Tác giả là một người thơ thâm trầm, kín đáo. Ông đã làm thơ từ lâu, từ những ngày trong quân ngũ đến những ngày trên giảng đường đại học. Thơ luôn trong ông cả khi ông đã trở thành một nhà khoa học chuyên về ngành xã hội học. Và có lẽ cái tạng thơ ông cùng với cái đặc điểm của nghề chuyên môn ông làm đã tạo nên một tiếng thơ Mai Quỳnh Nam khác lạ khác biệt với tiếng thơ của nhiều người khác cùng thời. Thơ Mai Quỳnh Nam kiệm lời, nén chữ vào ý, dùng ý tạo cảm xúc.
Sự dẫn dắt của lý tính thuần tuý
như toa tàu chở nặng
có thể chở toàn cay đắng
trượt dài trên hai thanh sắt
mọi trạng thái cảm xúc
chỉ là cơn gió lướt qua (tr. 19)
Đọc thơ Mai Quỳnh Nam như vậy là phải vận dụng lý tính. Nói vậy chắc có người sẽ nhăn mặt. Thơ chứ đâu phải triết. Tôi phải nói ngay là người đọc chớ nên sợ hay hoảng. Thay đổi một quan niệm - thơ là nói chuyện cảm xúc, tình cảm thông qua sự tác động truyền cảm, sang một quan niệm - tình cảm, cảm xúc trong thơ không chỉ được biểu hiện bằng cảm tính mà còn bằng lập luận lý tính, khi đó thơ và nhà thơ và người đọc thơ sẽ được đến với nhau qua những kênh thông tin khác.
KHÔNG TỲ VẾT
Tác giả: Mai Quỳnh Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 87 (khổ 13x19cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 69.000
Đọc anh rất khó
tôi phải nhờ hạt tuyết
phả ra hơi nước
để hiểu anh
tôi và hạt tuyết
giống nhau
ở sự tan dần (tr. 83)
Bài thơ này ở cuối tập có nhan đề "Gửi N". Biết đâu đây cũng là một nhắn gửi của Mai Quỳnh Nam đến những người "ăn chịu" với thơ ông. Và những người như thế dễ nhận thấy ở thơ ông đôi lúc có cách lập ý lập tứ giống một nhà thơ lớn từng được coi là nhà thơ trí tuệ của thơ Việt hiện đại.
Nhưng thơ ông không phải lúc nào cũng thách đố người đọc với những mệnh đề logic và phi logic để dẫn đưa tới những suy tưởng bất ngờ sâu sắc. Bất chợt ông vẫn có những câu thơ nghe như xưa cũ khiến người đọc bỏ qua suy luận để "chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc" như khi xưa Xuân Diệu đã nói. Đó là tôi muốn nhắc đến hai câu làm thành một bài thế này: "Em đi biền biệt chiều không tưởng / Nắng xoãi tình hoang loang đất đai" (tr. 30).
Trong tập thơ thứ sáu này của Mai Quỳnh Nam có nhiều bài ông viết về/cho người bạn đời đã mất của mình. Những bài ấy thường chỉ một câu.
Em sống giữa lòng anh trong trẻo nhất
*
Em là bóng trong nắng chiều trắng xoá
*
Buồn hơn cả những buồn đau có thể
*
Lòng tan rã như có ma đến ám
Những bài thơ một câu này là tiếng thốt của con tim, là nỗi quặn đau của tấm lòng trước một mất mát không thể vãn hồi, không thể chấp nhận. Thơ ở đây không còn sự dụng công thơ. Ngay cả khi có dụng công thì sự thật của nỗi đau vẫn là nỗi đau.
Dưới nấm mồ anh vẫn nhắc
hôm nay sinh nhật em
anh thấy tờ hoá đơn
mua hoa
bánh kem
và nến
năm phút nữa
là giờ em đến (tr. 47)
Ba chữ "Không tỳ vết" làm tên tập thơ mới của Mai Quỳnh Nam nằm trong một câu thơ ở bài "Hãy nhìn lên" (tr. 78). Nhà thơ bảo mình và bảo người đọc đừng nhìn dọc chỉ thấy vẩn đục vẫn là vẩn đục, đê hèn vẫn là đê hèn, mà hãy nhìn lên để thấy mặt trời vẫn chói chang thanh sạch và ngày mới luôn là không tỳ vết. Khi đã biết nhìn lên như thế thì hãy cứ thế mà đi.
Và nhà thơ Mai Quỳnh Nam đồng hành cùng người đọc trong tư thế đi ngẩng mặt đó bằng những câu thơ như lời triết lý, châm ngôn, thậm chí là sự kết tội. Thơ ông cật vấn, thách thức như tìm cách tạo khổ người đọc. Và tạo khổ cả chính nhà thơ. Ông đã chọn một lối làm thơ khó. Và ông đã biết thế lưỡng nan của nghề viết: "chữ mới hơi bị ngầu / chữ cũ trắng phau phau" (tr. 79). Nghệ thuật của người làm thơ là phải tìm một không gian sinh tồn mới cho cả chữ cũ chữ mới có thể tạo nghĩa khác. Lối thơ Mai Quỳnh Nam chọn chừng như muốn vậy - "chỉ có thể có / khi biết rũ bỏ" (tr. 9).
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Tĩnh, 1.2.2021