Kích cầu du lịch nội địa xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ
Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021 do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức nhằm tìm ra giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam 2021 với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cùng ba trăm doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc.
Tại diễn đàn hàng chục tham luận được phát biểu đầy tâm huyết và đưa ra giải pháp khôi phục cho ngành du lịch năm 2021 là nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo sự an toàn đồng thời tạo các sản phẩm mới trong ngành du lịch.
Phát biểu tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: "Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà Covid-19 còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Là ngành nhạy cảm với xã hội, Du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh.
Nhưng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động du lịch cụ thể như thế nào là việc cần được trao đổi. Và diễn đàn lữ hành toàn quốc lần này, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam mong muốn được nghe ý kiến từ các nhà Lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành về các nội dung nêu trên để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, triển khai khôi phục và phát triển Du lịch trong bối cảnh vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho xã hội"
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours thì chỉ ra những mặt hạn chế của liên minh kích cầu như: Lực lượng nòng cốt tham gia Liên minh kích cầu vẫn tập trung chủ yếu vào các công ty lữ hành và hàng không mà chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…
Điểm hạn chế thứ hai là thời gian kích cầu diễn ra ngắn dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc truyền thông và bán sản phẩm tới khách hàng. Điểm hạn chế thứ ba khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ như: Tăng giá; Bổ sung các chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn cho khách hàng trực tiếp, các doanh nghiệp/ nhóm doanh nghiệp khác; Tình trạng hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau thậm chí cạnh tranh trong chính các đơn vị trong liên minh… Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi của các thành viên không được đảm bảo. Điểm hạn chế nữa là sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, để khắc phục triệt để những hạn chế trên bằng các giải pháp cụ thể sau: Hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn; Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá; Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên; Cơ quan quản lý điểm đến; Cơ sở cung ứng dịch vụ tại điểm đến; Nhà vận chuyển (hàng không, tàu hỏa, ô tô…)…
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Công Hoan, vai trò của các công ty Lữ hành là giữ vai trò Điều hành. Là đơn vị chịu trách nhiệm đầu mối kết nối các nhà cung cấp dịch vụ và tổng hợp nguồn khách của các công ty khai thác.
"Công ty khai thác là lữ hành đơn vị trực tiếp khai thác khách hàng. Mỗi công ty đều có những thị trường, kênh bán, marketing riêng và đều có khả năng sử dụng thế mạnh của mình để bán hàng. Công ty Lữ hành cung cấp dịch vụ điểm đến gồm các doanh nghiệp lữ hành tại điểm đến hoàn toàn có thể cung cấp toàn bộ hoặc một phần dịch vụ hay option tours cho chương trình kích cầu. Những lợi thế về kinh nghiệm, kiến thức, trang thiết bị hậu cần tại điểm đến sẽ là những điều kiện cần thiết tạo ra sức hấp dẫn cho sự liên kết với các công ty khai thác và điều hành tours", ông Nguyễn Công Hoan nói.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thuế phí cho các doanh nghiệp
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam; Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho hay xu hướng đi du lịch của du khách trong thời gian tới sẽ là: Du lịch bền vững; Các cộng đồng nhỏ sẽ đóng một vai trò lớn hơn; Tìm đến chất lượng hơn là số lượng; Du lịch đường bộ sẽ tăng nhanh; Tư vấn du lịch trở nên cần thiết hơn và xu thế cuối cùng đó là Du lịch gần nhà. Du lịch gần nhà tức là an toàn trong dịch đã thúc đẩy du lịch gần nhà tăng trưởng mạnh, chuyến đi gần, ngắn ngày trở nên ưa chuộng…
Ông Phùng Quang Thắng đưa ra phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong tình hình hiện tại như: Phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; Chuyển đối số trong lữ hành; Thị trường, sản phẩm du lịch và xúc tiến.
"Chuyển đổi số trong lữ hành sẽ khiến thay đổi mô hình kinh doanh; Chuỗi giá trị; Hệ sinh thái giá trị, điều này sẽ giúp doanh nghiệp lữ hành hiệu quả hơn trong việc giao tiếp với khách du lịch, tổ chức hoạt động maketing du lịch. Đặc biệt, nâng cao trải nghiệm của du khách", ông Phùng Quang Thắng cho hay.
Chia sẻ giải pháp từ thực tế thị trường du lịch nội địa, bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho hay: Ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ chung như: Kiểm soát chặt tình hình và diễn biến của dịch Covid 19 cũng như các biến thể virus mới.
Tiếp tục chính sách miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp ngành du lịch trong năm 2021. Hỗ trợ cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2021 trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ internet...
Chính sách hỗ trợ tài chính cho vay ưu đãi để phục hồi hoạt động kinh doanh. Về các gói vay tài chính từ ngân hàng: đa phần các ngân hàng vẫn đang đàm phán cho vay tiếp với điều kiện phải có tài sản thế chấp trong khi các công ty lữ hành ngay cả khi hoạt động bình thường trước dịch đều không dựa trên tài sản cụ thể (như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ...) mà trên tài sản vô hình như thương hiệu, tài nguyên khách hàng, uy tín là chủ yếu.
Các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn không được phép vay vì du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp…
Ngoài ra theo bà Hương, cần có giải pháp với ngành du lịch địa phương; Chính sách kích cầu; Truyền thông an toàn…