Dân Việt

Đại sứ EU tại ASEAN: Không được chính trị hóa vaccine Covid-19

Vĩnh Nguyên 30/01/2021 10:40 GMT+7
Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesman khẳng định cần có cách tiếp cận đa phương về vấn đề vaccine phòng Covid-19. EU sẽ tham gia cung cấp vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có ASEAN và Việt Nam.

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 29/1 về quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN, Đại sứ Driesman cho biết, ông có 4 mong muốn cho quan hệ đối tác EU – ASEAN trong năm 2021: Tham gia mang đến vaccine Covid-19 hiệu quả và an toàn; hợp tác chống biến đổi khí hậu; tạo thêm động lực mới cho trật tự quốc tế đa phương dựa trên luật lệ; hoàn thành hiệp định vận chuyển hàng không song phương.

EU và ASEAN nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược tháng 12/2020. Nó có ý nghĩa nhấn mạnh cam kết chính trị của hai bên về thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn  trong các lĩnh vực đã có và sẵn sàng mở rộng sang các lĩnh vực mới, đồng thời cho thấy hai bên cam kết sẽ tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh thường xuyên.

EU sẽ cung cấp vaccine cho ASEAN

Về vấn đề đang gây tranh cãi, liệu vaccine có được sử dung một cách bình đẳng và có bị lợi dụng vì mục đích chính trị không, Đại sứ Driesman nhấn mạnh: "Chính sách và thông điệp của EU là không ai được an toàn cho tới khi tất cả mọi người được an toàn. Không nước nào, khu vực nào tổ chức nào, nhóm người nào có thể bị bất lợi hay bị ngăn cản tiếp cận bình đẳng với các vaccine an toàn và hiệu quả".

Đại sứ EU tại ASEAN: Không được chính trị hóa vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesman.

EU ủng hộ mạnh mẽ cho "Giải pháp tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu" (COVAX Facility) cho các nước thu nhập thấp và trung bình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra về tiếp cận bình đẳng vaccine trên khắp thế giới. Đã có 92 quốc gia tham gia sáng kiến COVAX facility này trong đó có các quốc gia ASEAN bao gồm cả Việt Nam. 

Theo Đại sứ Driesman, Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên đã cam kết ủng hộ khoảng 1 tỷ Euro mua và chuyển giao vaccine cho sáng kiến trên, tương đương khoảng một nửa nhu cầu cần thiết cho sáng kiến. Hôm 22/1 EU đã ký mua vaccine Pfizer Biotech của Mỹ đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp, chuyến đầu tiên sẽ được chuyển giao trong tháng tới. Một khi được tài trợ đầy đủ, sáng kiến sẽ giúp 92 nước thu nhập thấp và trung bình đảm bảo có 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021.

Hiện sáng kiến đang triển khai không có thách thức gì – Đại sứ Driesman cho biết. Chuyên gia y tế EU và ASEAN đã có các cuộc đối thoại về việc cấp phép, cung cấp, hậu cần trong vấn đề tiêm chủng vaccine Covid-19 từ tháng 12.2020 và sẽ nối lại sớm. EU cũng cung cấp 800 triệu euro tăng cường năng lực, tăng khả năng nghiên cứu, phục hồi kinh tế cho các nước trong khu vực ASEAN.

Ông nhấn mạnh: Cần phải có sự hợp tác về vaccine Covid-19, phải theo đuổi chủ nghĩa đa phương về vaccine này chứ không phải chủ nghĩa đơn phương. Giờ không phải lúc cho trò chơi địa chính trị về vaccine.

Ông cho biết, EU đã ký thỏa thuận mua trước hàng triệu liều vaccine nhiều hơn nhu cầu của châu lục, đó là vì từ mùa hè năm 2020 chưa có gì chắc chắn về kết quả nghiên cứu của các công ty, vaccine nào sẽ hiệu quả và an toàn. Vì thế EU ký thỏa thuận với nhiều công ty về mua trước số vaccine đủ cho toàn bộ người dân EU.

Kêu gọi kết thúc đàm phán COC ASEAN - Trung Quốc

Về an ninh, EU muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và sự tôn trọng luật lệ quốc tế, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. "EU có lợi lớn từ sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông - một tuyến đường chiến lược với thương mại. 40% hàng hóa toàn cầu đi qua đây. Chúng tôi lo lắng về những hành động đơn phương hay hành động quân sự làm tổn hại cho môi trường hòa bình ở Biển Đông" - Đại sứ Driesman nói khi trả lời câu hỏi của Dân Việt về vấn đề này.  

"Vì vậy chúng tôi kêu gọi sự minh bạch và sớm kết thúc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu quả và có tính ràng buộc, chúng tôi kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982". 

Đại sứ cho biết, trong năm nay EU và ASEAN sẽ tổ chức đối thoại cấp cao về an ninh hàng hải.

Đại sứ khẳng định, EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Một ASEAN mạnh có lợi cho EU về chính trị và địa chính trị vì giúp cân bằng quyền lực trong khu vực, và có lợi về kinh tế, vì ASEAN phát triển không chỉ tốt cho ASEAN và người dân trong khu vực mà còn cả với Châu Âu.

Đại sứ Driesman còn khẳng định Việt Nam đã rất xuất sắc trong việc dẫn dắt ASEAN trong năm xảy ra Covid-19, rất linnh hoạt trong thích ứng với cuộc khủng hoảng Covid-19. Ngay từ tháng 4/2020 Việt Nam đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN để các nhà lãnh đạo thảo luận về Covid. Việt Nam cũng rất tham vọng khi thúc đẩy thông qua hơn 80 văn kiện trong năm Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cũng rất xuất sắc trong việc ngăn chặn Covid-19.

Đại sứ cũng hoan nghênh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác, được ký tại Hà Nội tháng 11/2020. Đại sứ cho rằng RCEP tốt cho ASEAN khi ASEAN là động lực trong đàm phán RCEP và RCEP đặt ASEAN trong trung tâm. Hiệp định cũng thúc đẩy thương mại tuân thủ luật lệ trên toàn cầu, tạo điều kiện cho thương mại tự do và rộng mở.