Ông Lê Hồng Linh - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, chủ đầu tư dự án cống Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang cho biết, giữa tháng 2 tới, sẽ cho vận hành cống Cái Bé.
Việc vận hành cống Cái Bé giúp kiểm soát mặn hiệu quả ngay từ đầu mùa khô, còn cống Cái Lớn sẽ vận hành sau đó vài tháng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày này, các công nhân thực hiện công trình cống Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang đang tích tục gấp rút thi công. Có nhiều công nhân cho biết, nhiều tháng qua, họ đã thay phiên nhau làm việc cả ngày nghỉ và ban đêm.
Lúc cao điểm trên công trường có 600-700 người, trong đó ưu tiên các công việc ở cống Cái Bé. Theo Chủ đầu tư là BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, có lúc, công trình cống Cái Bé đến 100 công nhân làm việc.
"Chúng tôi nỗ lực hết mình để cống Cái Bé vận hành sớm nhất có thể để đưa vào hoạt động trong mùa khô này mặc dù kế hoạch cam kết thực hiện còn nhiều tháng nữa mới tới (theo quyết định phê duyệt đầu tư là hoàn thành trước ngày 31/12/2021 - PV)" - Ông Linh nói.
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đến kiểm tra việc triển khai xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Làm việc với ngành chức năng có liên quan, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá cao nỗ lực của BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, các nhà thầu cùng những công nhân trên công trình đã đẩy nhanh tiến độ, giúp cống Cái Bé vận hành được vào tháng 2 tới, đảm bảo việc ngăn mặn hiệu quả ngay từ đầu mùa khô.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệpcho biết: "Công trình Cái Lớn- Cái Bé về đích trước 10 tháng so với kế hoạch, trong đó cống Cái Bé đưa vào vận hành vào tháng 2. Khi cống Cái Bé vận hành, tỉnh Kiên Giang sẽ giảm được khoảng 150 đập tạm so với thời điểm chưa có công trình".
"Trong giai đoạn 1, dự án cống Cái Lớn - Cái Bé giúp chủ động kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, phục vụ sản xuất cho hơn 384.000ha. Trong giai đoạn 2, dự án Cái Lớn - Cái Bé sẽ có vùng hưởng lợi rộng hơn, có thể tới khu vực bán đảo Cà Mau" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Ông Lê Hồng Linh - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, Chủ đầu tư dự án cống Cái Lớn - Cái Bé cho biết, khi cống Cái Bé vận hành sẽ hỗ trợ kiểm soát mặn cho khoảng 20.000ha, chủ yếu là vùng trồng lúa và cây ăn trái của huyện Châu Thành (Kiên Giang). Lúc này, nhiều đập tạm trong nội đồng ở tỉnh Kiên Giang không phải đóng lại như nhiều năm qua và không làm ô nhiễm môi trường.