Dân Việt

Linh hồn của làng

Đỗ Bích Thúy 16/02/2021 10:15 GMT+7
Ngôi làng - sở dĩ tôi luôn nhớ nhung nó, là vì nó được tạo ra bởi nhiều gia đình, dòng họ, tựa như những khu rừng được tạo nên bởi rất nhiều loài cây. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời trong ngôi nhà nằm sát chân núi, thì làng đã hình thành từ lâu.

Thậm chí người già nhất cũng không thể biết rõ nhóm người nào đã phát những nhát dao quắm đầu tiên để dọn chỗ dựng nhà. Bố mẹ tôi từ miền xuôi lên lập nghiệp, họ Nguyễn trong làng chia cho một khoảnh thung lũng. Bố tôi bảo họ chỉ nhận vài lít rượu là xong. Nhà tôi nằm sâu trong cùng, nhảy qua hàng rào là rừng, là những quả núi cao chót vót.

Phía ngoài là nhà hàng xóm. Để đi ra đường ô tô thì chúng tôi phải xuyên qua khu vườn của họ. Nhà hàng xóm có một bà lão. Bà già lắm rồi. Từ lúc tôi còn nhớ được cho đến lúc tạm biệt ngôi làng để ra đi, tôi có cảm giác bà không già hơn chút nào. Như thể là bà đã già sẵn như thế từ lúc tôi còn bé tí đến tận lúc tôi lấy chồng. Những nếp nhăn sâu, xếp đều đặn trên mặt; đôi mắt nhỏ, tinh anh, nấp dưới đôi lông mày đã bạc trắng; hàm răng cái còn cái mất, mỗi khi cười thì phô hết cả lợi ra; và cái lưng thì đã còng từ bao giở bao giờ. Còng đến nỗi mỗi khi tôi chạy qua, tôi hét lên: "Cháu chào bà ạ!". Sở dĩ hét lên là vì bà bị điếc, chào khẽ bà không nghe thấy. Với lại, cứ phải hét lên mới thấy vui vẻ. Nghe tiếng tôi chào bà ngẩng đầu lên. Bà ngẩng đầu thật là khó nhọc vì cái lưng quá còng, đầu bà phải cúi đến gần ngang đầu gối. Bà mỉm cười, lẩm bẩm một câu tiếng Tày gì đó...

(xuan) Linh hồn của làng - Ảnh 1.

Cụ bà ở một làng người Tày của huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) phơi thóc. Ảnh: Đ.B.T

Bà ngồi trên sàn phơi lúa nhìn ra đường mòn, và dường như chỉ đợi con bé con là tôi chạy vọt qua, hét toáng lên chào, để cười một nụ cười móm mém nhưng thật là tươi vui.

Bà không khi nào ngồi yên. Lúc nào cũng lọ mọ làm một việc gì đó, cho dù con dâu bà có nói gì đi nữa thì bà vẫn cứ làm. Bà giống như một chiếc lá bị gió thổi đi, không thể dừng được.

Bà có sẵn một cái quan tài để ở gầm sàn. Nó không có nắp. Hay là con trai bà đã mang đi dùng tạm vào việc gì khác thì không biết. Bọn tôi thường nhảy vào nằm ở trong đấy. Phải bốn đứa trẻ con nằm tráo đầu đuôi chen chúc mới đầy cái quan tài gỗ. Thỉnh thoảng bà mang chổi ra quét, mang khăn ra lau cái quan tài. Rồi bắc cái ghế ngồi cạnh bóc mấy củ lạc trong cái rá. Vừa bóc lạc vừa hát. Tôi hỏi bà: Bà hát bài gì đấy? Bà cười hở hết cả lợi. Bà không biết tôi nói gì, vì bà đâu biết tiếng Kinh. Nhưng bà vẫn nói câu gì đấy. Tôi cũng không biết bà nói gì, vì tôi đâu biết tiếng Tày.

(xuan) Linh hồn của làng - Ảnh 3.

Bà hay làm bánh khảo vào tết. Gạo nếp ngâm, để ráo nước, rang cho phồng lên, trộn đường, phơi ngoài sương qua đêm. Sáng hôm sau bà lấy vào, trộn đều rồi nhồi vào trong cái chén uống nước, đổ ra là thành những chiếc bánh khảo đúng hình cái chén. Giờ thì tôi không dám chắc mình còn có thấy ngon như xưa nữa không, nhưng chắc chắn là tôi rất thèm, và mãi mãi không được ăn nữa vì bà đã đi theo chiếc quan tài nhẵn thín dấu chân trẻ con từ lâu.

Mỗi khi nhớ làng tôi luôn kèm theo nỗi nhớ bà lão. Một bà lão già từ rất sớm, và lại sống rất lâu, đến gần 100 tuổi...