Một số đại lý khi mở ra thu mua nông sản của dân rồi chuyển tên công ty, chuyển tài sản cho người khác rồi tuyên bố vỡ nợ, người dân không có cơ sở để đòi.
Theo luật sư Tạ Quang Tòng, thực chất bản chất vấn đề giữa người dân và các đại lý thu mua nông sản quan hệ với nhau bằng giao dịch dân sự như một hợp đồng gửi giữ tài sản. Tuy nhiên, do sự tin tưởng nên hầu như giữa hai bên không hề có một sự ràng buộc nào. Khi đại lý tuyên bố vỡ nợ, không còn tài sản gì để trả người dân đành phải chấp nhận trắng tay, pháp luật không có cách gì giải quyết được. Nếu công an vào cuộc, xác minh được các đại lý cố tình tẩu tán tài sản để không trả nợ thì may ra người dân mới lấy được tiền.
Trên thực tế, ngoài một số đại lý có dấu hiệu lừa đảo thì nhiều đại lý vỡ nợ do việc nhận định thị trường không chính xác trong khi đó vốn thực có của họ lại rất ít ỏi. Do việc nhận định thị trường sai khiến họ thua lỗ đến mức mất khả năng trả nợ.
Để tránh được nguy cơ trắng tay, theo luật sư Tạ Quang Tòng, nông dân trước tiên muốn ký gửi nông sản cần phải tìm hiểu kỹ về các đại lý, điểm ký gửi. Đồng thời hai bên phải thiết lập hợp đồng gửi giữ nông sản với các điều khoản ràng buộc rõ ràng. Trên thực tế hiện nay, hầu hết việc ký gửi nông sản của nông dân chủ yếu thể hiện qua một tờ giấy ghi nợ viết tay sơ sài, chủ yếu là để ghi nhớ chứ hầu như không có giá trị pháp lý.
Về phía cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý và các điểm nhận ký gửi cà phê. Theo đó, cơ quan chức năng chỉ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải có một số tài sản đảm bảo nhất định. Vì trên thực tế nhiều người gần như không cần vốn vẫn có thể mở đại lý, lấy nông sản của nông dân ký gửi để làm vốn kinh doanh.
Theo ông Trịnh Đức Minh- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, trên thực tế gần như không có giải pháp nào để ngăn chặn nạn vỡ nợ nông sản. Để tự cứu mình, nông dân cần phải tìm hiểu, lựa chọn các đại lý thu mua nông sản của các doanh nghiệp có uy tín để gửi tài sản của mình.