Ngày 26/1, tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 15 ngày ra quân tăng cường kiểm tra, xác minh, xử lý "xe dù", "xe ké", xe trá hình vận chuyển khách, lực lượng của đơn vị đã xác minh, phát hiện 323 phương tiện nghi vấn hoạt động xe xe dù, xe ké, xe trá hình. Trong đó, riêng tuyến Huế- Đà Nẵng có khoảng 200 phương tiện hoạt động. Lực lượng công an cũng phát hiện có 64 group trên mạng xã hội ở địa bàn tỉnh đăng tin bài liên quan đến hoạt động "xe đi ké".
Qua kiểm tra, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 883 ô tô vi phạm quy định pháp luật về giao thông, trong đó đã phát hiện, xử lý 24 trường hợp vi phạm liên quan "xe ké"… Ngoài ra, triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành, các lực lượng liên quan đã phát hiện 15 trường hợp vi phạm không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có hợp đồng vận chuyển…
Điển hình, ngày 9/1 vừa qua, tại km 859 + 100 quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc), tổ công tác của Trạm CSGT Phú Lộc phát hiện, lập biên bản xử lý xe ô tô biển số 75A-16.xxx do tài xế Lê Văn T (trú tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) điều khiển về hành vi "điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng gom khách".
Trước đó, vào ngày 4/1, tại km855 quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Lộc Điền, lực lượng CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý xe ô tô biển số 75A-15.xxx do tài xế Nguyễn Văn K (trú tại thị xã Hương Thủy) điều khiển về hành vi "điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng gom khách, không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường".
Cả hai phương tiện nói trên đều hoạt động theo kiểu "xe dù", "xe ké", xe trá hình, vi phạm tại điểm n, khoản 5, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tại TP.Huế, sau 1 tháng triển khai cao điểm, Công an TP.Huế đã xác minh 71 trường hợp chủ phương tiện kinh doanh vận tải trái phép hoặc có nghi vấn hoạt động không hợp pháp, trá hình trên địa bàn. Lực lượng CSGT Công an TP.Huế đã phát hiện, xử lý 22 trường hợp; phối hợp tổ công tác kiểm tra liên ngành phát hiện, xử lý 17 trường hợp xe trá hình, núp bóng xe hợp đồng tour, tuyến. Các xe này vi phạm với các lỗi: Không có lệnh vận chuyển, không hợp đồng, gom khách, chạy sai tuyến… Cơ quan công an đã tổ chức cho 52 trường hợp ký cam đoan, cam kết.
Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ- Đội trưởng Đội CSGT-trật tự Công an TP.Huế cho biết: Thời điểm giáp Tết, các phương tiện ô tô hoạt động trá hình, núp bóng xe hợp đồng tour, tuyến để vận chuyển hành khách có xu hướng tăng lên. Việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm thường gặp khó khăn do các tài xế luôn tìm cách lách luật như trả khách đến tận nơi mới thu tiền; vận chuyển khách có thu phí nhưng khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra thì lập tức tìm ngã rẽ, thả toàn bộ hành khách xuống xe hoặc nhận là chở người nhà.
Bên cạnh đó, nhiều lái xe khách còn thông tin móc nối với các lái xe ôm, cò mồi theo dõi lực lượng CSGT, tìm hiểu vị trí, tuyến tuần tra kiểm soát để báo cho xe khách thay đổi lộ trình, tránh bị kiểm tra, xử phạt… Nhiều người dân khi được lực lượng chức năng hỏi đến thì cũng tìm cách bao che cho các lái xe, điều này đã gây khó khăn cho lực lượng công an trong xác minh, xử lý.
Như tin đã đưa, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa ban hành chỉ thị về việc lập lại trật tự vận tải hành khách tuyến Huế - Đà nẵng và ngược lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tiến hành tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị và mọi người dân trên địa bàn tỉnh không tham gia, không sử dụng dịch vụ "xe dù", "xe ké", xe hoạt động trái quy định khi đi công tác, học tập, du lịch từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại. Người dân được vận động chỉ đi lại bằng các phương tiện của các đơn vị vận tải hợp pháp tại các bến xe.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương phối hợp các lực lượng liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vận tải hành khách trá hình như "xe dù, bến cóc", xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe du lịch, xe đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.
Sở GTVT tỉnh được yêu cầu chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe và các phương tiện tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi xe.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã và thành phố ở tỉnh tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, nắm rõ các tổ chức, cá nhân có phương tiện chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe công nghệ đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định tại địa phương…
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe.
Những nhà xe này sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng như: Bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành; nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng.
Tình trạng xe chở khách núp bóng xe hợp đồng và xe du lịch, tổ chức bán vé đặt chỗ qua mạng và đón, trả khách trái quy định làm mất trật tự trong hoạt động vận tải hành khách của tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà nẵng và ngược lại. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, quyền lợi của hành khách đi xe bị xâm phạm vì không có bảo hiểm khi xảy ra sự cố.
Đặc biệt, hiện nay tình hình dịch Covid -19 đang có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương, các phương tiện kinh doanh vận tải trái pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid - 19 do các phương tiện này không được quản lý, giám sát hành trình, không có đăng ký với cơ quan chức năng…