Đa số là bệnh viêm đường hô hấp
Trong những ngày rét đậm, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhân đến khám ngoại trú giảm nhưng bệnh nhân nội trú nặng lại tăng khoảng 10-15%. Lý giải điều này, TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, trời lạnh, nếu trẻ bị bệnh nhẹ hoặc các bệnh còn trì hoãn được, gia đình sẽ không đưa con đi khám. Trời lạnh cũng khiến nhiều trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp, nếu để nặng thì lại phải nhập viện.
"Mùa lạnh sức đề kháng của trẻ kém nên trẻ cũng dễ mắc cúm. Do đó, cha mẹ nên đưa con đi tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, có thể giảm tới 90% nguy cơ mắc cúm".
PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo
"Bệnh trẻ hay mắc phải khi trời rét là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Viêm hô hấp trên hay gặp như viêm mũi, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc nặng hơn là viêm phế quản phổi. Nếu trẻ mắc bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời, điều trị đúng cách bệnh có thể diễn biến nặng" - TS Hanh chia sẻ.
Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trong những ngày qua, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng khoảng 20 - 30% với các bệnh chủ yếu là viêm đường hô hấp, viêm phổi.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, "đến hẹn lại lên", cứ đến khi thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh là số bệnh nhi nhập viện lại gia tăng. Các bệnh trẻ thường xuyên mắc ở thời tiết chuyển mùa là viêm đường hô hấp, cúm, tiêu chảy...
Giữ ấm cho trẻ nhưng đừng ấm quá
Thời tiết chuyển lạnh, chỉ cần người chăm sóc trẻ lơ là là trẻ rất dễ mắc bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ khi trời rét lạnh như hiện nay.
Theo TS Hanh, một sai lầm khác là khi trẻ ốm, một số cha mẹ lại kiêng tắm cho con vì lo trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Hành động này là không hợp lý vì cơ thể trẻ đang phát triển, đặc biệt, nhiều bé chơi đùa nhiều sẽ ra mồ hôi.
"Dù trẻ đang sốt, ho hay viêm mũi, viêm họng, chúng ta vẫn nên lau người sạch sẽ, thay quần áo hàng ngày cho con. Thậm chí, cha mẹ có thể tắm cho trẻ trong phòng ấm nhưng cố gắng làm nhanh, lau khô người và mặc quần áo ấm cho trẻ" - TS Hanh khuyến cáo.
PGS Dũng cũng nhấn mạnh: "Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi thì quan trọng nhất là giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Tôi nhấn mạnh "đủ ấm" vì nếu ấm quá cũng khiến trẻ toát mồ hôi, quần áo bị ướt thì lại dễ mắc lạnh, viêm phổi.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý 4 vị trí "vàng" của trẻ cần đảm bảo giữ ấm là bụng, chân, tay, lưng. Cha mẹ chú ý đến cổ, quàng khăn, bịt khẩu trang cho con vì sợ con lạnh cổ, con hít phải khí lạnh dễ viêm họng nhưng áo ngắn, hở bụng, hở tay, chân thì trẻ cũng dễ bị ốm như thường".
Theo PGS Dũng, trời lạnh cha mẹ thường có thói quen giữ trẻ trong nhà kín gió, không cho ra ngoài. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D, giảm sức đề kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, PGS Dũng cũng lưu ý, cha mẹ để ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa lạnh, cho trẻ uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Mùa lạnh thường có virus tiêu chảy nên việc ăn uống cho trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, nóng sốt. Vệ sinh, rửa tay cho trẻ thường xuyên để tránh tay mang mầm bệnh.
Khi trẻ bị ho kéo dài thì cần đưa trẻ đi khám chứ không nên tự ý mua thuốc, mua kháng sinh cho trẻ về điều trị tại nhà. Nếu trẻ mắc cúm, nhiễm virus bị ho, sổ mũi mà cha mẹ lại dùng kháng sinh bệnh sẽ không khỏi mà còn nặng hơn. Chưa kể việc dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng thuốc, không đủ liều còn khiến trẻ dễ kháng kháng sinh, bệnh nhẹ cũng khó khỏi.