Theo lịch sử, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ Tịch điền. Nghĩa là nhà vua sẽ đích thân vua xuống đi cày ruộng, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa và dân chúng ấm no, hạnh phúc. Các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian bị mai một, lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được khôi phục lại vào ngày mùng 7 tháng giêng năm 2009.
Video: Cụ ông gần một thập kỷ đóng "Vua đi cày"
Tìm người phù hợp để đóng vai Vua làm lễ xuống ruộng đi cày 3 sá không phải là việc đơn giản. Theo tục lệ, đó không chỉ là người cao tuổi trong làng mà còn phải là người có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng. Phải chọn được người có nét uy nghi, khoan thai, có phong thái của một ông Vua. Và cũng từ đó, cụ ông Đinh Trọng Tế, sinh năm 1929, trú thôn Đọi Nhất, đã 10 lần được vinh dự đóng vua đi cày.
Nhớ lại thời kỳ đầu được giao đóng vai vua Lê Đại Hành, cụ Tế quên ăn, quên ngủ tập luyện các bước đi cầy, soi gương tập biểu cảm trên khuôn mặt sao cho đúng thần thái Vua. Nghe đơn giản, nhưng đó là sự vất vả, kiên trì của một cụ ông tuổi đã ngoài 80.
Đến năm 2019, do tuổi cao và cũng muốn thế hệ sau tiếp bước, nên cụ ông Đinh Trọng Tế xin phép không mặc long bào xuống đồng đi cày trong lễ hội Tịch điền nữa. Thay vào đó, cụ tham gia công tác đào tạo.
Với những đóng góp của mình, cụ ông Đinh Trọng Tế đã được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng nhiều bằng khen. Cụ Tế tâm sự, nước ta là một nước nông nghiệp, đây là thế mạnh của đất nước. Do vậy, dù đất nước có hiện đại hoá – công nghiệp hoá đến đâu người dân cũng không thể bỏ ruộng, bỏ làm nông nghiệp. Phải lao động sản xuất nông nghiệp thì mới góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, nhưng làm ruộng phải đổi mới, cải tiến những cách làm hay, sáng tạo, vận dụng máy móc hiện đại, những cây trồng, giống lúa, ngô, khoai mới mang lại hiệu quả cao giúp đời sống người nông dân khấm khá hơn.