Cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân chủ quan
Một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở đất trong đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến "rừng". Theo Phó Thủ tướng, đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên chất lượng rừng của nước ta còn thấp, lại là rừng mới.
Trong khi, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, để làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả. Mặt khác, do việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi, những công trình giao thông, công trình điện, công trình đường ống... đã làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất...
Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng các công trình nhà ở, các khu dân cư, các bệnh viện, trường học, các cơ sở tại các khu vực miền núi không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là về yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở...
"Việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành sẽ có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn của hạ du. Vấn đề này chúng ta thấy rất là rõ" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Ngoài ra, hiện nay, xây dựng các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi có tác động tiêu cực đến môi trường. "Vì các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực miền núi, trung du, đồng thời việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất" - Phó Thủ tướng phân tích.
Hạn chế lấy đất rừng tự nhiên làm thủy điện
Xác định rõ những nguyên nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, bên cạnh nhiệm vụ trước mắt, các nhiệm vụ dài hạn phải được tập trung triển khai; trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai.
Theo Phó Thủ tướng, cần phải rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ gây sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn mặn; tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch lĩnh vực và các quy hoạch tỉnh gắn với việc ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ứng phó với phòng, chống thiên tai. "Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án trọng điểm, dự án ưu tiên để chúng ta đầu tư trước trong điều kiện kinh phí của chúng ta còn khó khăn" - Phó Thủ tướng nói.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp.
Đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu phải được kiểm soát chặt, nhất là công trình thủy điện nhỏ. "Công trình thủy điện nhỏ phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế. Chúng ta phải đánh giá được cái lợi, cái hại. Nếu lợi nhiều, hại ít thì chúng ta làm, lợi ích ít, hại nhiều thì kiên quyết không làm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.