Mạc Mậu Hợp là ông vua cuối cùng của triều đại nhà Mạc (giai đoạn đóng đô ở Thăng Long). Nắm quyền trong giai đoạn nhà Mạc suy yếu, Mạc Mậu Hợp trải qua nhiều biến cố đau thương. Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", năm 1578, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh, may mắn thoát chết nhưng bị liệt nửa người.
Mạc Mậu Hợp (1560-1592) lên ngôi khi mới 2 tuổi, khi cha là Mạc Tuyên Tông chẳng may mất sớm. Cùng Lê Nhân Tông, ông là vua lên ngôi trẻ nhất trong lịch sử.
Lên ngôi khi còn rất nhỏ, Mạc Mậu Hợp may mắn được chú họ Mạc Kính Điển (con thứ ba của vua Mạc Thái Tông) nhiếp chính, nhờ đó chính sự ổn định. Sau khi Mạc Kính Điển mất năm 1580, triều Mạc cũng suy yếu hẳn.
Sau khi bị sét đánh, năm 1581, Mậu Hợp bị chứng “thong manh”, mắt mờ không trông rõ. Sau khi các thầy thuốc giỏi chữa trị trong vài năm, mắt của ông bình phục.
Cuộc đời làm vua của Mạc Mậu Hợp là những tháng năm đánh nhau liên miên với quân Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy. Sau khi Mạc Kính Điển qua đời, Mạc Mậu Hợp liên tiếp bị quân Trịnh đánh bại, phải bỏ chạy.
Sau nhiều năm đánh nhau với nhà Trịnh, quân Mạc ngày càng thất thế, liên tiếp thất bại. Cuối năm 1592, Mạc Mậu Hợp đích thân dẫn quân đánh giặc nhưng thất bại. Bị truy lùng, ông phải cải trang thành nhà sư trốn ở chùa, nhưng cuối cùng vẫn bị quân Trịnh bắt được.
Sau khi rơi vào tay quân Trịnh, Mạc Mậu Hợp bị treo 3 ngày. Trịnh Tùng ra lệnh cho quân lính chém đầu Mạc Mậu Hợp ở bãi cát Bồ Đề, rồi đem thủ cấp dâng lên vua Lê Thế Tông ở Vạn Lại - Thanh Hóa. Con trai của ông là Mạc Toàn kế nghiệp nhưng cũng nhanh chóng bị quân Trịnh đánh bại.