Về sau nhiều năm, tôi mới biết giai điệu mà anh tôi hay ngâm nga là bài hát "Cô láng giềng" của Hoàng Quý.
Từ nhịp làng quê đến hành khúc yêu nước
Hoàng Quý sinh ngày 30/10/1920 ở Hải Phòng, và ra đi khỏi cõi đời từ mùa hè 1946. Từ một người gốc gác ở Phủ Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), thầy thuốc Hoàng Văn Khang vốn mê đàn bầu đã xuống Hải Phòng làm bệnh viện. Trong tiếng đàn bầu của cha, Hoàng Quý đã ra đời vào cuối thu, năm Canh Thân 1920.
Cơ duyên để Hoàng Quý trở thành nhạc sĩ là khi vào học tại Trường Trung học tư thục Lê Lợi. Ở đó, Hoàng Quý đã trở thành học trò yêu của thầy giáo Ngô Đình Hộ nhưng đồng thời là nhạc sĩ với bút danh Lê Thương. Thầy vừa dạy văn học Pháp vừa dạy nhạc cho các học sinh yêu âm nhạc. Họ cùng Hoàng Quý tạo thành một nhóm gọi là nhóm "Hippi tiền chiến". Khi thầy Lê Thương tự trình bày bài hát "Tiếng đàn âm thầm" ở Nhà hát Lớn Hải Phòng, thì Hoàng Quý và Canh Thân (sau cũng là nhạc sĩ và nổi tiếng với bài hát "Cô hàng cà phê") đã hát phụ họa cùng thầy.
Trong tiếng đàn bầu của cha, Hoàng Quý đã ra đời vào một cuối thu, năm Canh Thân 1920. Và tiếng đàn bầu ấy đã dựng lên một thế hệ nhạc sĩ do người con trai yêu quý của ông thầy thuốc là huynh trưởng với cái tên "Nhóm Đồng Vọng".
Ảnh hưởng thầy, Hoàng Quý càng chăm chỉ học nhạc. Ông học violon của nữ nhạc công người Pháp tên là Leprétre - chủ cửa hàng "Orphée" ở Hải Phòng chuyên bán các nhạc khí, bản nhạc và sách nhạc phương Tây. Đồng thời ông tìm đến Bar "Mèo đen" để học lỏm các ngón guitare của các nhạc công Philippines. Rồi Hoàng Quý và các bạn cũng mày mò sáng tác bài hát. Nhờ luồng gió cổ võ Tân Nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên khởi xướng trong chuyến xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội và Hải Phòng năm 1938, năm 1939 thì bài hát "Nhớ quê hương" mà Hoàng Quý và Phạm Ngữ làm đã được Nhà xuất bản "Tricca" ấn hành. Đấy là một cú hích quan trọng để Hoàng Quý tạo ra một sự nghiệp âm nhạc trong ngót 10 năm ngắn ngủi, gắn liền với phong trào "Hướng đạo", cùng những người bạn trong nhóm mà Hoàng Quý đặt tên là nhóm "Đồng Vọng".
Ông là nhạc sĩ đầu tiên đã "Việt hóa" thành công nhịp Valse sang trọng của cung đình châu Âu thành nhịp làng quê của Việt Nam qua "Chiều quê": "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm/Chạy dài trên khóm cây/Đàn chim ríu rít ca…". Sau ông, các nhạc sĩ khác cũng đã "Việt hóa" điệu Valse như thế qua "Làng tôi", "Ngày mùa" của Văn Cao, "Quê em miền trung du" của Nguyễn Đức Toàn, "Làng tôi" của Hồ Bắc… Nhưng ở thời điểm ấy, âm hưởng tơ non như thanh xuân của "Chiều quê" đã ngấm đến tận cùng hơi thở một thế hệ thanh niên chuẩn bị vùng lên trong cuộc cách mạng long trời lở đất giành độc lập cho Việt Nam. Bên cạnh "Chiều quê", các hành khúc yêu nước của Hoàng Quý như "Bóng cờ lau", "Trên sông Bạch Đằng", "Đêm trong rừng"… cũng như của các bạn trong nhóm "Đồng vọng" cũng làm hừng hực lòng người trong cao trào cách mạng.
Một tháng, hai tháng, rồi nửa năm trôi qua... Lại vẫn những e ấp, những khóc nhìn ẩn kín. Hoàng Quý luôn cảm thấy có sự hiện diện dịu dàng của cô láng giềng trong một góc thăm thẳm hồn mình.
Nhớ thương cô láng giềng
Nhưng sự lãng mạn trong tâm hồn nghệ sĩ như Hoàng Quý chỉ ẩn náu đâu đó. Nó không hề mất đi. Có tác động là nó lại bùng phát dữ dội. Tác động đó là khi Hoàng Quý gặp bên nhà mình một cô láng giềng xinh đẹp, dễ thương, có tên là Ngọc Trâm. Cô thuê căn nhà 206 phố Trại Cau - cạnh nhà Hoàng Quý số 204, từ lúc nào Hoàng Quý không hay. Chỉ biết một hôm Hoàng Quý đi tập hát cho tráng sinh Trường Bonnal (nay là trường Ngô Quyền) về, đã thấy cô đứng tựa cửa ngóng đợi ai.
Cô trẻ, dong dỏng cao, dáng dấp mềm mại và yểu điệu thục nữ trong lúc đứng tựa cửa. Vẻ đẹp còn quyến rũ hơn khi cô trong trang phục quần lụa, áo dài trắng, ôm lấy thân hình tràn ngập thanh xuân. Khuôn mặt trái xoan, bầu bĩnh và hiền hậu một cách thơ trẻ. Cặp mắt bồ câu đen láy, có đuôi mày hơi xếch lên mơ mộng. Thấy Hoàng Quý ôm guitar chuẩn bị bước vào nhà, cô hỏi: "Anh ở nhà 204 đấy à? Em mới thuê nhà bên cạnh nhà anh đó. Có phải em là láng giềng của một nhạc sĩ không?".
Hoàng Quý nghe giọng nói ngọt ngào rót vào tai mà không tin ở tai mình nữa. Dường như có gì giống như sét đánh bên tai. Ôi! Cô láng giềng mới mẻ sao mà hấp dẫn với giọng nói dễ thương nhường kia. Hoàng Quý lúng túng trả lời. Còn cô láng giềng thì cứ cười một nụ cười thật buồn...
Sau khoảnh khắc đối thoại, khi Hoàng Quý bước vào nhà mình thì nghe có tiếng còi ôtô. Xe xịch tới. Một người đàn ông bệ vệ trong Âu phục, đáng tuổi bố cô láng giềng bước xuống xe.
1 tháng, 2 tháng, rồi nửa năm trôi qua... Lại vẫn những e ấp, những khóc nhìn ẩn kín. Hoàng Quý luôn cảm thấy có sự hiện diện dịu dàng của cô láng giềng trong một góc thăm thẳm hồn mình. Sự thùy mị của cô. Nét xinh tươi của cô...
Nhưng có một ngày, cô đột ngột ra đi, để lại trong lòng Hoàng Quý một trống trải vỡ ra không có gì bù đắp nổi. Hóa ra, cô là "vợ bé" của người đàn ông đáng tuổi bố cô. Khi bà cả phát hiện ra nơi cô ở trọ, cô đành lặng lẽ vừa khóc, vừa xách vali ra đi… Câu chuyện thật là như thế. Nhưng với Hoàng Quý, bằng tưởng tượng của một nhạc sĩ có chút si tình thì không phải là cô ra đi mà là bước vào tiệc cưới, để lại ông với một tình yêu đơn phương, lặng lẽ đành ra đi khi tự hão huyền trong mình những "thề non, hẹn biển" mà chưa kịp nói ra. Song nỗi xót xa về sự phân ly thì thật đến rớm máu.
Sự thật ấy đã khiến cho giai điệu "Cô láng giềng" trào ra bằng tưởng tượng của người nhạc sĩ: Hôm nay trời xuân bao tươi thắm. Dừng gót phiêu linh về thăm nhà. Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi. Tôi đã hình dung nét ai đang cười…
Giai điệu được hát lại bằng ca từ tả lại vẻ kiểu diễm của cô láng giềng: Tôi mơ trời xuân đôi môi thắm. Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền...
Sự phân ly đã đẩy cung bậc đoạn tiếp theo lên cao vút khi nghĩ tới người nơi xa không biết có còn tơ tưởng tới giai nhân: Cô láng giềng ơi! Tuy cách xa phương trời tôi không hề. Quên bóng ai bên bờ đường quê. Đôi mắt đăm đắm chờ tôi về... Chính nỗi xót xa về sự phân ly đã khiến cho Hoàng Quý đã có một sự sáng tạo bất ngờ khi cấu trúc thêm vào bài hát một đoạn nữa vừa khác lại vừa giống đoạn trên một phần, khiến bài hát "Cô láng giềng" trở thành một nhạc phẩm trữ tình độc đáo của thời tiền chiến: Năm xưa khi tôi bước chân ra đi. Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi. Đừng nói đến phân ly. Cô láng giềng ơi...