Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Được biết, năm 1993, gia đình bà Duyên được UBND xã Đại Hợp chia 6 thửa đất nông nghiệp, trong đó có thửa đất diện tích 598m2 bám sát theo mặt đường chính của thôn Cồn Mục. Năm 1995, gia đình bà Duyên được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với 6 thửa đất nói trên.
Năm 2003 - 2004, thực hiện chỉ đạo của UBND xã, Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến, thôn Quần Mục, xã Đại Hợp có tổ chức họp với các hộ dân về phương án dồn điền đổi thửa thông qua việc chuyển đổi vị trí các thửa đất phù hợp với thực tế nhằm mục đích giảm các thửa ruộng.
Anh Đồng Quang Điển (con trai bà Mai Thị Duyên) cho biết, tại cuộc họp nói trên gia đình anh có đồng ý về chủ trương dồn điền đổi thửa của nhà nước.
Tuy nhiên, sau đó, khi triển khai thực hiện, gia đình anh được thôn giao cho vị trí mới không phù hợp với mục đích đồn điền đổi thửa, ruộng vẫn ở xa nhau, khó khăn trong quá trình canh tác nên gia đình anh không đồng ý phương án dồn đổi, vẫn giữ lại vị trí ruộng như cũ, trong đó có thửa 598m2 bám sát theo mặt đường chính của thôn Cồn Mục.
Gia đình anh vẫn canh tác trên thửa ruộng trên, không ký bất kỳ văn bản bàn giao nào cho chính quyền địa phương thửa đất đó. Bất ngờ, năm 2010, có người xuất hiện nhận đất để làm nhà trên đất ruộng của gia đình. Lúc đó, gia đình anh mới biết, thửa đất của gia đình đã bị biến thành đất ở, được UBND huyện bán đấu giá.
Bà Mai Thị Duyên đã làm đơn gửi UBND xã để đòi lại ruộng, nhưng UBND xã Đại Hợp lại giao cho gia đình bà diện tích đất nông nghiệp ở vị trí xa, khó canh tác nên gia đình bà chưa đồng ý.
Gần đây, gia đình bà Duyên phát hiện một tổ thợ xây tập kết gạch, cát, xi măng để xây dựng công trình trên diện tích đất nói trên. Đại diện gia đình bà Duyên ra ngăn cản, thì những người này nói họ chỉ làm thuê cho một gia đình được cấp giấy chứng nhận đất ở.
Anh Điển trình bày, từ khi được giao đất nông nghiệp đến nay, gia đình anh chưa hề nhận được bất cứ văn bản hay thông báo nào của chính quyền địa phương về việc thu hồi diện tích đất trên để cấp đất ở cho công dân và gia đình anh cũng chưa hề nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để cấp đất cho người khác.
Trả lời văn bản đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến trình tự thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Đại Hợp có liên quan đến thửa đất của gia đình bà Mai Thị Duyên, UBND huyện Kiến Thụy cho rằng, diện tích đất nông nghiệp của gia đình bà Duyên tại đường chính của thôn Cồn Mục sau khi dồn đổi đã được quy hoạch vào quỹ đất công ích phục vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở, đồng thời xã đã giao đất nông nghiệp cho gia đình bà Duyên sang vị trí khác.
Không nhắc đến vấn đề bồi thường
PV Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã liên hệ làm việc với UBND huyện Kiến Thụy để có thông tin đa chiều. UBND huyện Kiến Thụy đã có văn bản trả lời Văn phòng đại diện TP.Hải Phòng thuộc Báo Nông thôn Ngày nay.
Theo công văn, UBND huyện cho rằng, diện tích đất nông nghiệp của gia đình bà Duyên giáp đường trục của thôn đã được đổi sang vị trí khác từ năm 2004 để quy hoạch vào quỹ đất công ích phục vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở.
Năm 2010, thực hiện quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 5/7/2010 của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất huyện Kiến Thụy; quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 28/9/2010 của UBND huyện Kiến Thụy về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng sử dụng khu đất đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở năm 2010 trên địa bàn xã Đại Hợp, UBND huyện có quyết định số 2400/QĐ-UBND ngày 19/10/2010 về việc thu hồi đất để thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở trên địa bàn xã Đại Hợp, với tổng diện tích đất 6.140,9m2.
Tuy nhiên văn bản không giải thích rõ việc gia đình bà Duyên đã nhận diện tích đất chuyển đổi hay chưa. Diện tích đất nông nghiệp trước đây được giao cho gia đình bà Duyên đã bàn giao lại cho xã quản lý hay chưa.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đồng Xuân Tiến - Chủ tịch UBND xã Đại Hợp phân trần, việc dồn điền đổi thửa trước đây do UBND xã giao cho các thôn trực tiếp thực hiện họp bàn với dân. Tuy nhiên, khi PV hỏi biên bản các cuộc họp thì UBND xã không cung cấp được.
Bằng chứng duy nhất mà UBND xã báo cáo huyện và cung cấp cho PV để khẳng định việc gia đình bà Duyên đã đồng ý phương án dồn điền đổi thửa là tờ đơn xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ngày 15/12/2004 có chữ ký của ông Đồng Quang Dương (chồng bà Duyên) và anh Đồng Quang Hiệu (con trai bà Duyên).
Tuy nhiên, gia đình bà Duyên khẳng định đó không phải là các chữ ký của ông Dương và anh Hiệu.
"Gia đình tôi chưa bao giờ ký đơn xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Các thửa đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 1995 (hiện gia đình vẫn đang giữ) và trên thực địa vẫn giữ nguyên vị trí từ trước đến nay, chưa có sự thay đổi nào. Gia đình tôi vẫn sử dụng để sản xuất nông nghiệp suốt từ khi được giao năm 1993 cho đến nay"- anh Đồng Quang Điển khẳng định.
Làm rõ chữ ký trong đơn xin cấp lại quyền sử dụng đất
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Phạm Sơn, thời điểm thực hiện dồn điền, đổi thửa diện tích đất nông nghiệp tại địa phương này năm 2004 đã áp dụng Luật Đất đai năm 2003; Nghị định số 181 ngày 29/10/2004; Thông tư số 01/2005 ngày 13/4/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Nghị định số 181/2004.
"Theo đó, trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất trồng lúa của cá nhân, hộ gia đình để thực hiện dồn điền đổi thửa đồng thời cấp đổi Giấy CNQSD mới cho người sử dụng đất rất chặt chẽ. Trong trường hợp gia đình bà Duyên nghi ngờ chữ ký tại đơn xin cấp lại quyền sử dụng đất nông nghiệp là giả, gia đình có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật" - luật sư Phạm Sơn cho biết.
Đại diện gia đình bà Mai Thị Duyên cho biết, gia đình đã làm đơn kiến nghị nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Gia đình sẽ cân nhắc việc làm đơn tố cáo dấu hiệu giả mạo chữ ký trong đơn xin cấp lại quyền sử dụng đất nông nghiệp.