Huấn luyện viên trưởng Bill Belichick của đội bóng bầu dục New England ngày 11/1 cho biết ông đã từ chối nhận Huân chương Tự do của Tổng thống do Tổng thống Trump trao tặng vào ngày 14/1 tới.
Belichick cho biết, ông đã rất tự hào khi có cơ hội nhận Huân chương Tự do của Tổng thống. Tuy nhiên, vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1 vừa qua đã khiến ông đổi ý.
Huân chương Tự do của Tổng thống được trao tặng cho những người có đóng góp đặc biệt trong giữ gìn an ninh công cộng, lợi ích quốc gia của Mỹ, đóng góp cho hòa bình thế giới hay những nỗ lực đáng kể của một cá nhân hay tập thể trong các lĩnh vực khác.
“Không nhiều người từ chối nhận Huân chương Tự do của Tổng thống, cho dù là vì khiêm tốn hay vì các lý do đặc biệt khác”, theo ông Fletcher McClellan, giáo sư về khoa học chính trị tại trường Elizabethtown ở Pennsylvania. Ông McClellan từng nghiên cứu về lịch sử huân chương tự do.
Việc ông Belichik từ chối nhận phần thưởng cao quý này được xem là lời từ chối công khai và đáng kể nhất. Tuy nhiên, Belichik không phải là người duy nhất làm điều này.
Moe Berg từ chối Huân chương Tự do
Năm 1946, Tổng thống Harry S. Truman đã trao Huân chương - khi đó được gọi là Huân chương Tự do, cho Moe Berg, một cựu cầu thủ của bóng chày từng chơi cho Brooklyn Dodgers, Boston Red Sox.
Moe Berg có thể thành thạo ít nhất 6 ngôn ngữ trong đó có tiếng Đức và tiếng Nhật. Năng khiếu ngoại ngữ và sự thông minh, nhanh nhạy của Berg đã khiến ông trở thành một điệp viên lý tưởng trong Thế chiến 2. Khi đó, ông được giao nhiệm vụ tìm hiểu thông tin chế tạo bom nguyên tử của phát xít Đức.
Nhiệm vụ này quá mạo hiểm và Berg được đưa cho một viên cyanide để ông có thể nuốt trong trường hợp bị bắt, theo cuốn “Cầu thủ bóng chày là một điệp viên” của Nicolas Dawidoff.
Khi biết tin mình được trao Huân chương Tự do, Moe Berg đã từ chối nhận. Ông nói rằng câu chuyện về “sự đóng góp khiêm tốn” của mình chưa xứng đáng với phần thưởng này.
“Tấm huân chương làm tôi thấy bối rối”, ông cho biết trong cuốn sách của Dawidoff.
Aviva Kemper, người từng làm phim tài liệu về Berg cho biết: “Ông ấy không do thám và đánh liều mạng sống của mình mỗi ngày vì đất nước để được nhận huân chương. Ông ấy làm điều đó để phát xít Đức có thể bị đánh bại”.
Em gái của Berg sau này đã nhận huân chương thay mặt anh trai mình và tặng lại cho Đại sảnh Danh vọng Bóng chày (ở New York).
Jacqueline Kennedy muốn dành mọi sự tôn vinh cho chồng mình
Khi Tổng thống Harry S. Truman tạo lập Huân chương Tự do, phần thưởng này là để tôn vinh những người có những cống hiến đáng kể trong chiến tranh.
Tháng 2/1963, Tổng thống John F. Kennedy đã tái lập và mở rộng phần thưởng này thành Huân chương Tự do của Tổng thống để tôn vinh những người có nhiều cống hiến các lĩnh vực khác nhau.
Theo Kyle Kopko, một chuyên gia tại Đại học Elizabethtown nghiên cứu về huân chương tự do, Tổng thống Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacqueline đã cùng thiết kế tấm huân chương mới.
Tuy nhiên, Tổng thống Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963, trước khi tấm huân chương mới được công bố.
Sau này khi Tổng thống Lyndon B. Johnson truy tặng Huân chương cho cố Tổng thống Kennedy, ông muốn tôn vinh cả bà Jacqueline. Tuy nhiên, bà từ chối nhận tấm Huân chương và muốn dành mọi sự tôn vinh cho chồng mình.
Harry S. Truman
Tổng thống Truman từng nổi tiếng với câu nói ông muốn được nhận Huân chương Tự do hơn là việc trở thành Tổng thống.
Tuy nhiên, năm 1971, ông đã tìm cách ngăn cản Hạ viện trao Huân chương cho ông.
Trong một lá thư gửi tới Quốc hội, ông viết: “Tôi không nghĩ mình đã làm được điều gì đó xứng đáng được nhận bất cứ phần thưởng nào”.
Huân chương Tự do, phần thưởng cao quý nhất của nước Mỹ trao cho những người dũng cảm trong quân đội, thường do tổng thống đương nhiệm trao tặng.
Truman đã từng là đại úy của một sư đoàn pháo binh trong Thế chiến thứ nhất, nhưng trong lá thư gửi tới quốc hội nói rằng ông cảm thấy việc nhận huân chương vì “chiến đấu dũng cảm” có thể làm giảm đi uy tín của phần thưởng danh giá này và do đó ông đã từ chối nhận.