Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan mật tụy Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nữ bệnh nhân T.T.X.T (sinh năm 1985, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng bụng to, không đau, không có triệu chứng lạ.
Bệnh nhân cho biết, khoảng 1 năm trước, bệnh nhân bắt đầu thấy bụng trên to dần, nghĩ béo bụng, mập lên nên không để ý, chỉ tìm cách tập thể dục, dùng băng quấn giảm cân. Đến khi gia đình phát hiện bụng ngày càng to nên đưa bệnh nhân đi khám.
Kết quả chụp CT Scan cho thấy, bệnh nhân có một khối u rất to, chiếm hết phần bụng, có dấu hiệu hoại tử. Khối u đã chèn ép tĩnh mạch gan, tĩnh mạch cửa…, chẩn đoán khối u phần đầu tụy khổng lồ và có chỉ định mổ.
BS Mỹ cho biết: "Bình thường khi mổ u đầu tụy, bác sĩ chỉ cần rạch khoảng 15cm nhưng với bệnh nhân này, phải mở rộng vết mổ đến 25cm mới tiếp cận để bóc tách được khối u.
Khối u quá lớn, xâm lấn và dính hàng loạt mạch máu lớn như tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch, động mạch mạc treo tràng trên nên rất khó khăn khi bóc tách.
Sau 10 tiếng phẫu thuật (các ca mổ u đầu tụy khác chỉ kéo dài khoảng 4 tiếng) mới đưa được khối u ra ngoài. Đây là khối u khổng lồ, kích thước 20cm, nặng 2,2kg, là khối u to nhất từ trước đến nay".
Theo BS Mỹ, u đầu tụy rất hiếm gặp, khối u to đến 20cm, nặng 2,2kg là chưa từng được ghi nhận trong y văn. Các khối u to nhất từ trước đến nay chỉ trong khoảng 1,1 – 1,2kg.
15 ngày sau mổ, bệnh nhân hoàn toàn bình phục, mặc dù phải cắt phần đầu và một phần thân tụy nhưng không có biến chứng kèm theo. Giải phẫu bước đầu cho thấy đây là bướu cơ trơn, một dạng bướu mô đệm đường tiêu hóa.
BS Mỹ cho biết, u bướu vùng tụy thường khó phát hiện vì hầu như không có triệu chứng, đa phần được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám sức khỏe hoặc khám các bệnh lý khác. Đa số u vùng tụy là u ác tính nhưng thường bị chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh khác như viêm gan (do có dấu hiệu vàng da), viêm dạ dày (dấu hiệu đau bụng, đau thượng vị), trĩ…
Hầu hết bệnh nhân bị u vùng tụy thường đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn, chèn ép các cơ quan nội tạng. Như trong trường hợp bệnh nhân này, khối u đã xâm lấn rất nhiều mạch máu, nếu để lâu nữa sẽ xâm lấn đến động mạch gan, cuống gan… Mức độ xâm lấn càng nhiều thì khả năng điều trị càng thấp, thậm chí không thể phẫu thuật.