ lực đảo ngược tình thế của phe ông Donald Trump.
Không chỉ có vậy, các tờ báo trước nay được biết đến là thân Cộng hòa và ủng hộ ông Trump như New York Post, Arizona Republic, Dallas Morning News, Houston Chronicle, Fox News... đều lên tiếng thừa nhận chiến thắng của ông Joe Biden và kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Chính vì lẽ đó, các MXH và các công ty công nghệ không dại gì mà ủng hộ ông Trump thời điểm này, khi mà chắc chắn ông sẽ không còn là Tổng thống kế tiếp. Việc "quay lưng" với ông Trump thời điểm này không chỉ là "thức thời" mà còn tránh việc "gây thù chuốc oán" với Tổng thống kế nhiệm Joe Biden.
Dù muốn hay không nhưng việc ủng hộ ông Trump sẽ đồng nghĩa với việc chống đối ông Biden. Mà việc chống đối một Tổng thống tương lai là động thái không một doanh nghiệp lớn nào muốn mắc phải để tránh rắc rối về sau.
Theo các chuyên gia về kinh tế suy đoán, nhiều khả năng chính các công ty công nghệ cũng đang muốn có một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Các lệnh cấm vận và những sắc lệnh mạnh tay của Tổng thống Trump dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chính các doanh nghiệp trong nước khi bị hạn chế giao dịch thương mại.
Theo CNBC, các doanh nghiệp Mỹ, chuyên cung cấp trang thiết bị cho sản xuất chip, hiện xuất khẩu 90% sản phẩm của họ tới các đối tác toàn cầu, chủ yếu ở Đông Á, trong đó có Trung Quốc. Việc yêu cầu những đối tác này phải xin giấy phép mới được bán hàng cho Huawei sẽ khiến ngành bán dẫn của Mỹ bị ảnh hưởng lớn.
Không chỉ phần cứng, các doanh nghiệp phần mềm, MXH cũng gặp khó khăn khi thâm nhập và đầu tư vào thị trường Trung Quốc khi vấp phải các đòn đáp trả của nước này. Các biện pháp mạnh tay của chính quyền Tổng thống Trump cũng khiến các công ty công nghệ của Mỹ bị gây khó khăn, điều tra về bảo mát, quyền riêng tư trên khắp thế giới.
Theo một thống kê không chính thức thì số vụ kiện liên quan đến các công ty công nghệ Mỹ trên toàn thế giới tăng đến 40% so với thời gian trước khi ông Trump lên nắm quyền.
Một sự thay đổi hay chí ít là sự kỳ vọng khi thay đổi Tổng thống sẽ đem lại luồng gió mới trong chính sách đối ngoại cả về kinh tế và ngoại giao giúp các doanh nghiệp Mỹ "dễ thở" hơn trong tương lai.
Tình hình chính trị nước Mỹ không ổn định với các cuộc biểu tỉnh và bạo động sẽ không có lợi cho các MXH cũng như các công ty công nghệ tại đây. Với việc người sử dụng Facebook, Instagram, Twitter,... đều chủ yếu là người Mỹ cũng như trụ sở các công ty này tại Mỹ thì tình hình chính trị không ổn định sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh.
Thêm vào đó, các MXH và các công ty công nghệ lớn cũng chịu áp lực từ việc phải kiểm duyệt thông tin. Hầu hết các thông tin kêu gọi biểu tình hay các cáo buộc gian lận của ông Trump đều vô căn cứ và không có tính xác thực cao.
Giữa lúc tình hình đăng căng thẳng, việc đăng những thông tin sai lệch, tin giả có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho các MXH này và cho nước Mỹ. Chính vì vậy trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, các MXH đều đồng loạt chọn biện pháp an toàn là xóa các thông tin chưa được kiểm chứng và tạm khóa tài khoản của ông Trump.