Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, tốc độ tăng đàn gia súc ăn cỏ trong năm 2020 rất ấn tượng, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong năm 2020, Bộ NNPTNT chỉ đạo tập trung phát triển gia súc ăn cỏ, trong đó có phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng về thịt, sữa và xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa.
Tổng đàn bò thịt đạt 5,9 triệu con, tăng 4,2% so với năm 2019, sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 372,5 nghìn tấn, tăng khoảng 4,8%, so với năm 2019.
Tổng đàn bò sữa đạt trên 335.000 con, tăng 7,9% so với năm 2019. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9% so với năm 2019. Đàn dê thịt đạt trên 2,9 triệu con, tăng 11,5%; sản lượng thịt đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 22% so với năm 2019.
"Tiếp tục chọn lọc, nhân thuần các giống bản địa để cải tiến năng suất, chất lượng. Tiếp tục nhập các giống ngoại cao sản để lai tạo với giống bản địa nhằm tối ưu hóa ưu thế lai".
Ông Tống Xuân Chinh
Đây là những kết quả rất khả quan về phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong bối cảnh có dịch tả lợn châu Phi, đầu tư cho an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn ở quy mô nông hộ còn rất hạn chế thì việc chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ để bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người nông dân là rất thiết thực.
Trong chiến lược phát triển đàn gia súc nhai lại, đàn bò sữa được ưu tiên hàng đầu. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành chăn nuôi bò sữa?
- Ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đang hội trong giai đoạn "thiên thời, địa lợi" thể hiện ở những điểm quan trọng sau: Sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của cả nước nên còn nhiều dư địa; nhu cầu tiêu dùng nội địa đối với sữa, sản phẩm sữa ngày càng cao do tăng thu nhập, công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi dinh dưỡng của người tiêu dùng.
Xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa đã, đang và sẽ có cơ hội to lớn cho Việt Nam khi nước ta đã ký kết 14 hiệp định tự do thương mại với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là 3 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA, RCEP, và đặc biệt là Nghị định thư xuất khẩu sữa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam có mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đứng đầu Đông Nam châu Á với các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, TH, Nutifood…
Trong "Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/10/2020, có định hướng lâu dài cho phát triển bền vững chăn nuôi bò sữa đặt tổng đàn 700.000con và 2,6 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu vào năm 2020.
Tuy Việt Nam không có lợi thế về đồng cỏ tự nhiên như Mỹ, Úc, Hà Lan… nhưng có nguồn thức ăn thô từ phụ phẩm công-nông nghiệp ước đạt trên 45 triệu tấn, đặc biệt là rơm lúa để có thể bảo quản, chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, trong đó có bò sữa.
Việt Nam có nhiều giống trâu, bò bản địa chất lượng thịt rất tốt, Cục Chăn nuôi có kế hoạch gì nhằm bảo tồn, phát triển những giống đại gia súc bản địa đó, thưa ông?
- Nước ta chỉ có duy nhất một giống trâu đầm lầy (Swamp buffalo) thuộc họ Bubalus bubalus và 3 loài bò gồm bò vàng, bò Mông và bò U đầu rìu. Trong 3 giống bò nêu trên thì giống bò Mông và bò U đầu rìu đã được đưa vào kế hoạch bảo tồn của Bộ NNPTNT.
Trên cơ sở lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giống bò quý này, đặc biệt là bò Mông để làm nguyên liệu cho quá trình chọn tạo, lai tạo giống bò ở nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi ở từng vùng sinh thái, từng phương thức chăn nuôi.
Ông có thể cho biết chiến lược phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong những năm tới là gì, và các giải pháp để thực hiện?
- Mục tiêu cụ thể của Chiến lược chăn nuôi đến năm 2030, nước ta lập kế hoạch nuôi khoảng 2,4 - 2,6 triệu con trâu, 6,5 - 6,6 triệu con bò thịt, 650.000-700.000 con bò sữa và 4 - 4,5 triệu con dê.
Đàn gia súc ăn cỏ này sẽ tương ứng sản xuất ra sản lượng thịt hơi gồm 199.000 tấn thịt trâu, 850.000 tấn thịt bò, 2,6 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu và 110.000 tấn thịt dê, cừu. Sản lượng thịt hơi gia súc ăn cỏ chiếm từ 10 - 11% tính trên tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 8,8 triệu tấn vào năm 2030.
Để thực hiện được mục tiêu trên của chiến lược, theo tôi các nhóm giải pháp chính sau cần được triển khai thực hiện: Tiếp tục chọn lọc, nhân thuần các giống bản địa để cải tiến năng suất, chất lượng. Tiếp tục nhập các giống ngoại cao sản để lai tạo với giống bản địa nhằm tối ưu hóa ưu thế lai.
Ở những địa phương, cơ sở chăn nuôi có điều kiện đầu tư, áp dụng công nghệ cao, tăng cường lai tạo các giống ngoại xa nhau về mặt di truyền để tạo ra những giống thích nghi được điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam và phát huy được năng suất, chất lượng của giống ngoại.
Hai là, quy hoạch chuyển đổi tập trung đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, trong đó có trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Đầu tư phát triển công nghệ vi sinh, cơ giới hóa để phục vụ cho việc thu gom, bảo quản, chế biến phụ phẩm công-nông nghiệp, đặc biệt là rơm lúa để phơi khô dự trữ, ủ chua, sản xuất thức ăn TMR, TMF.
Ba là, áp dụng các quy trình chăn nuôi sinh sản và quy trình vỗ béo tiên tiến như VietGAHP, ASEANGAP, GlobalGAP… cho các gia súc ăn cỏ, trong đó ưu tiên cho chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn liền với du lịch, chăn nuôi tuần hoàn.
Bốn là, liên kết sản xuất, phát triển mạnh các liên kết sản xuất theo chuỗi, đứng đầu là các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp 4F (Feed - Farm - Food - organic Fertilizer). Tăng cường giết mổ công nghiệp, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm và xuất khẩu.
Năm là, củng cố thị trường tiêu thụ trong nước thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến cho từng phân khúc thị trường, vùng miền.
Phát huy hiệu quả các thị trường quốc tế mà Việt Nam là thành viên của các hiệp định từ do thương mại, đặc biệt ưu tiên khơi thông thị trường của các nước hồi giáo với các sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn HALAL để phục vụ thị trường gần 1,6 tỷ người Hồi giáo và 2/3 sống ở châu Á.
Xin cảm ơn ông!