Dân Việt

Nao lòng nhớ chợ tết làng Bần

Nguyễn Trọng Văn 11/02/2021 20:30 GMT+7
Trong tâm trí của tôi thì chợ Bần - quê ngoại tôi (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là chợ to nhất vùng và cũng là chợ đông nhất vùng. Chợ họp theo phiên nhưng những ngày tháng Chạp thì hầu như ngày nào chợ cũng đông đúc. Mới tầm bốn giờ hơn chợ đã xôn xao.

Đó là những phiên ngày giáp tết, chợ rộn rã tiếng người í ới gọi nhau, rộn rã tiếng chào mua chào bán.

Làng Bần Yên Nhân nằm bên Quốc lộ 5, một dãy phố dài có dáng dấp nhang nhác phố Hà thành bởi vỉa hè rộng cùng hàng sấu lá xanh rì, hàng bàng lá đỏ quanh năm che rợp. Chợ Bần ở phía sau phố với hai khu được phân cách nhờ ngôi đình làng. Khu chợ chính và khu chợ chuyên dành cho buôn bán trâu gọi là chợ Trâu.

Vào dịp cuối năm, khu chợ trâu không rộn rã như khu chợ chính nhưng lại là nơi dành cho những người lo xa trông rộng bởi như các cụ ta xưa có câu

Tatnien/ Nao lòng nhớ chợ tết làng Bần - Ảnh 1.

Chợ tết luôn là nơi đầy thú vị với trẻ nhỏ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Người nào may mắn chọn được con trâu ưng ý thì "vui như tết". Họ dắt trâu đi, ánh mắt tươi rói, dáng mặt tự hào. Mà tự hào quá đi chứ lị vì tậu được trâu tức là người có tiền.

Tậu trâu, dựng vợ, làm nhà/Xong ba việc ấy mới là đàn ông" nên chợ Trâu dịp cuối năm cũng là thời điểm để những "đáng nam nhi" thể hiện mình. Chẳng gì thì "con trâu là đầu cơ nghiệp" kia mà. Có tiền và biết lo xa nên tốt nhất là tới chợ trâu "sắm đầu cơ nghiệp".

Trâu được lái lùa từ trên miền ngược về. Trâu đi thành đoàn, ít thì chục con, nhiều thì hàng chục con, thậm chí có đoàn trăm con.

Cuối năm chợ trâu cũng nhộn nhịp. Từng con trâu đã được tắm sạch sẽ, da đen bóng, miệng nhai rơm khô bỏm bẻm như mấy bà mấy cô nhai trầu. Người nào may mắn chọn được con trâu ưng ý thì "vui như tết". Họ dắt trâu đi, ánh mắt tươi rói, dáng mặt tự hào. Mà tự hào quá đi chứ, vì tậu được trâu tức là người có tiền.

Tôi diện áo sơ mi trắng vải Nam Định, quần tay xanh sĩ lâm, chận dận đôi ba ta màu xanh, đó là phần thưởng mẹ tôi mới mua ở cửa hàng mậu dịch, mẹ tôi nói "Thưởng con được lên cấp 2". Thế thôi mà tôi tưng tửng, tưng tửng đến nỗi chẳng chờ đến sáng mùng 1 tết mới mang áo quần ra mặc. Trong tâm trí của tôi thì "mặc quần áo mới đi chơi chợ giáp tết mới thú".

Khu vực bán lá dong sớm nay đông. Toàn là các bà, các cô. Các bà, các cô lựa từng bó lá, họ khẽ lật lật xem lá dong có to bản không, có tươi xanh không. Mẹ tôi nói: "Lá dong to bản và tươi xanh khi gói bánh chưng sẽ gọn sẽ đẹp. Màu xanh của lá dong khi luộc sẽ như ướp vào hạt gạo vậy. Ngày tết cả nhà sum vầy, bóc chiếc bánh chưng, màu xanh mềm mại hệt như trước mặt là cả cánh đồng lúa thì con gái".

* * *

Bỏ qua khu vực bán lá dong, tôi đi tới sân đình. Đình làng Bần là một ngôi đình lớn. Mẹ tôi bảo: "Đình làng Bần là nơi thờ Đức Thánh Đông Hải Đại vương. Ngài là một danh tướng trung thần của nhà Lý". Mẹ tôi chỉ nói sơ sơ thế thôi, chứ tôi biết "Đức Thánh Đông Hải Đại Vương có tên thật là Đoàn Thượng, người vùng Hồng xưa tức tỉnh Hải Dương ngày nay. Vốn là tướng tài lại đặc biệt trung thần với nhà Lý nên ngài bị ám hại. Nghe đâu trong một trận giao tranh, ngài bị chém gần đứt đầu nhưng vẫn cố phóng ngựa phi về chốn quê. Khi ngựa tới làng Bần Yên Nhân thì đầu ngài đứt hẳn và rơi xuống, mình của ngài còn trên lưng ngựa phóng tới Mao Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) mới chịu ngã hẳn. Người dân đã hóa đầu ngài, và chính nơi đầu ngài rơi xuống dân làng Bần đã dựng lên ngôi đình để thờ ngài. Ngài thường hay linh ứng trợ giúp dân chúng, dân chúng rất ghi ơn ngài. Sau này ngài được nhiều đời vua nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn sắc phong là Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng Thượng đẳng thần.

Mẹ tôi bảo: "Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (bà là người làng Yên Phú, còn gọi là làng Bần trên, giáp làng Bần Yên Nhân) trong một lần đến thăm và yết lễ tại đây đã cảm tác đề tặng một câu đối, sau được chạm khắc ở trong đình": Thanh Miếu tuế thời hương, lăng cốc bất khai canh hoàn cục - Hồng Châu kim cổ lộ, cương thường sức khởi vãng lai nhân" (có nghĩa là: Chí thời Thanh Miếu ngát hương, thủy nhật nguyệt chiếu minh gương trung nghĩa - Kim cổ Hồng Châu qua lại, khách vãng lai trông rõ cột cương thường).

Sân đình tuy chỉ được phân định với chợ nhờ bờ tường gạch xây thấp có thể bước chân qua được, nhưng ngày chợ thường sân đình luôn thông thoáng. Vào những ngày giáp tết, sân đình được "trưng dụng". Đây là khu vực mà tôi thích đến chơi nhất và tôi chơi ở đó lâu nhất. Đó là nơi chuyển chỉ bán tranh tết và câu đối tết. Tranh được bày la liệt ở sân đình, được treo lao xao trong gió quanh sân. Đó là những bức tranh dân gian kiểu như: Cá chép vờn trăng, tiểu đồng ôm gà, đám cưới chuột…

Tatnien/ Nao lòng nhớ chợ tết làng Bần - Ảnh 3.

Phiên chợ tết ở vùng quê Bắc Bộ. Ảnh: P.V

Tôi lại gần chỗ một bác có ánh mắt hiền hiền, bác tên là Tung nhưng người làng Bần đều gọi bác là "Nhà thơ Đồng Bằng" vì bác hay làm thơ, những câu thơ như "Làng tôi ở giữa cánh đồng/Lúa thì con gái cho lòng tôi mê…" đủ làm bao cô thôn nữ thẹn đỏ mặt kéo vạt khăn che ngang quay đi mà mắt còn liếc lại.

"Nhà thơ Đồng Bằng" mấy hôm nay vận quần nâu, áo nâu, tay áo vén cao, ông ngồi giữa sân đình trên một chiếc chiếu hoa mới tỉnh tình tinh. Ông chuyên viết câu đối hoặc nếu như có ai nhờ viết chữ "Tài" hay chữ "Lộc" đem về dán ở nhà thì ông cũng viết hộ.

Trên chiếc chiếu hoa trải phẳng, "Nhà thơ Đồng Bằng" còn cẩn thận lót lên đó mấy lớp bìa các tông. Đó là nơi ông đặt những tờ giấy bồi lên đó. Sau khi vuốt vuốt cho thật phẳng thì ông lại vén tay áo lên cho thật cao. "Nhà thơ Đồng Bằng" chấm nhẹ cây bút lông vào một chiếc bát Bát Tràng, trong đó là thỏi mực Tàu đã được mài thành mực. Khẽ khàng nhưng điệu bộ, "Nhà thơ Đồng Bằng" múa múa cây bút lông mấy lượt rồi mới thong thả đặt bút lên tờ giấy. Loáng cái đã xong đôi câu đối, loáng cái đã xong một đôi chữ Nho nhìn tựa như rồng phượng uốn lượn. Người khách đặt viết ngồi chầu hẫu nhấp nha nhấp nhổm, nét mặt hớn hở dõi theo, rồi cười tít mắt, nhẹ nhàng đón câu đối nâng lên tay ngắm nghía. Chờ cho khô mực thì mắt cười cười, miệng nói nói đứng dậy bước ra về vẻ rất chi là hãnh diện.

Gần trưa chợ giáp tết vẫn xôn xao chưa vãn. Tôi lại gần "Nhà thơ Đồng Bằng" gạ hỏi: "Bác ơi, sao ngày tết người ta lại thích chơi tranh chữ hả bác?". "Nhà thơ Đồng Bằng" nháy mắt cười nói: "Ngươi quê nghèo nhưng nghèo tao nhã. Chơi tranh chơi chữ cho người ta sự tĩnh tâm lại có phần thanh sạch".

Nhiều chục năm đã qua. Chợ quê những ngày giáp tết vẫn đông đúc, vẫn xôn xao nhưng chẳng thấy người nhờ viết chữ, chẳng thấy ai tới xin mua tranh về treo chơi ba ngày tết nữa. Nhớ và nhớ và mong có lại.