Chống dịch Covid-19: Chiến thắng ít ai làm nổi
"Là cán bộ ngoại giao đang công tác ở nước ngoài, tôi thấy rõ ràng vị thế, hình ảnh của Việt Nam được gia tăng mạnh mẽ" - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nói với Báo NTNN. "Thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 là điểm sáng nổi bật. Có chính trị gia Ấn Độ mà tôi gặp đã ví chiến thắng của mình như thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến trước đây, một thắng lợi ghê gớm, không ai làm nổi. Đó là một so sánh rất đáng kể. Nhiều cường quốc vẫn bị Covid-19 hoành hành, rồi phong tỏa, đóng cửa, trong khi đó ở Việt Nam người dân vẫn có thể đến sân vận động xem đá bóng, đến nhà hát nghe hòa nhạc…".
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London công bố báo cáo hàng năm với dự báo đến 2035, Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, vượt qua Thái Lan và Đài Loan.
Nhờ khống chế được đại dịch sớm mà Việt Nam có cơ hội khôi phục kinh tế. "Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế thì chuyên gia Ấn Độ mới vào" - Đại sứ Sanh Châu nhắc đến chuyến bay đặc biệt đưa chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam cuối tháng 12/2020. "Covid-19 khiến nước nào cũng thiệt thòi, nhưng tính tổng lại, so với các nước thì mình lại nổi trội. Tôi nói với các quan chức Ấn Độ rằng đến giờ Việt Nam mới có khoảng 1.500 người mắc Covid-19, họ nói rằng con số đó chỉ bằng số người nhiễm mỗi giờ ở Ấn Độ vào những thời điểm nhất định. Chính trong năm qua Việt Nam đã vượt Singapore và Malaysia về quy mô nền kinh tế".
Quả thực "trong nguy có cơ", Covid-19 đã là cơ hội để Việt Nam thể hiện mình. Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, ngay từ những ngày Hà Nội thực hiện cách ly xa hội hồi tháng 4/2020, bày tỏ với phóng viên Báo NTNN: Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) khi đi vào thực thi sẽ đem lại nguồn năng lượng mới sau dịch Covid-19… Và thực tế đã chứng minh, cho dù dịch vẫn diễn ra, nhưng chỉ 5 tháng sau khi EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Đại sứ Aliberti cũng nhận định: "Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã rất hiệu quả trong việc cố gắng kiềm chế sự lây lan của virus. Việt Nam đã hành động nhanh chóng ngay từ làn sóng đầu tiên và là một trong những quốc gia đầu tiên hành động mạnh mẽ như vậy, mà tôi cho rằng làm vậy là đúng".
Ông Trịnh Minh Mạnh - người vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Kuwait vào tháng 12/2020, cho biết: "Năm qua, khi tôi tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait, các quan chức chính phủ nước này, họ đều bày tỏ sự nể phục với Việt Nam vì chúng ta là một trong số ít nước thành công trong việc khống chế Covid-19, dù ngay ở cạnh Trung Quốc. Và họ bày tỏ mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam". Đại sứ Mạnh đã lên truyền hình, trả lời báo chí nước này để thông tin về những kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch.
Ông tiết lộ thêm: Năm qua, qua đường dây nóng của Đại sứ quán, người dân gọi đến rất nhiều để hỏi khi nào Việt Nam mở cửa cho du khách. Họ biết Việt Nam chống dịch rất tốt, và hỏi tại sao tốt thế mà vẫn chưa mở cửa. Du khách Kuwait sang Việt Nam năm 2018 tăng 25% so với năm 2017, và đến 2018 tăng 60% so với năm trước đó, năm 2019 tăng gấp đôi so với 2017. Họ hỏi rất nhiều thông tin về Việt Nam, khi biết rằng đến Việt Nam là an toàn cả về an ninh và trong phòng chống dịch Covid-19". Trên Instagram của mình, Đại sứ Trịnh Minh Mạnh thường xuyên đưa những hình ảnh Việt Nam, quảng bá du lịch và đất nước Việt Nam, bởi Kuwait là thị trường khách du lịch cực kỳ tiềm năng, mỗi năm 4,7 triệu người dân nước này chi tới 13 tỷ USD cho du lịch.
Chủ động, tham gia định hình các vấn đề thế giới
"Ở Kuwait, người dân và chính giới nước này cũng đánh giá cao việc Việt Nam hoàn thành dẫn dắt ASEAN qua một năm "sóng gió", chủ trì điều hành các cuộc họp qua hình thức trực tuyến, thể hiện sự sáng tạo, phản ứng nhanh của Việt Nam. Ở Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng đưa ra những sáng kiến kịp thời" - Đại sứ Trịnh Minh Mạnh cho biết, và khẳng định thêm. Vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế ngày càng được coi trọng.
Tương tự, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Ấn Độ rất quan tâm đến ASEAN và thực sự coi trọng vai trò của Việt Nam trong chính sách Hướng Đông của họ, nhất là trong năm qua Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Vị thế Việt Nam được ghi nhận không chỉ từ các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, mà cả nhà ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. "Việt Nam là một quốc gia năng động với sự phát triển đáng kể cả về kinh tế và vai trò trong cộng đồng quốc tế" - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Krittenbrink đánh giá khi trả lời phỏng vấn của Báo NTNN. "Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ca ngợi Việt Nam vì những nỗ lực triệu tập các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác đối thoại trong thời điểm chưa từng có tiền lệ này".
"Tất nhiên, để hoàn thành xuất sắc các chức trách trong các tổ chức đa phương, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng với sự tham gia của tất cả các ngành các cấp. Với ASEAN, việc chuẩn bị của Việt Nam diễn ra trong suốt cả năm 2019" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Ở Liên Hợp Quốc, Việt Nam đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020), và trong cả năm đã tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng trong các tranh chấp xung đột. Việt Nam đã để lại dấu ấn riêng, như lần đầu tiên thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương Liên Hợp Quốc, tổ chức đối thoại ASEAN – Liên Hợp Quốc, và nhất là thúc đẩy sáng kiến đưa ra Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh đầu tiên trên thế giới vào 27/12.
Điều đó thể hiện một Việt Nam chủ động, tham gia định hình các vấn đề thế giới, các sân chơi đa phương, mà một ví dụ nữa có thể thấy rất rõ là Việt Nam đã thúc đẩy để thông qua được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 thành viên ASEAN và 5 đối tác. Nếu các hoạt động đối ngoại của Việt Nam không đi vào thực chất, những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam không linh hoạt, chân thành, làm sao có thể đạt được những thành tựu đó sau cả chặng đường dài các nước đã đàm phán mà không mang lại kết quả, cho tới khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN?
Những dự báo tích cực
Năm qua, không chỉ bài hát Ghen Covy của một nhóm nghệ sĩ Việt Nam trở nên hot trên truyền thông quốc tế, được kênh truyền hình Mỹ CNN giới thiệu, mà cái tên Việt Nam với âm hưởng tích cực chưa từng có cũng được nhắc đi nhắc lại: Quốc gia năng động, ngôi sao đang lên, phép màu châu Á...
Nhiều tổ chức, tập đoàn nghiên cứu, công ty tư vấn chiến lược quốc tế có những đánh giá rất triển vọng về Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cập nhật GDP đánh giá lại của Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Qua đó, Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á (329,5 tỷ USD 2019), bình quân đầu người vượt qua Philippines, thu nhập quốc dân GNI = 95,42% GDP.
Liên Hợp Quốc nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam lên mức cao (0,704), cùng nhóm với Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Vừa qua Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố dự báo rằng đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình, và năm 2035 GDP của Việt Nam sẽ vượt Đài Loan.
Còn Brand Finance - công ty định giá hàng đầu thế giới nhận định, nhờ làm tốt việc chống dịch, Việt Nam đã nổi lên là địa điểm hấp dẫn hàng đầu tại Đông Nam Á cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ. Brand Finance đánh giá thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng giá trị tới 29% lên 319 tỷ USD - một con số ấn tượng, tăng hạng 9 bậc so với năm trước lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới do Brand Finance xếp hạng.