Dân Việt

Những người may “đồ hiệu” của người Mông ở bản Hua Tạt

Khánh Nguyên 08/02/2021 06:00 GMT+7
Người phụ nữ Mông nào cũng biết may vá, thêu thùa và người nào cũng sắm cho mình một chiếc váy thêu tay kỳ công, được dệt bằng tâm huyết, bằng sự nhẫn nại.

Khi những cánh đào bắt đầu hé những nụ hoa phớt hồng trên sườn đồi cũng là lúc người Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La) chuẩn bị mổ lợn, gói bánh đón tết của dân tộc mình, những tấm váy sặc sỡ lại được mang ra phơi trên hàng rào, để những phụ nữ Mông chuẩn bị đi chơi tết, xuống chợ.

Những tấm váy được họ nâng niu, quý trọng và chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt của dân làng.

Thành quả của sự tâm huyết, nhẫn nại

Người phụ nữ Mông nào cũng biết may vá, thêu thùa và người nào cũng sắm cho mình một chiếc váy thêu tay kỳ công, được dệt bằng tâm huyết, bằng sự nhẫn nại.

Như rất nhiều mùa đông trước, khi cô bé Sồng Thị Gia (ở bản Hua Tạt) mới lên 6 tuổi đã được mẹ chỉ dạy cho những mũi kim đầu tiên trên tấm thổ cẩm. Mùa đông năm nay, bên bếp lửa ấm nồng, Gia lại miệt mài đưa từng đường kim, mũi chỉ, hoàn thành chiếc váy mà người phụ nữ Mông nào cũng phải có một vài chiếc trong đời, chiếc váy truyền thống được thêu hoàn toàn bằng tay.

Tatnien/ Những người may “đồ hiệu” của người Mông ở bản Hua Tạt - Ảnh 1.

Sồng Thị Gia đang chuẩn bị vải để thêu chiếc váy mới. Ảnh: A.T

Chiếc váy, không đơn giản là một trang phục, nó còn thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái, là khát khao của tuổi trẻ, là tình yêu đang trong tuổi xuân thì.

"Người phụ nữ Mông nào cũng biết thêu váy thổ cẩm, con gái Mông, lên 5, 6 tuổi đã được mẹ, bà dạy thêu rồi. Như em biết thêu từ năm lên 6" - Gia cho biết.

Bản Hua Tạt những ngày đông rét mướt bàng bạc khói sương như màu cổ tích, những cánh đào phớt hồng đã bắt đầu bung nở, cũng là lúc những người phụ nữ Mông mang những tấm váy thổ cẩm ra phơi ở hàng rào, rực rỡ như những cánh bướm nhiều màu sắc, chuẩn bị cho ngày tết truyền thống của người Mông.

Không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa hoa đào nở nhưng cho đến giờ khi mắt đỡ mờ, tay đã run, tấm lưng đã gù rạp, bà Giàng Thị Vang vẫn miệt mài thêu những tấm váy sặc sỡ, cố gắng lưu giữ một nét văn hóa không bao giờ phai mờ của người Mông, dù hiện nay, cuộc sống hiện đại, những biến thể của chiếc váy Mông đã xuất hiện, tiện dụng nhưng có phần mờ nhạt bản sắc.

Bên bếp lửa hồng ấm áp, hình ảnh cụ bà lưng còng rạp cặm cụi đưa từng mũi kim lên xuống như khẳng định những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được lưu giữ, truyền lại theo nhiều cách khác nhau.

Cho đến giờ bà Vang cũng không nhớ nổi bao nhiêu mùa trồng lanh dệt vải, nhưng tấm váy sặc sỡ, xập xòe theo từng bước đi của cô gái Mông đã cuốn hút rất nhiều chàng trai. Chiếc váy, không đơn giản là một trang phục, nó còn thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái, là khát khao của tuổi trẻ, là tình yêu đang trong tuổi xuân thì.

Tatnien/ Những người may “đồ hiệu” của người Mông ở bản Hua Tạt - Ảnh 3.

Một chiếc váy hoàn chỉnh của người Mông có giá lên tới 3 - 4 triệu đồng. Ảnh: A.T

"Phụ nữ Mông nào cũng phải có một vài chiếc váy thêu tay, mặc vào những sự kiện quan trọng trong năm của cộng đồng, trong mỗi lần đi hội, xuống chợ. Hàng ngày, chúng em mặc những chiếc váy in sẵn hoa văn, tiện dụng và rẻ, nhưng vào những dịp đặc biệt thì nhất định phải mặc váy thêu tay".

Sồng Thị Gia

Gia cho biết, hàng năm cứ đến tháng 3 - 4, đồng bào Mông ở xã Vân Hồ bắt đầu gieo trồng cây lanh và đến tháng 7 - 8 mới thu hoạch. Sau khi thu hoạch, bà con đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt cho mềm. Sau đó đem luộc, đến khi thấy sợi lanh mềm thì mang ra phơi nắng cho khô, rồi dùng guồng chia sợi lanh ra trước khi mắc vào khung cửi dệt.

Vẫn mãi lưu truyền

Đối với người Mông, các hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục. Mọi hoa văn ở đây đều rất mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Mông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc.

Các hoa văn thường thấy trên các bộ váy áo của người Mông là đường viền hình vuông, chữ thập, đinh; hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, răng cưa, đường cong, hoa mận, hoa mơ...

Tatnien/ Những người may “đồ hiệu” của người Mông ở bản Hua Tạt - Ảnh 5.

Bà Giàng Thị Vang ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) cặm cụi thêu váy bên bếp lửa.

"Phụ nữ Mông nào cũng phải có một vài chiếc váy thêu tay, mặc vào những sự kiện quan trọng trong năm của cộng đồng, trong mỗi lần đi hội, xuống chợ. Hàng ngày, chúng em mặc những chiếc váy in sẵn hoa văn, tiện dụng và rẻ, nhưng vào những dịp đặc biệt thì nhất định phải mặc váy thêu tay" - Gia nói.

Không chỉ phụ nữ, trang phục của đàn ông người Mông trong những dịp lễ tết cũng có những họa tiết thêu tay rất cầu kỳ, tinh tế.

Gia cho biết, kỹ thuật thêu tay của người Mông không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Trung bình một chiếc váy, phải mất 3 - 4 tháng để hoàn thiện. Do quá trình hoàn thiện rất kỳ công nên giá của những chiếc váy này cũng không hề rẻ. "Một chiếc váy Mông thêu tay hoàn chỉnh, giá dao động trong khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/bộ" - Gia tiết lộ.

Hiện, Gia cũng đang chỉ dạy, truyền tay những mũi thêu đầu tiên cho hai cô con gái mới lên 5 - 6 tuổi. Nghề thêu, may váy của người Mông cũng giúp cuộc sống của gia đình Gia ổn định hơn. Đã từng có một dự án hỗ trợ người Mông ở Hua Tạt gìn giữ, phát triển nghề thêu tay truyền thống. Gia cũng đang mày mò làm những sản phẩm lưu niệm xinh xắn bằng kỹ thuật thêu tay phục vụ khách du lịch khi đến Hua Tạt.

Chắc chắn, dù cuộc sống của phát triển, dù sự tiện dụng đã len lỏi vào từng gia đình nhờ những thiết bị, công nghệ hiện đại thì chắc chắn kỹ thuật thêu tay truyền thống của người Mông vẫn mãi được lưu truyền, để mỗi mùa xuân những tấm váy lại rực rỡ trên hàng rào, trên con đường xuống chợ, xập xòe, xập xòe như những cánh bướm xinh…