Người ta vẫn hay nói, đằng sau mỗi 1 người đàn ông vĩ đại luôn có bóng dáng của một người phụ nữ tuyệt vời. Câu nói này đặc biệt đúng trong trường hợp của Bột Nhi Thiếp, người vợ chính thức duy nhất của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập ra đế chế Mông Cổ.
Có thể nói, từ khi được hứa gả cho nhau vào năm lên 10 tuổi, cuộc đời của Bột Nhi Thiếp, về sau được truy phong danh hiệu là Quang Hiến Hoàng hậu luôn gắn liền với từng thất bại cũng như chiến thắng, cay đắng cũng như ngọt bùi của vị Hoàng đế này.
Nổi tiếng đa tình với vô số thê thiếp và con cái ở khắp nơi, vì sao Thành Cát Tư Hãn lại chỉ nhất nhất công nhận Bột Nhi Thiếp là người vợ duy nhất, hết sức yêu thương và nể trọng bà?
Bột Nhi Thiếp (còn gọi là Borte, 1161–1230) là một đại diện của Hoàng Cát Lạt, 1 tộc người Kazakh.
Theo lời ước hẹn của cha mẹ đôi bên, Bột Nhi Thiếp, con gái của 1 thủ lĩnh bộ tộc Hoàng Cát Lạt và Thiết Mộc Chân (Temujin - tên hồi đó của Thành Cát Tư Hãn), con trai của Dã Tốc Cai (Yesugei) từ gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân đã được đính ước từ năm lên 10.
Đến năm 16 tuổi, họ kết hôn với nhau và trở thành vợ chồng.
Không có nhiều thông tin nói về người vợ này của Thiết Mộc Chân. Thế nhưng, Bột Nhi Thiếp được mô tả là một cô gái xinh đẹp, thường mặc một chiếc váy lụa màu trắng, trên tóc được trang trí bởi những đồng tiền vàng lấp lánh.
Cưỡi trên lưng một con ngựa trắng, hình ảnh của Bột Nhi Thiếp hiện lên như một nữ thần, vừa mang vẻ đẹp thanh tao thoát tục, lại không kém phần mạnh mẽ, đầy sức quyến rũ.
Cũng như những phụ nữ Mông Cổ thời ấy, Bột Nhi Thiếp không chỉ biết cưỡi ngựa, mà còn biết bắn cung tên rất điệu nghệ chẳng kém gì đàn ông.
Sau khi Bột Nhi Thiếp và Thiết Mộc Chân lấy nhau không lâu, thì giữa các bộ tộc đã xảy ra chiến tranh, và bà đã bị bộ tộc Miệt Nhi Khất bắt đi. Với sự giúp đỡ từ một vài người bạn, Thiết Mộc Chân đã đem quân đi và giải cứu được vợ mình.
Trở về nhà một thời gian ngắn thì Bột Nhi Thiếp sinh ra người con cả là Truật Xích (Dzhuchi). Thế nên có người hồ nghi rằng Truật Xích không phải con đẻ của Thành Cát Tư Hãn.
Tuy nhiên, sử sách ghi lại rằng Thành Cát Tư Hãn không hề coi nặng việc này. Ông không bao giờ vì chuyện đó mà lạnh nhạt với vợ hay con trai.
Dù Truật Xích có là con đẻ của ai thì vẫn là con trai của ông, và vẫn được ông yêu quý cũng như truyền lại ngai vàng nếu như người con này không qua đời quá sớm.
Trân trọng một người phụ nữ là điều bình thường. Giang tay đón nhận một người phụ nữ rất có thể đã từng thất tiết với kẻ thù và luôn yêu thương con trai do người phụ nữ này sinh ra, dù có phải là con đẻ của mình hay không, quả là điều hiếm có, không phải bậc quân vương nào cũng có thể làm được.
Điều này cho thấy, đối với Thành Cát Tư Hãn, người vợ của ông có vị trí quan trọng đến mức nào. Và tất nhiên, chẳng có điều gì là ngẫu nhiên cả.
Bột Nhi Thiếp (sau được truy phong là Quang Hiến Hoàng hậu) đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của Thành Cát Tư Hãn.
Đầu tiên, bà sinh cho ông 4 người con trai là Dzhuchi (Truật Xích), Chagatai (Sát Hợp Đài), Ogedei (Oa Khoát Đài) và Tului (Đà Lôi). Điều này đặc biệt quan trọng với mỗi người đàn ông Mông Cổ sống vào thời Trung Cổ.
Tuy nhiên, nếu như các Hoàng hậu Trung Hoa thời xưa nổi tiếng với các thủ đoạn tranh sủng, những màn cung đấu hay tàn sát các tình địch thì ngược lại, Bột Nhi Thiếp không hề quan tâm đến các thê thiếp của Thành Cát Tư Hãn.
Bởi bà hiểu rằng, với một người đàn ông quyền lực, tài giỏi và đầy sự hấp dẫn như Thành Cát Tư Hãn, chuyện đó là không thể tránh khỏi. Chi bằng, hãy trở thành tri kỷ, cùng bầu bạn và hỗ trợ cho người ấy, mới là điều nên làm nhất.
Và đúng như vậy, trong suốt cả cuộc đời mình, vị tướng quân này luôn xin lời khuyên của vợ.
Với sự thận trọng, khôn ngoan cùng trí thông minh của mình, Bột Nhi Thiếp không chỉ là một người vợ, người mẹ, bà còn là một cố vấn quân sự khôn ngoan, quan trọng hàng đầu, là tiếng nói của lý trí của Thành Cát Tư Hãn.
Bà luôn là một ngôi sao dẫn đường, một chiếc mỏ neo đậu và là người bạn trung thành nhất của một trong những người đàn ông quyền lực nhất thế giới lúc bấy giờ.
Điều đáng nói là, Bột Nhi Thiếp luôn ủng hộ và hỗ trợ cho Thiết Mộc Chân trong những năm khó khăn, dù cho các thành viên trong bộ tộc của ông, bạn bè hay người thân có quay lưng lại với ông, hay khi ông đạt được những chiến thắng đầu tiên trước kẻ thù, trở thành người đứng đầu của Đế chế Mông Cổ.
Chính vì thế, không có bất kỳ người phụ nữ nào được ông đánh giá cao hơn bà. Cũng không có bất kỳ người đàn ông hay người phụ nữ nào xung quanh Thiết Mộc Chân nổi bật hơn Bột Nhi Thiếp.
Bà luôn là người phụ nữ được nể trọng nhất và có đóng góp quan trọng vào chiến thắng của vị Hoàng đế này. Trong các thời khắc quan trọng, những gợi ý và đề xuất của Bột Nhi Thiếp đã giúp chồng mình đưa ra quyết định đúng đắn.
Bột Nhi Thiếp chính là người đã khuyên chồng nên tách khỏi Jamukha (Trát Mộc Hợp), người bạn thân của Thiết Mộc Chân lúc đó khi các bộ lạc của Mông Cổ đang trên con đường thống nhất.
Cả Trát Mộc Hợp và Thiết Mộc Chân đều cố gắng tận dụng tình hình để có được lợi thế. Bột Nhi Thiếp đã nhận ra điều này và sau đó, Thiết Mộc Chân cũng đã nghe theo bà, do đó bảo toàn được mạng sống và hiện thực hóa giấc mộng thống nhất các bộ lạc.
Có thể nói, Bột Nhi Thiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự trưởng thành từ cậu thanh niên trẻ Thiết Mộc Chân tới người đứng đầu Đế chế Mông Cổ hùng mạnh Thành Cát Tư Hãn cũng như có sức ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ sự thống nhất của Đế chế Mông Cổ.
Giúp chồng thống nhất đất nước, nuôi dạy 4 người con trưởng thành, cuộc đời của Bột Nhi Thiếp vừa vĩ đại, vừa bi thương. Bà đã phải chứng kiến cái chết của chồng và người con trai cả Truật Xích trong cùng một năm, vào năm 1227. Ba năm sau, bà cũng qua đời.