Địa điểm du lịch Thung lũng hoa Hồ Tây vốn khá đông người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ngay khi có thông tin dịch Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội, điểm đến này đón khách thưa thớt.
Anh Bùi Mạnh Hiếu, chủ nhân của điểm du lịch Thung lũng hoa Hồ Tây (quận Tây Hồ) cho biết, những ngày này, lượng khách đến Thung lũng hoa Hồ Tây gần như không có do tâm lý lo ngại dịch và nhiều gia đình bận việc cuối năm, lo đón Tết. Vì thế, Anh Bùi Mạnh Hiếu quyết định tạm đóng cửa Thung lũng hoa Hồ Tây từ ngày 1/2.
"Thung lũng hoa Hồ Tây có khuôn viên rộng, bảo đảm giãn cách, không tập trung đông người. Đơn vị quản lý Thung lũng hoa Hồ Tây cũng cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn tay cho du khách ngay từ cổng vào. Tuy nhiên, để bảo đảm phòng, chống dịch cũng như để tránh thiệt hại kinh tế do dịch, chúng tôi sẽ dừng đón khách từ ngày 1-2 và mở cửa khi thích hợp", anh Bùi Mạnh Hiếu cho biết.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công viên nước Hồ Tây Nghiêm Thị Hồng Hạnh cho biết, công viên tạm dừng họat động từ ngày 30/1 đến 11/2 để thực hiện bảo dưỡng, trang trí cảnh quan, đồng thời để bảo đảm phòng, chống dịch trong tình hình mới.
"Tình hình dịch cũng đang diễn biến phức tạp nên Ban Giám đốc quyết định đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chuẩn bị đón khách khi thích hợp. Nếu diễn biến dịch được kiểm soát tốt thì Công viên nước Hồ Tây sẽ mở cửa đón khách trở lại vào ngày mùng 1 Tết (tức ngày 11/2) để phục vụ người dân và du khách", bà Nghiêm Thị Hồng Hạnh nói.
Tuyến xe buýt du lịch 2 tầng "Ha Noi city tour" những ngày này gần như không có khách. Phó Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Yên Viên (Thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) - đơn vị vận hành tuyến xe du lịch, Nguyễn Viết Hưng cho biết, ngày cuối năm du khách đi xe buýt 2 tầng rất ít, nay lại thêm tâm lý lo ngại dịch Covid-19, cả ngày gần như không có khách. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì hoạt động nhưng khá cầm chừng.
"Đơn vị chỉ đưa 1-2 xe để phục vụ người dân và du khách nhưng lượng khách khá vắng. Chúng tôi vẫn thường xuyên vệ sinh xe, cung cấp dung dịch sát khuẩn cho du khách. Lái xe bắt buộc đeo khẩu trang", ông Nguyễn Viết Hưng nói.
Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), được cho là địa điểm du lịch của tuyến du lịch Hà Nội và cũng là nơi thường diễn ra hoạt động mua bán sôi động vào dịp cuối năm, những ngày này trở nên thưa thớt khách. Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều gia đình đã chủ động dừng đón khách. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, trước đó khoảng 2 tuần, lượng khách đến Bát Tràng để mua sắm để chuẩn bị đón Tết khá đông. Tuy nhiên, ngay khi có thông tin dịch Covid-19 xuất hiện tại một số điểm của Hà Nội, lượng khách đến Bát Tràng giảm.
"UBND xã Bát Tràng yêu cầu các điểm đón khách đoàn dừng đón khách để bảo đảm giãn cách, chỉ đón những khách lẻ. Các gia đình kinh doanh được yêu cầu phải bảo đảm đo nhiệt độ, cung cấp dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho du khách. Người bán hàng phải đeo khẩu trang. Tại các chợ quê truyền thống, chợ gốm du khách được yêu cầu đeo khẩu trang", ông Phạm Huy Khôi cho biết.
Tại làng cổ Đường Lâm, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được nâng mức cảnh báo. Phó Ban quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An thông tin, các hoạt động Tết dự định tổ chức vào ngày 30/1 đã tạm hoãn.
Hiện nay, các hộ làm du lịch cộng đồng trong làng vẫn tổ chức đón khách, nhưng các hộ gia đình đều được tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách như vệ sinh thường xuyên cơ sở lưu trú, cung cấp dung dịch sát khuẩn và cung cấp khẩu trang cho du khách.
Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các điểm đến, cơ cở lưu trú trên địa bàn Hà Nội phải bảo đảm nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho du khách. Tất cả các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch theo tinh thần 5K "Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tập trung đông người".