Tục lệ Famadihana thường được thực hiện 7 năm một lần tại vùng cao nguyên Madagascar. (Ảnh: SouthWorld)
Tục lệ giao lưu âm - dương của người Madagascar. Họ thường bày tỏ niềm vui được giao lưu với người thân đã khuất dịp Famadihana. (Ảnh: culturetrip)
Tục lệ giao lưu âm - dương xuất phát từ đất nước Madagascar, đây là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi phía đông châu Phi. 18 dân tộc với những bản sắc văn hóa riêng góp phần tạo nên đất nước Madagascar vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa đa dạng và phong phú.
Vài năm một lần tại vùng cao nguyên Madagascar các gia đình lại đoàn tụ trong lễ hội được gọi là Famadihana (có nghĩa là "thay xương cốt" tổ tiên). Nghi lễ này đã tồn tại hàng trăm năm qua, khá gần với tục lệ bốc mộ cải táng ở Việt Nam.
Thành viên một gia đình tổ chức Famadihana. (Ảnh: crowdedplanet)
Tục lệ Famadihana được coi là truyền thống danh dự của người Madagascar và thường được thực hiện khoảng 7 năm 1 lần.
Theo nghi lễ thiêng liêng này, một số hài cốt người thân đã khuất của các đại gia đình được khai quật và đưa ra khỏi hầm mộ tổ tiên theo cách "chân trước, đầu sau", rồi bọc lại bằng những tấm vải liệm mới có viết tên người chết thể hiện họ luôn được ghi nhớ.
"Mặc đồ" mới cho hài cốt người thân. (Ảnh: crowdedplanet)
Sau đó những người họ hàng còn sống vừa khiêng thi thể người chết trên đầu vừa diễu hành quanh lăng mộ và nhảy múa theo tiếng nhạc "sống". Không ai khóc lóc hay tỏ ra buồn đau, mà vẫn rất vui vẻ với niềm tin họ đang ăn mừng sự sống của người thân đã khuất.
Trước khi mặt trời lặn hài cốt được cẩn trọng đưa trở lại mộ chôn cùng với quà tặng gồm tiền và rượu, theo cách ngược lại "đầu trước, chân sau" để khép lại vòng quay của sự sống và cái chết. Sau đó hầm mộ tiếp tục đóng cửa cho tới dịp tục lệ Famadihana khoảng 7 năm sau.
Hài cốt của thi thể đầu tiên được đưa ra khỏi lăng mộ. (Ảnh: crowdedplanet)
Theo quan niệm của người Madagascar thì con người được sinh ra từ tro cốt của cha ông. Bởi thế họ luôn đề cao những bậc tiền bối trong gia đình, dòng họ và tin rằng nếu xương cốt chưa phân hủy hoàn toàn thì người chết chưa mất đi vĩnh viễn và vẫn có thể giao tiếp với người sống.
Vì vậy khi xương cốt người thân còn tồn tại thì người Madagascar vẫn còn tiếp tục bày tỏ tình yêu thương và tôn kính người đã khuất, đặc biệt là trong dịp lễ hội Famadihana hay còn gọi là tục lệ giao lưu - âm dương
Những người còn sống vừa nhảy múa cùng các thi thể vừa diễu hành quanh khu vực lăng mộ. (Ảnh: crowdedplanet)
Nghi thức Famadihana rất tốn kém nên không phải ai cũng đủ khả năng tổ chức thực hiện. Những gia đình khó khăn thường phải dành dụm khá lâu mới có tiền chi ăn uống, ban nhạc, mua vải liệm cho người chết và quần áo cho người sống… Nhưng nếu có khả năng mà không chịu làm tục lệ Famadihana thì họ sẽ bị chê trách.
Đưa thi thể trở lại lăng mộ trước khi mặt trời lặn. (Ảnh: crowdedplanet)
Từng có những phản ứng với cảnh báo: Tục lệ Famadihana có thể làm lây lan dịch bệnh nếu hài cốt người chết từng mắc bệnh truyền nhiễm được khai quật lên, vì vi khuẩn vẫn có thể lan truyền và gây bệnh cho những người xử lý thi thể. Nhưng cùng với thời gian tục lệ Famadihana vẫn tồn tại trong một số cộng đồng cư dân Madagascar...
Nói lời tạm biệt cuối cùng và hẹn gặp lại sau 7 năm nữa… (Ảnh: crowdedplanet)