Sáng 20/1, hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội đồng loạt hiển thị chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở TNMT Hà Nội cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 155 - mức xấu, điển hình là các khu vực ở đường Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, Minh Khai, Thành Công…
Theo Tổng cục Môi trường, khi chất lượng không khí ở mức xấu, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe và nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho biết, trong tuần này, ô nhiễm tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc diễn biến rất nhanh.
"Nhiều người nghĩ ô nhiễm do thay đổi thời tiết nhưng đó chỉ là yếu tố khách quan, còn nguyên nhân chủ quan thì nguồn thải mới là nguyên nhân ô nhiễm chính. Mấy ngày nay, ở Hà Nội gió lặng không phát tán được bụi, hàng ngày bụi tích tụ khiến ô nhiễm thêm nặng", ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Tùng, có một số vấn đề gây ô nhiễm không khí như: việc kiểm soát nguồn thải, đường sá đông đúc, xe máy ô tô đổ hết ra đường, cơ sở sản xuất chạy đua ngày Tết khiến việc kiểm soát ô nhiễm có phần lơ là, dọn dẹp chỉnh trang thành phố, đốt rác, làm nồng độ bụi PM2.5 thải ra ngày càng nhiều...
"Với trường hợp ô nhiễm không khí như hiện tại, tôi khuyên người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ hạn chế ra đường. Theo thống kê tại một số cơ sở y tế, số người vào khám về hô hấp tăng 20%. Chúng ta phải tự bảo vệ sức khoẻ của mình. Trời ô nhiễm thì cân nhắc khi đi ra ngoài, trong nhà sắm thiết bị lọc không khí bảo vệ sức khoẻ. Đối với người dân đun nấu than tổ ong, hết sức cẩn thận vì không những nguy hại tới mình mà còn nguy hại tới người khác", ông Tùng khuyến cáo.