Dân Việt

Sau vụ hơn 900 gia súc một huyện chết rét: Xử lý người đứng đầu chính quyền cơ sở

Trần Hòe 16/01/2021 11:15 GMT+7
Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở nơi để xảy ra gia súc chết rét do chủ quan, thiếu trách nhiệm.

Liên quan đến thông tin hơn 900 gia súc tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị chết do rét, Chủ tịch UBND huyện A Lưới vừa chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở nơi để xảy ra thiệt hại do chủ quan, thiếu trách nhiệm.

Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện A Lưới vu yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết khí hậu; chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thông tin, hướng dẫn kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống.

Sau vụ hơn 900 gia súc một huyện chết rét: Xử lý người đứng đầu chính quyền thiếu trách nhiệm  - Ảnh 1.

Theo báo cáo, đã có 909 gia súc ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị chết do rét. Ảnh minh họa.

UBND các xã, thị trấn ở A Lưới cũng được yêu cầu chủ động bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Các địa phương này phải phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố chuồng trại để chống rét.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét; báo cáo tình hình gia súc chết rét cho huyện định kỳ vào sáng thứ sáu hàng tuần và đột xuất khi có tình hình đột biến xảy ra.

Người đứng đầu UBND huyện A Lưới cũng chỉ đạo Phòng NNPTNT thành lập các đoàn để kiểm tra việc triển khai của chính quyền cơ sở. Cơ quan này được yêu cầu tham mưu đề xuất UBND huyện xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở nơi để xảy ra thiệt hại do chủ quan, thiếu trách nhiệm.

Như tin đã đưa, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có công văn gửi tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lập các đoàn công tác để đánh giá hiện trạng, tìm nguyên nhân việc huyện A Lưới có hơn 900 con trâu, bò, dê chết vì giá lạnh.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng huyện A Lưới, trong đợt mưa rét giá lạnh vừa qua (chủ yếu từ giữa tháng 12/2020 đến nay), đã có 909 gia súc ở huyện bị chết do lạnh. Trong đó, có 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê.

Đây là con số thiệt hại rất lớn đối với tỉnh không nằm trong khu vực trọng điểm rét đậm, rét hại và còn lớn hơn tổng thiệt hại của các tỉnh miền núi phía Bắc.  

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh thành lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, về địa bàn huyện A Lưới, Nam Đông để đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân việc gia súc bị chết trong thời gian qua. Sở này cũng được chỉ đạo hướng dẫn thống kê thiệt hại theo đúng quy định; đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi.