Dân Việt

Bền chặt tình làng

Nguyễn Thanh Bình 15/02/2021 23:14 GMT+7
Ai sinh ra ở làng, lớn lên ở làng và từ làng ra đi, sẽ luôn nhớ về làng quê của mình. Tôi luôn tin vào điều đó. Mỗi người một cách nhớ, một cách tri ân nơi mình sinh ra, bởi nơi đó vẫn còn họ hàng, những người thân, và nơi đó vẫn mãi mãi bền chặt một tình làng nghĩa xóm…

1. Tôi về lại xứ Đoài. Làng Thạch quê tôi mở tiệc đình. Trước đó nửa tháng, những tấm thiệp mời đã được các cụ cao niên gửi tới từng gia đình, đồng thời nhắn nhủ những người con xa quê thu xếp công việc về dự lễ khánh thành đình đông đủ. Rồi thêm tin nhắn, điện thoại của bạn bè nhắc lịch. Nên lòng người xa quê thấp thỏm, nao nức muốn về, muốn ngồi dưới mái đình làng mới sửa để được gặp gỡ, chuyện trò.

Sau mấy trăm năm, đình làng tôi đã không còn vững như xưa. Sau nhiều cuộc họp, các cụ cao niên nêu ý kiến cần phải trùng tu lại cho vững chắc, khang trang. Cả làng nhất trí.

Xây sửa đình là một việc lớn của làng. Nên mọi chuyện đều được công khai. Thế nên dân làng ai nấy đều nhất tâm ủng hộ. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít.

Tôi nhớ nhất là ngày lợp mái đình. Nhà ai cũng cắt cử người ra đình tham gia chuyển ngói. Hàng vạn viên ngói mũi được vận chuyển qua tay con dân của làng. Những đứa trẻ trong làng không giúp được gì cũng náo nức đứng từ xa nhìn ngó, lao xao chỉ tay chuyện trò. Rồi hàng trăm công việc khác nữa, chỉ cần các cụ cần, thì không có người của xóm này sẽ có người của xóm khác chung tay góp sức.

(xuan) Bền chặt tình làng - Ảnh 1.

Những đứa trẻ chơi ở đình làng Mông Phụ. Ảnh: H.T.P

Tình làng vẫn bền chặt. Nhất là khi làng có việc. Việc đình. Việc chùa. Việc ốm đau, tang ma, việc hỉ. Hay như mấy đợt cao điểm phòng chống Covid-19, làng nào cũng có những đội để nhanh chóng phát hiện, cảnh báo…

Ngay cả như bữa tiệc đình cũng có sự đóng góp của cả làng. Hôm ấy cả làng đều dậy sớm. Xóm thì làm mấy trăm đĩa thịt gà, xóm thì góp mấy trăm đĩa xôi, xóm khác góp bánh chưng, rồi cơm, canh…

Nếu không bởi đại dịch Covid-19 thì các cụ cao niên trong làng đã làm lễ khánh thành và mở tiệc đình từ hồi giữa năm. Nhưng để đảm bảo an toàn, mãi tới những ngày cuối năm, sau khi được phép của chính quyền, các cụ mới chọn ngày tốt để tổ chức khánh thành.

2. "Tình làng nghĩa xóm đang nhạt phai". Tôi đã nghe nhiều người nói điều đó. Nếu so với 50 năm trước, thế hệ cha mẹ mình, thì điều ấy có phần đúng. Khi ấy, qua hàng rào hàng giậu, mọi người có chia nhau từng củ sắn, gửi gắm hàng xóm trông cho cửa nhà để chạy ra chợ mua rau… Cái cảm giác hàng xóm láng giềng ngày ấy sống chân thành, ấm áp là có. Nhưng bây giờ, nhiều làng quê đã phố hóa. Đường làng như đường phố, giành nhau cả chỗ đỗ ôtô. Làng đã xuất hiện các cửa hàng tạp hóa, những tiệm trà chanh, thậm chí có cả sự hiện diện của chuỗi siêu thị tiện ích… Nhìn vẻ bề ngoài, làng đã khác. Tình làng cũng khác. Và tình người đã không còn như xưa.

(xuan) Bền chặt tình làng - Ảnh 3.

Nhưng nếu về làng, bỏ qua lớp áo bên ngoài đang nhuốm sự nhốn nháo đô thị hóa, lắng nghe nhịp thở của làng, thì vẫn nhận ra, giữa sự xô bồ khó chặn ập đến ấy, người ta sẽ vẫn nhận ra những vẻ đẹp thuần khiết của làng Việt. Ở đó tình người vẫn còn đượm. Tình làng vẫn bền chặt. Nhất là khi làng có việc. Việc đình. Việc chùa. Việc ốm đau, hiếu hỉ... Hay như mấy đợt cao điểm phòng chống Covid-19, làng nào cũng có những đội để nhanh chóng phát hiện, cảnh báo về người lạ xuất hiện ở làng để yêu cầu kê khai y tế…

Những lúc ấy, thấy những giá trị văn hóa của làng vẫn còn trường cửu, được nối dài, dệt kỹ, quấn quyện trong những lễ nghi, nghi thức, trong cách ứng xử của những dòng họ, những chi, cành…

3. Xứ Đoài nổi danh với câu nói "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài". Dân gian xứ Đoài cũng có câu "Đẹp đình So, to đình Cấn". Tôi đã đến thăm những ngôi đình này, cả những ngôi đình khác nổi tiếng như đình Chu Quyến, đình Mông Phụ, đình làng Tây Đằng... Mỗi đình mỗi vẻ, đem lại niềm tự hào cho cư người vùng đất đó. Nhưng khi ngồi dưới mái đình của làng mình trong màn mưa bụi giăng giăng, ngước lên thấy lộc non nhú xanh những cành bàng, thấy những bông hoa đại thì thầm tỏa hương, người ta sẽ thấy lòng mình như lắng lại, như được trôi về miền tuổi thơ xa khuất. Ký ức như cuốn phim tua trở lại những buổi tan học sớm về đình chơi trò trốn tìm trong những ngày đông giá rét; trở lại những khoảnh khắc được người thân quen trong làng, trọng họ mạc rút những đồng tiền mới mừng tuổi…

Sân đình cũng là nơi phơi phóng các sản vật mùa màng của nhà nông, những lúa, ngô, khoai, sắn... Và khi xuân đến, hội làng mở ra. Trò chơi dân gian xuất hiện ở sân đình. Kiệu vàng lấp lánh cũng được rước ra từ đình làng.

Nói về đình làng cũng chính là để nói chuyện về "cái nóc của làng". Đó là nơi tập trung sức mạnh cộng đồng làng. Nơi đó tình làng được tụ lại, lan tỏa… Bởi thế, ứng xử với đình cũng là ứng xử với làng. Giữ đình cũng là giữ cái nếp làng, tình làng của người Việt.