Dân Việt

TP.HCM: Làng nghề se nhang, tráng bánh làm không hết việc, nhiều người khá giả nhờ vụ tết

Trần Đáng 03/02/2021 20:10 GMT+7
Nhiều làng nghề ở TP.HCM đang tất bật sản xuất đặc sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.

Còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, tại làng bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) đêm nào lò tráng bánh cũng đỏ lửa, nhân công căng mắt làm đêm. Đây là một trong 6 làng nghề truyền thống được thành phố lựa chọn để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thời gian qua.

Đỏ lửa ngày đêm…

Ông Trần Châu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ Hòa cho biết, hiện hầu hết các lò bánh tráng trong xã không còn khả năng nhận thêm hợp đồng làm bánh tráng dịp tết. "Các lò làm bánh tráng đã chốt lại hợp đồng vì hiện họ đã sản xuất hết công suất" - ông Châu chia sẻ.

Đặc sản làng quê ra chợ tết   - Ảnh 1.

Chị Thanh Tuyền (làng nhang Lê Minh Xuân) chuẩn bị tăm trước khi se nhang. Ảnh: T.Đ

Hiện, làng bánh tráng Phú Hòa Đông có gần 200 lò bánh tráng cả truyền thống lẫn hiện đại. Làng nghề giải quyết việc làm cho 5.000 - 6.000 lao động trên địa bàn.

Phần lớn sản phẩm bánh tráng của HTX là xuất khẩu. Riêng thị trường bán lẻ nội địa, mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 15 tấn sản phẩm, chủ yếu cho Saigon Co.op.

Hiện, làng bánh tráng này có gần 200 lò bánh tráng cả truyền thống lẫn hiện đại. Làng nghề giải quyết việc làm cho 5.000 - 6.000 lao động trên địa bàn. Phần lớn sản phẩm bánh tráng của HTX là xuất khẩu. Riêng thị trường bán lẻ nội địa, mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 15 tấn sản phẩm chủ yếu cho Saigon Co.op.

Chị Trần Thị Thanh Huyền - chủ cơ sở bánh tráng Thanh Huyền (ấp Cây Trâm) cho hay, mỗi ngày cơ sở này sản xuất 700 - 800kg. Vào những ngày cao điểm cận tết, khả năng cơ sở này tăng năng suất lên 1 - 1,2 tấn. 

Trong khi đó, chị Hồ Phú Châu (ấp Phú Lợi) - một hộ làm bánh tráng cho biết, hiện lò bánh tráng của chị Châu vừa là nơi sản xuất vừa là điểm dừng chân của nhiều khách du lịch khi có dịp đến thăm làng nghề.

Theo ông Trần Châu, hiện mỗi ngày các lò bánh Phú Hòa Đông sản xuất hơn 40 tấn bánh tráng, trong đó khoảng một nửa sản lượng được xuất khẩu.

Tại xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh), những ngày này, người làm nhang trong làng cũng khá bận rộn. Đây là mùa tiêu thụ nhang nhiều nhất trong năm do dịp tết và rằm tháng Giêng.

Theo chị Nguyễn Cát Bụi Thúy - chủ cơ sở se nhang cho biết, nghề làm nhang là nghề cha truyền con nối tại đây. Mấy đời nhà chị làm nghề nhang. Nghề này có việc làm quanh năm. Trong đó, dịp rằm tháng Giêng tiêu thụ nhang nhiều nhất. Thậm chí, có những hộ gia đình làm đến ngày 29, 30 Tết mới đóng máy xe nhang.

Hiện, mỗi ngày cơ sở chị Thúy bán ra thị trường hàng chục ngàn thiên nhang thành phẩm (1 thiên = 1.000 cây nhang). Sản phẩm này theo thương lái lan tỏa không chỉ ở thành phố mà còn đến các tỉnh lân cận.

Xóa nghèo…

Theo bà Phạm Thị Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, nghề se nhang tuy không mang lại cuộc sống giàu sang cho người dân, nhưng cũng giúp nhiều người tại đây thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Danh Tây - một người thợ se nhang thuê tại làng nhang Lê Minh Xuân cho biết, vào những ngày áp tết, vợ chồng ông thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày từ việc se nhang. "Làm thuê bằng nghề này tiền công không nhiều, nhưng như thế cũng đủ chi tiêu cho những ngày tết"- ông Tây chia sẻ.

Theo chị Thúy, nhiều nhân công, sau thời gian làm công đã thành thạo nghề rồi vay tiền mua máy, tự đứng ra sản xuất nhang.

Ông Trần Châu cũng cho biết, từ nghề làm bánh tráng, nhiều người trong làng nghề đã trở nên khá giả. "Nhờ làng nghề mà nhiều gia đình thoát nghèo, góp phần tăng thu nhập nông thôn, xây dựng nông thôn mới"- ông Châu thổ lộ.