Cách đây gần 1 tuần, quán Bia Hải Xồm, nằm trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn tấp nập người ra vào liên hoan, tổ chức tiệc tất niên. Thế nhưng, từ khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19, lượng khách giảm nghiêm trọng, hàng chục bàn để trống không có ai ngồi.
Xót ruột vì vắng khách, chị Hoàng Thị Huệ (quản lý quán) liên tục thở dài. Chị Huệ cho biết, thời điểm chiều tối cuối năm lúc nào quán cũng tấp nập khách. Hơn 40 nhân viên phục vụ không ngừng nghỉ cả ngày đến tận đêm khuya. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách vắng hẳn, nhân viên, đầu bếp thong thả ngồi chơi.
"Thông thường, những ngày cuối năm, lượng khách trung bình khoảng 300-400 khách. Nhà hàng ngày nào cũng có nhiều người đặt bàn, phòng Vip để tổ chức liên hoan, tiệc cuối năm công ty. Trước ngày công bố ca bệnh Covid-19, nhà hàng tấp nập, doanh thu mỗi ngày hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, ngay khi có ca bệnh, nhiều khách gọi điện báo huỷ tổ chức tiệc tất niên, liên hoan. Gần 100 mâm đặt bàn trong 2,3 ngày kế tiếp đồng loạt bị khách báo huỷ", chị Huệ chia sẻ.
Theo chị Huệ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của cửa hàng bị thiệt hại từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Hơn 40 nhân viên làm việc cũng bị cắt giảm còn 15-20 người.
"Dịch bệnh thế này biết làm sao được. Bởi vậy, dù thiệt hại khi đã chuẩn bị thực phẩm nhưng nhà hàng vẫn quyết định trả lại toàn bộ số tiền khách đã đặt cọc. Mọi năm nhân viên làm đến 28 Tết mới được nghỉ nhưng năm nay có khi phải nghỉ Tết sớm hơn. Thôi đành bóc ngắn cắn dài, lúc này bù lúc khác vậy", chị Huệ bày tỏ.
Cùng chung cảnh ngộ như trên, chỉ sau một đêm khi công bố ca bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng, chị Nguyễn Thị Xinh – chủ quán lẩu nướng HaBit ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) liên tục nhận cuộc gọi hủy đặt tiệc tất niên, hủy đặt bàn liên hoan vì lo ngại dịch bệnh. Những khách đã đặt bàn trước chị Xinh đều phải gọi lại để nhận được thông tin phản hồi xem họ có hủy hay không.
"Một số công ty, gia đình… vừa đặt tiệc tối hôm trước, hôm nay đã báo hủy. Họ xin lỗi vì do sự cố khách quan và tôi cũng vui vẻ trả lại tiền đặt cọc bởi không ai muốn như thế này. Ba ngày trước khi công bố ca nhiễm, khách đều đã đặt kín bàn cả 3 tầng. Thế nhưng chỉ sau một hôm công bố dịch, khách đồng loạt báo huỷ. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi mất từ 100-200 khách. Hôm trước lác đác vài bàn, có hôm còn không có một khách hàng nào", chị Xinh buồn rầu chia sẻ.
Thường ngày, một quán ăn cho giới trẻ trong ngõ 62 Trần Thái Tông (Hà Nội) luôn đông đúc người. Thế nhưng, những ngày dịch này "vắng tanh như chùa Bà Đanh". Quản lý quán này lắc đầu: "Giờ 18h-19h rồi mà còn chưa có khách nào".
Bên cạnh việc nhiều cửa hàng mở cửa "vớt vát" khách thì nhiều nhà hàng chủ động đóng cửa để phòng tránh dịch Covid-19. Tại quán bia Vườn Nhãn trên đường Trung Kính, Hà Nội, nhà hàng đóng cửa kín mít kèm thông báo nghỉ Tết sớm: "Nhà hàng thông báo nghỉ Tết từ 2/2. Hân hạnh phục vụ quý khách từ ngày mùng 6 Tết".
Tại nhà hàng Bia Xanh ở quận Cầu Giấy cũng treo biển thông báo: "Chung tay phòng chống dịch Covid-19, nhà hàng xin phép tạm dừng hoạt động. Mong quý khách thông cảm, xin cảm ơn".
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Hữu Đồng, nhân viên quán Bia Xanh cho biết, mặc dù chưa có lệnh cấm kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhà hàng đã chủ động thông báo tạm dừng hoạt động đến hết Tết.
Theo anh Đồng, quán bia ngày thường có khoảng 40 nhân viên, đón trung bình từ vài trăm đến cả nghìn khách. Thế nhưng để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho khách, nhân viên cũng như chung tay với Nhà nước góp phần phòng tránh dịch, nhà hàng đã quyết định đóng cửa.
"Rất nhiều khách đặt bàn tổ chức tiệc tất niên đều được nhà hàng thông báo huỷ. Biết rằng thiệt hại do dịch sẽ rất lớn nhưng việc đóng cửa nhà hàng lúc này là vì cộng đồng. Hơn 40 nhân viên của nhà hàng đều được nghỉ Tết sớm. Mỗi tháng nhà hàng phải thuê mặt bằng với giá 500 triệu đồng. Việc đóng cửa này khiến nhà hàng thiệt hại hàng tỉ đồng nhưng vì dịch bệnh phải chấp nhận thôi", anh Đồng nói.
Quê ở Thanh Hoá nhưng Tết năm nay, anh Đồng quyết định ở lại Hà Nội để trông quán đồng thời đảm bảo an toàn cho người thân ở quê. "Mình ở lại đây cũng để đảm bảo an toàn cho người thân, ở Hà Nội cũng xuất hiện nhiều ca bệnh nên sợ về mọi người lo lắng", anh Đồng nói thêm.