Theo đó, ngày 24-1-2021 là mốc thời gian đánh dấu lần thứ ba cộng đồng quốc tế hưởng ứng Ngày Quốc tế Giáo dục, theo tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12-2018. Theo UNESCO, ngày Quốc tế Giáo dục năm nay là một cơ hội tốt để cùng nhìn nhận lại giáo dục và vai trò của giáo dục hướng tới một thế giới hậu Covid-19. Đồng thời, đây cũng là dịp tái khẳng định giáo dục là một quyền cơ bản của con người, cần được chung tay bảo vệ.
Tại Việt Nam, giáo dục luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển đất nước. Nước ta đã và đang nỗ lực duy trì 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tích hợp các nội dung liên quan đến phát triển bền vững và công dân toàn cầu trong dạy và học. Đặc biệt, trong thập kỷ cuối cùng để triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, giáo dục sẽ đóng vai trò trọng yếu cho sự phát triển một cách hài hòa trên các phương diện kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường của Việt Nam.
Học sinh dân tộc thiểu số tham gia lớp tập huấn trong dự án về giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số của UNESCO. |
Về kinh tế, việc nâng cao chất lượng và năng suất của lực lượng lao động là nền tảng quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và thu hẹp khoảng cách thu nhập với các nước phát triển hơn. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình này, cần bảo đảm cơ hội học tập cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, các cộng đồng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư...
Về văn hóa-xã hội, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú với 54 dân tộc cùng chung sống. Để văn hóa đóng góp một cách sâu rộng hơn vào sự phát triển của đất nước, cần thúc đẩy nội dung đa dạng văn hóa và tính đa ngôn ngữ trong giáo dục, từ đó tăng cường sự thấu hiểu liên văn hóa của người dân Việt Nam và gián tiếp tăng khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm cho các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Về môi trường, giáo dục có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, có những sáng kiến đổi mới mang tới tác động tích cực, vượt qua những thách thức về môi trường mà Việt Nam và cả thế giới đang phải đối mặt. Giáo dục cần gắn kết một cách tổng thể nội dung phát triển bền vững trong nội dung học tập, phương pháp sư phạm và môi trường giáo dục.