Là tay viết của một trang tin ưa thích Android nổi tiếng - AndroidAuthority, chắc hẳn Robert Triggs có một cảm tình đặc biệt với nền tảng di động phổ biến nhất thế giới này. Thế nhưng chính anh đang phải chua chát thừa nhận rằng, năm 2020 là một năm đại bại của nền tảng này trong cuộc đua với Apple. Dưới đây là những ý kiến của anh về kết quả cuộc đua giữa Apple và thế giới Android trong năm 2020 này.
Quả Táo cắn dở đã làm chấn động thị trường smartphone khi ra mắt dòng iPhone SE mới vào đầu năm nay. Nó cho các hãng Android thấy sự kết hợp giữa hiệu năng vượt trội, các tính năng flagship và một mức giá phải chăng sẽ tạo nên công thức chiến thắng như thế nào. Thật khó kiếm được thiết bị Android đáp ứng được cả 3 yếu tố trên. Nó không chỉ có được điểm số benchmark vượt trội, mà ngay cả các bài review cũng hết lời khen ngợi thiết bị giá rẻ này.
Chưa hết, hàng loạt thiết bị khác, gồm iPad mới, Apple Watch Series 6 và dòng iPhone 12 đều trở thành những phần cứng hấp dẫn người dùng. Chúng là minh chứng rõ ràng cho thấy tài năng của Apple trong việc làm ra và tiếp thị các sản phẩm cao cấp đang bỏ xa các đối thủ Android như thế nào. Công ty còn đang xúc tiến hàng loạt dịch vụ thuê bao mới, kết hợp chúng lại thành gói sản phẩm Apple One với mức giá rất cạnh tranh. Nhờ vậy, gói dịch vụ này có thể trở thành một thế lực trên thị trường streaming mà không gây tổn hại gì cho hệ sinh thái Apple.
Không ngoa khi nói rằng 2020 là thời điểm Apple quét sạch các đối thủ của mình. Các máy tính Mac dùng chip ARM Apple M1 cuối cùng đã chấm dứt sự phụ thuộc của công ty vào các CPU Intel. Nó mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng kiểm soát phần cứng gắn chặt với hệ sinh thái, từ bộ xử lý cho đến hệ điều hành.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm sẽ càng làm gia tăng hiệu năng và tính năng cho các sản phẩm trong tương lai. Trong khi đó, việc các máy Mac chuyển sang sử dụng chip ARM – kiến trúc tương tự như trên iPhone và iPad – sẽ xóa nhòa đi ranh giới giữa máy tính và điện thoại. Giờ đây, Apple đã có đầy đủ quyền kiểm soát đối với cả hiệu năng thiết bị, khả năng chụp ảnh, bảo mật, trò chơi và các tính năng khác trên toàn bộ nền tảng của mình.
Tốc độ choáng ngợp của Apple M1 đã làm chấn động cả thị trường laptop, cũng như chính Intel. Dù nó có thể gây ra một số phiền toái đối với các nhà phát triển trong ngắn hạn khi phải viết lại ứng dụng cho nó, nhưng sức mạnh của con chip này đã làm lung lay cả mối quan hệ gắn bó bấy lâu nay Wintel.
Windows trên ARM, hệ điều hành đang chạy trên chip Qualcomm, đột nhiên nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đối tác phần cứng của Microsoft sau khi Apple cho thấy, việc chuyển sang nền tảng ARM mang lại những lợi ích như thế nào cho người dùng.
Thật sai lầm nếu cho rằng, năm nay là một chiến thắng tuyệt đối của Apple trên mọi mặt trận. Không ít sự kiện gây tranh cãi của năm 2020 đều có sự góp mặt của Apple.
Nổi bật trong năm nay là cuộc đụng độ giữa công ty với hãng Epic Games, nhà phát triển tựa game đình đám Fortnite về mức hoa hồng 30% trên doanh thu và các điều kiện xuất bản ứng dụng. Cuối cùng Apple loại bỏ Fortnite ra khỏi cửa hàng App Store của mình đồng thời loại bỏ luôn cả tài khoản và công cụ nhà phát triển của Epic.
Các hành động này của Apple không xoa dịu được hình ảnh vốn kém thân thiện của họ với các nhà phát triển. Không chỉ Epic, các tranh cãi về mức phí hoa hồng trên doanh thu giữa Apple còn diễn ra với nhiều ứng dụng miễn phí khác, như dịch vụ email Hey hay nền tảng blog WordPress …
Để tạm thời xoa dịu sự phẫn nộ của các nhà phát triển, cũng như nguy cơ từ các cuộc điều tra chống độc quyền đối với cửa hàng ứng dụng App Store, Apple buộc phải giảm mức phí hoa hồng xuống còn 15% đối với các nhà phát triển nhỏ.
Không chỉ phần mềm, Apple cũng đưa ra nhiều quyết định gây tranh cãi về phần cứng của mình. Headphone mới của họ, AirPods Pro Max có mức giá đắt đến cắt cổ 550 USD. Trong khi đó các đối thủ của họ như Sony WH-1000XM4 hay Bose Noise Cancelling 700 đều có mức giá rẻ hơn. Chọc giận các game thủ và người ghiền âm thanh chưa đủ, Apple còn làm nhiều người khó chịu vì bỏ cục sạc bán kèm trong hộp máy, với lý do "bảo vệ môi trường."
Thật khó để "bảo vệ môi trường" khi người dùng vẫn phải mua thêm hàng tá phụ kiện cho các thiết bị mới của Apple, cùng với đó sẽ là hàng đống rác thải đi kèm từ vỏ bao bì cho chúng. Đó là còn chưa kể không phải thiết bị bên thứ ba nào cũng tương thích tốt nhất với các chuẩn sạc độc quyền của Apple. Nó cho thấy mục đích cuối cùng vẫn là tạo thêm lợi nhuận trên mỗi iPhone mà Apple bán được.
Mặc dù có một số thất bại về mặt PR, nhưng các phần cứng và hệ sinh thái mà Apple đưa ra trong năm 2020 đã củng cố vững chắc vị trí của công ty và mang lại một tầm nhìn rõ ràng hơn trong năm 2021. Ngược lại, thật khó nói được điều tương tự như vậy đối với hệ sinh thái Android.
Năm 2020, chứng kiến sự xuất hiện của một số thiết bị Android thú vị, như smartphone 5G giá rẻ với Google Pixel 4a 5G và OnePlus Nord. Một số thiết bị Android với hiệu năng mạnh mẽ cùng mức giá phải chăng cũng được ra mắt và lôi cuốn người dùng. Một số flagship Android mới cũng tốt chẳng kém gì iPhone, nếu không muốn nói là tốt hơn trên một số khía cạnh. Tuy nhiên, chúng chẳng thể tạo ra các cơn chấn động cả ngành như Apple làm được.
Quan trọng hơn, Apple đang hướng tới một nền tảng hợp nhất giữa smartphone, tablet, thiết bị đeo, TV và giờ là máy tính, đồng thời siết chặt hơn nữa hệ sinh thái của mình để đảm bảo mọi thiết bị và dịch vụ sẽ hoạt động trơn tru trong tương lai. Một hệ sinh thái phần cứng đáp ứng mọi nhu cầu công nghệ của người dùng sẽ là đích đến của thị trường thiết bị cao cấp.
Sự đa dạng của smartphone Android có thể đương đầu với iPhone nhưng lại thiếu đồng nhất trong hệ sinh thái
Nhưng các nhà sản xuất Android lại không có được thứ xa xỉ này. Họ phụ thuộc vào Google, Microsoft và những người khác để liên kết và gắn bó các thiết bị lại với nhau. Trong khi đó, Google và Microsoft lại phụ thuộc vào các đối tác của mình để hiểu được nhu cầu của người dùng là gì.
Samsung có lẽ là thương hiệu Android duy nhất có dải sản phẩm đủ rộng để cạnh tranh với Apple. Các smartwatch dùng Tizen của Samsung còn cạnh tranh với Apple Watch tốt hơn nhiều so với các đồng nghiệp chạy Wear OS của Google. Công ty cũng có một loạt sản phẩm gia dụng thông minh và thiết bị âm thanh khác đối đầu với Apple.
Mặc dù vậy, sân chơi tablet lại là một ví dụ cho thấy hệ điều hành của Google đang hạn chế ưu thế phần cứng của Samsung như thế nào. Không riêng Samsung, các tablet Android không có được sự thống nhất về phần mềm cũng như phần cứng tương tự như iPad. Hơn thế nữa, Samsung cũng không có được sức mạnh về nền tảng máy tính hay có chân trong thị trường streaming video như Apple. Còn Google, cho dù được xem là đối thủ Apple, lại hiếm khi nào xuất xưởng được một sản phẩm tươm tất.
Hệ điều hành Android TV phải chờ đợi rất lâu mới có một bản cập nhật có các tính năng cần thiết. Trong khi đó, dòng máy tính Chromebook, thay vì sử dụng nền tảng Android như di động, lại sử dụng một nền tảng khác, càng khiến cho Google không thể thống nhất các nền tảng mà họ có trong tay – một điều trái ngược hoàn toàn với máy tính Mac dùng chip M1.
Tất nhiên, trợ lý ảo Google Assistant và các dịch vụ của họ vẫn chạy rất tốt trên các nền tảng khác nhau, đặc biệt trên thị trường ô tô và nhà thông minh. Nhưng họ không có tầm nhìn nào về việc thống nhất các ứng dụng giữa máy tính với các nền tảng khác. Điều đó sẽ làm chính khách hàng doanh nghiệp e ngại đầu tư cho nó. Bản thân Google cũng vậy. Các nền tảng Google TV, thiết bị đeo và gaming của họ vẫn rất rời rạc và hầu như không mấy phát triển.
Chiến thắng lớn của Apple trong năm nay là minh chứng sự đúng đắn của một tầm nhìn rõ ràng và dài hạn trong nhiều năm qua và có lẽ sẽ còn kéo dài trong vài năm tới. Còn với thế giới Android, thất bại của họ cũng chưa hẳn quá tồi tệ nếu xét ở góc độ kinh doanh. Nhưng đây có thể là một cú đánh thức tỉnh dành cho Google, để họ nhìn nhận lại chiến lược phát triển hệ sinh thái của mình.